Sự sụp đổ của SVB ở Mỹ có là dấu hiệu cảnh báo cho châu Á?

Các nhà phân tích nói rằng sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Mỹ dường như không có tác động lây lan lớn ở châu Á, nhưng một chuyên gia cho rằng đó có thể được coi là một “lời cảnh báo” – đặc biệt là đối với các nền kinh tế chưa tăng tốc trong cuộc đua nâng lãi suất.

Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đang đi ngược xu hướng khi các ngân hàng trung ương toàn cầu tăng lãi suất – với việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) duy trì lãi suất âm -0,1%.

Hôm 13/3, các thị trường ở Trung Quốc giao dịch cao hơn, trong khi chỉ số Topix của Nhật Bản dẫn đầu sự sụt giảm trong đợt bán tháo rộng hơn trong phiên giao dịch buổi sáng ở châu Á. Những điều này diễn ra sau khi các cơ quan quản lý của Mỹ công bố các biện pháp nhằm tiếp tục ngăn chặn rủi ro hệ thống từ sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB).

“Đối với Trung Quốc và Nhật Bản, sự khác biệt trong chính sách tiền tệ có thể không gây ra cuộc khủng hoảng tương tự, nhưng đó là lời cảnh báo cho các nhà hoạch định chính sách ở 2 nền kinh tế có ảnh hưởng này”, bà Tina Teng, nhà phân tích thị trường tại CMC Markets nói với CNBC trong một email.

Bà Teng nói thêm rằng phản ứng của thị trường chứng khoán châu Á – đặc biệt là các ngân hàng tập trung vào quỹ đầu tư mạo hiểm – sẽ phụ thuộc phần lớn vào “cách họ quản lý rủi ro lãi suất đối với những quốc gia gặp phải vấn đề tương tự”.

“Rủi ro tín dụng có thể là vấn đề chính mà các ngân hàng châu Á phải đối mặt sau triển vọng kinh tế ảm đạm và nhu cầu của người tiêu dùng giảm sút”, bà nói.

Tài chính - Ngân hàng - Sự sụp đổ của SVB ở Mỹ có là dấu hiệu cảnh báo cho châu Á?

Trụ sở Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Santa Clara, California, bị đóng cửa từ ngày 10/3/2023. Ảnh: CNN

Theo một tuyên bố chung từ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg vào tối 12/3, tất cả những người gửi tiền sẽ có quyền tiếp cận tiền của họ từ ngày 13/3 và rằng “người nộp thuế sẽ không phải chịu bất kỳ tổn thất nào liên quan đến việc giải thể Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB)”.

Tuyên bố cũng cho biết, Bộ trưởng Yellen đã phê duyệt các hành động cho phép FDIC hoàn thành việc giải thể SVB “theo cách bảo vệ đầy đủ cho người gửi tiền”.

Không có khả năng lan rộng

Nhà phân tích Tony Sycamore của IG cho biết, các biện pháp mới nhất được các nhà quản lý ở Mỹ công bố có thể hoạt động như một phương pháp để ngăn chặn rủi ro lây lan hơn nữa.

“Thông báo của FDIC và Fed sẽ là một cách tốt để ngăn chặn hậu quả từ sự đổ vỡ của SVB, đặc biệt là đối với nền kinh tế rộng lớn hơn”, ông Sycamore cho biết.

Ông nói thêm: “Tôi dự đoán thị trường sẽ nhanh chóng tiến lên và tập trung vào các vấn đề vĩ mô rộng lớn hơn trong tuần này, bao gồm báo cáo lạm phát vào tối ngày 14/3 và báo cáo sắp tới của FOMC”.

Trong khi đó, Moody’s Investors Service cho biết, các ngân hàng châu Á không có khả năng bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của SVB, do tiền gửi của họ chủ yếu là cho vay thay vì trái phiếu kho bạc.

arrow_forward_iosĐọc thêm

00:00

00:03
00:30

“Nếu các vị nhìn vào tỉ lệ cho vay trên tiền gửi điển hình ở châu Á, thì đó là khoảng 90%, vì vậy hầu hết các khoản tiền gửi được đầu tư vào các khoản vay”, chuyên viên tín dụng cấp cao Eugene Tarzimanov tại Moody’s nói với chương trình “Squawk Box Asia” của CNBC.

“Các ngân hàng rõ ràng có đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu địa phương, hoặc trái phiếu nước ngoài, nhưng tỉ lệ đó không đáng kể”.

Tài chính - Ngân hàng - Sự sụp đổ của SVB ở Mỹ có là dấu hiệu cảnh báo cho châu Á? (Hình 2).

Shanghai Pudong Development Bank hôm 10/3/2023 cho biết liên doanh của họ tại Trung Quốc với Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) không bị ảnh hưởng bởi tình trạng hỗn loạn của SVB ở Mỹ và kêu gọi khách hàng giữ bình tình. Ảnh: Bloomberg

Mặc dù một số công ty trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và khởi nghiệp công nghệ của châu Á có tiếp xúc với Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), nhưng không nhiều công ty công khai thừa nhận đã chứng kiến những tổn thất lớn từ sự phá sản của SVB, CNBC cho biết.

SPD Silicon Valley Bank, một liên doanh giữa Shanghai Pudong Development Bank (SPD) và Silicon Valley Bank (SVB) đã tìm cách trấn an các nhà đầu tư vào cuối tuần qua và cho biết hoạt động của họ “độc lập và ổn định”.

Ngân hàng cho biết trong một tuyên bố trên trang web của mình rằng họ “luôn hoạt động ổn định theo luật pháp và quy định của Trung Quốc, với khuôn khổ quản trị tiêu chuẩn và bảng cân đối kế toán độc lập”.

“Lựa chọn bỏ qua”

Các thị trường Hồng Kông dẫn đầu mức tăng cùng với các chỉ số ở Trung Quốc đại lục hôm 13/3, với chỉ số Hang Seng đạt trên 2%.

Thị trường đang “lựa chọn bỏ qua” những rắc rối có thể phát sinh trong khi thực hiện các bước để ngăn chặn rủi ro hơn nữa từ sự sụp đổ của SVB, ông Hao Hong, nhà kinh tế trưởng của Grow Investment Group, nói với CNBC trong một email.

Ông thừa nhận rằng “việc triển khai có thể gặp trục trặc từ việc làm thế nào tốt nhất để cầm cố danh mục đầu tư trái phiếu kho bạc hiện đang giảm giá trị làm tài sản thế chấp để vay từ cơ sở cho vay đặc biệt do Fed thiết lập – nhưng hiện tại, thị trường đang chọn bỏ qua những chi tiết kỹ thuật này”.

Đối với sự tăng trưởng của Trung Quốc, ông nhấn mạnh dữ liệu tài chính sẽ vẫn là chỉ số hàng đầu và chỉ ra rằng nền kinh tế đang chứng kiến mức cho vay kỷ lục trong 2 tháng đầu năm 2023.

Tài chính - Ngân hàng - Sự sụp đổ của SVB ở Mỹ có là dấu hiệu cảnh báo cho châu Á? (Hình 3).

Công ty công nghệ sinh học Trung Quốc BeiGene có 3,9% tiền mặt bị đóng băng sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Mỹ. Ảnh: SCMP

Trong khi thị trường chứng khoán tiếp tục biến động, nhà kinh tế trưởng châu Á-Thái Bình Dương của Goldman Sachs, Andrew Tilton, cho biết triển vọng kinh tế vĩ mô của khu vực khó có thể bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự sụp đổ của SVB.

Ông Tilton nói với mục “Squawk Box Asia” của CNBC: “Ở mức độ mà vấn đề này được các cơ quan quản lý giải quyết tương đối nhanh chóng và không lan sang các thực thể khác ngoài những vấn đề đã được ghi nhận cho đến nay, thì chúng ta ít có khả năng thấy tác động đáng kể đến triển vọng tăng trưởng của châu Á”.

“Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng mức tăng trưởng 5,5% của Trung Quốc trong năm nay, chủ yếu được thúc đẩy bởi việc mở cửa trở lại và có lẽ ít nhạy cảm hơn với vấn đề cụ thể này”, vị chuyên gia của Goldman Sachs kết luận