Tân Tổng Giám đốc Eximbank là ai?

Ông Trần Tấn Lộc giữ chức vụ Tổng Giám đốc

Hội đồng quản trị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – mã CK: EIB) vừa công bố bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc giữ chức vụ Tổng Giám đốc của ngân hàng sau khi được phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước.

Ông Trần Tấn Lộc sinh năm 1969, là Tiến sĩ Kinh tế và có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng.

Ông Lộc bắt đầu làm việc cho Eximbank từ năm 1994 với vị trí nhân viên phòng kế toán. Những năm sau đó, ông đã liên tục đảm nhiệm các chức vụ khác nhau tại ngân hàng (Kiểm soát viên Phòng kế toán; Phó phòng Kế toán giao dịch; Phó phòng Thẻ tín dụng; Trưởng Phòng thẻ tín dụng; Trợ lý Tổng Giám đốc kiêm phó ban dự án), trước khi được cất nhắc làm Phó Tổng Giám đốc thường trực Eximbank kể từ tháng 3/2007.

Ông Yasuhiro Saitoh - Chủ tịch HĐQT Eximbank (bên phải) trao quyết định bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc.
Ông Yasuhiro Saitoh – Chủ tịch HĐQT Eximbank (bên phải) trao quyết định bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc.

Với gần 15 năm liên tục làm Phó Tổng Giám đốc, kinh qua cả chức vụ Quyền Tổng Giám đốc (từ ngày 10/12/2015 đến ngày 16/03/2016), ông Trần Tấn Lộc là nhân sự kỳ cựu bậc nhất trong Ban điều hành đương nhiệm ở Eximbank, chứng kiến và tồn tại qua nhiều biến cố, bao gồm cả “cuộc chiến vương quyền” suốt nhiều năm qua.

Trước khi về làm việc tại Eximbank, ông đã có 5 năm công tác tại Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh TP.HCM.

Song song với việc bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc, HĐQT Eximbank cũng đã ban hành nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Quyền Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Cảnh Vinh. Trước đó, hôm 31/8, ông Nguyễn Cảnh Vinh đã có đơn từ nhiệm gửi HĐQT EIB.

Thực tế, kể từ đầu tháng 4/2019 đến nay, Eximbank vẫn khuyết vị trí Tổng Giám đốc sau khi ông Lê Văn Quyết hết hợp đồng. Người được giao phụ trách tạm thời Ban điều hành Eximbank là ông Nguyễn Cảnh Vinh. HĐQT Eximbank từng có Nghị quyết bổ nhiệm ông Vinh làm Tổng Giám đốc. Tuy nhiên, NHNN đã không phê chuẩn do Nghị quyết bầu và hồ sơ trình lên không hợp lệ.

Eximbank kinh doanh không mấy “sáng sủa”

Năm 2012, với tổng tài sản hơn 170.000 tỷ, Eximbank là một trong những nhà băng tư nhân có quy mô tài sản nhất thị trường khi đó. Chỉ số tài chính dư nợ cho vay của ngân hàng này cũng đạt gần 75.000 tỷ, tiền gửi của khách hàng đạt trên 58.000 tỷ đồng.

Quy mô của Eximbank khi đó tương đương với ACB (176.000 tỷ); MBBank (175.600 tỷ); Sacombank (152.000 tỷ); Techcombank (180.000 tỷ) … Thậm chí, ngân hàng cũng thường xuyên nằm trong top 3 lợi nhuận khối tư nhân.

Tuy nhiên, kể từ khi cựu Chủ tịch Eximbank là ông Lê Đình Dũng rút lui vào năm 2015, những mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông đã khiến Eximbank tiếp tục “vùng vẫy” trong khó khăn, lợi nhuận trồi sụt. Đến năm 2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm này là âm 817 tỷ đồng. Đến năm 2019, lợi nhuận của Eximbank đạt 866 tỷ đồng. Nếu so với con số đạt được trong năm 2011 thì mức lợi nhuận này mới chỉ bằng 30%.

Năm 2021, tình hình kinh doanh Eximbank mới có sự khởi sắc trở lại. Quý II/2021, ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 29,5% so với cùng kỳ đạt hơn 983 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi từ dịch vụ quý này của Eximbank giảm hơn 4% so với cùng kỳ; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm hơn 38,5% và lãi từ ngoại hối cũng giảm hơn 38%.

Nửa đầu năm 2021, Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 340 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 260%, tức cao gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, thu nhập lãi thuần của Eximbank tăng 11,7% đạt hơn 1.797 tỷ đồng.

Mặc dù mảng dịch vụ quý 2 giảm, nhưng bù lại trong quý 1 nguồn thu từ mảng dịch vụ tăng trưởng mạnh nên lũy kế 6 tháng đầu năm nay nguồn thu từ mảng dịch vụ của Eximbank vẫn đạt mức tăng trưởng 33%.

Trong khi, thu từ mảng chứng khoán đầu tư của Eximbank 6 tháng đầu năm 2021 lại giảm lãi tới 46% chỉ đạt 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ kiểm soát chi phí tốt và giảm mạnh dự phòng ở quý 2/2021 (do kiểm soát tốt chất lượng tín dụng) nên Eximbank ghi nhận lãi trước thuế trong 6 tháng đạt hơn 611 tỷ đồng, cao hơn 10,2% so với cùng kỳ.

Tính đến cuối tháng 6/2021, Eximbank đạt tổng tài sản đạt hơn 165.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,2% so với cuối năm 2020. Vốn chủ sở hữu 17.287 tỷ đồng.

Cuối tháng 6/2021, Eximbank giảm gần 15,6% nợ xấu so với cuối năm 2020 với tổng nợ xấu 2.138 tỷ đồng, chiếm 2% trên tổng dư nợ, giảm mạnh so với mức 2,51% thời điểm cuối năm ngoái.

Năm 2021, Eximbank dự kiến tổng tài sản tăng 10% so với năm 2020, đạt 177.000 tỷ đồng. Huy động vốn dự kiến tăng 10% đạt 148.000 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng khoảng 15% lên 117.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng kiểm soát không quá 2,5% tổng dư nợ.

Với mục tiêu lợi nhuận trước thuế, năm 2021, Eximbank đặt kế hoạch đạt 2.150 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2020.