Tình trạng người dân xếp hàng để mua thực phẩm, các cửa hàng quá tải, không đủ hàng hóa phục vụ… đã tái diễn tại nhiều nơi ở TP HCM trong 2-3 ngày nay, khi các phường, xã đồng loạt thực hiện việc phát phiếu và kiểm soát người dân đi mua sắm thực phẩm theo phiếu.

Ngay trong sáng 29-7, người dân khu phố 9, phường Tân Quý, quận Tân Phú bức xúc phản ánh cửa hàng trên đường Tân Hương (điểm mua sắm theo hướng dẫn của chính quyền địa phương) có rất ít thịt, cá. Nhiều gia đình đã hết thực phẩm để dùng nhưng không dám chạy xe đi mua ở những cửa hàng khác vì sợ bị phạt.

Người dân xếp hàng mua thực phẩm tại một cửa hàng Bách Hóa Xanh ở quận Bình Thạnh, TP HCM .Ảnh: AN NA

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Công Chánh, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cho hay quận đã nắm tình hình và ngay trong ngày đã triển khai 12 xe bán hàng lưu động, trong đó chủ yếu là thịt, cá, rau củ quả, thực phẩm khô… của siêu thị Aeon Mall Tân Phú đến những điểm “nóng” trên địa bàn. Ông Chánh giải thích việc thiếu hàng cục bộ của các cửa hàng là do áp lực điều tiết của các đơn vị kinh doanh. Trước khi thực hiện việc phát phiếu mua thực phẩm, mỗi cửa hàng chỉ phục vụ một lượng khách nhất định nhưng nay lượng khách tăng lên đột ngột dẫn đến quá tải.

“Giải pháp khắc phục là địa phương thông báo đến các siêu thị, cửa hàng về số lượng phiếu phát ra tương ứng với lượng khách có thể đến mua sắm tại siêu thị, cửa hàng trong ngày để doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng hóa tương ứng. Quận sẽ tăng cường điều tiết các xe bán hàng lưu động đến phục vụ bà con tại những khu vực có ít cửa hàng, siêu thị. Bên cạnh đó, để tạo thêm điểm mua sắm thực phẩm an toàn cho người dân, quận đang vận động tiểu thương ngành hàng thực phẩm tươi sống các chợ truyền thống quay lại bán hàng” – ông Chánh nói.

Cũng theo ông Chánh, do cả 6/6 chợ truyền thống trên địa bàn vẫn chưa bảo đảm an toàn nên quận đang rà soát lại các sân bóng đá, sân tennis để bố trí nơi bán tạm cho tiểu thương, quy mô dự kiến khoảng 10 sạp hàng/điểm.

Nhiều người dân tại nhiều quận, huyện, TP Thủ Đức cũng rơi vào tình trạng tương tự như cư dân quận Tân Phú. Để tháo gỡ vướng mắc này, các địa phương đã liên lạc Sở Công Thương TP HCM, các doanh nghiệp bán hàng bình ổn nhờ tăng cường điểm bán thực phẩm lưu động cho người dân. Một số ít địa phương bắt đầu triển khai các điểm bán thực phẩm thiết yếu hoặc mở lại chợ.

Chẳng hạn, Phòng Kinh tế quận 11 đã phối hợp Ban Quản lý Chợ Thiếc tổ chức điểm bán nhỏ tại khu vực dọc theo đường Trần Quý với khoảng 5 sạp (tiểu thương), chủ yếu là mặt hàng rau, củ, quả, trứng gia cầm (bán đồng giá các sản phẩm theo quy cách đóng gói sẵn). Trước đó, quận 12 và huyện Củ Chi đã tổ chức thành công một số “chợ dã chiến” bán thực phẩm tươi sống cho người dân tại các sân bóng đá, trường học, lề đường…

Theo các doanh nghiệp bán lẻ, TP HCM chỉ còn 27/237 chợ truyền thống hoạt động. Nhiều địa phương đã đóng toàn bộ các chợ, bao gồm: TP Thủ Đức, quận 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Nhà Bè khiến áp lực phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống phân phối hiện đại.

Trong khi đó, việc giới hạn thời gian hoạt động của người dân từ 6 giờ đến 18 giờ khiến các cửa hàng, siêu thị giảm khoảng 1/3 thời lượng bán hàng, việc nhập hàng, sắp xếp hàng hóa cũng bị ảnh hưởng do nhân viên bộ phận tươi sống không thể đến nơi làm việc từ 4-5 giờ sáng theo thông lệ để chuẩn bị mà tất cả các khâu đều bắt đầu từ 6 giờ sáng.

Một chuyên gia kinh tế phân tích trong bối cảnh TP HCM tăng cường các biện pháp hạn chế di chuyển, chính quyền địa phương phát phiếu cho người dân chỉ được đi mua thực phẩm trong một địa bàn giới hạn thì việc bảo đảm đủ thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của mỗi hộ gia đình là rất quan trọng.

Do mật độ cửa hàng, siêu thị phân bổ không đều nên đã xảy ra tình trạng quá tải, thiếu điểm bán thực phẩm tại một số nơi. Trong khi đó, lực lượng shipper chỉ di chuyển liên quận, huyện, TP Thủ Đức trong trường hợp giao hàng cho các khu phong tỏa, cách ly…, còn lại phải giao hàng trong nội quận, huyện, TP Thủ Đức cũng gây khó khăn trong việc mua hàng thiết yếu của người dân.

“Bán hàng lưu động chỉ là một giải pháp tình thế và phụ thuộc nhiều vào nguồn lực của các doanh nghiệp và sự điều phối chung của TP. Giải pháp căn cơ nhất vẫn là mở lại các chợ truyền thống hoặc điểm bán thay thế chợ truyền thống trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch để người dân yên tâm mua sắm” – chuyên gia nêu nhận định.

Đề nghị xử lý nghiêm các vi phạm về giá

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, TP về tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá trên địa bàn trong những tháng cuối năm 2021, trong đó lưu ý khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã xảy ra hiện tượng tăng giá một số mặt hàng chủ yếu do nguồn cung bị đứt gãy. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương đẩy mạnh triển khai công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trên địa bàn.

Cụ thể, chú trọng theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường để kịp thời có các giải pháp bình ổn giá thị trường phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện công tác kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các tỉnh, TP công khai, minh bạch thông tin về giá, nhất là đối với nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất; vật tư y tế phòng dịch, sản phẩm nông nghiệp; giá cước vận tải. Ngoài ra, hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân.

M.Phong


Thanh Nhân

Chia sẻ