Thảo Hiền (25 tuổi) trở thành streamer (người phát trực tiếp trên các nền tảng bán hàng) cho sàn thương mại điện tử Lazada từ năm 2019 sau một lần cộng tác làm MC (dẫn chương trình) cho nền tảng bán lẻ trực tuyến này.

“Vốn là MC tự do nên tôi khá tự tin khi nói trước nhiều người. Và thế là tôi quyết định làm streamer bởi đặc thù công việc rất phù hợp với sở trường của tôi và thu nhập cũng ổn định, đủ để trang trải cuộc sống” – Thảo Hiền chia sẻ.

Trở thành streamer cho một sàn thương mại điện tử, một ngày làm việc của Thảo Hiền bắt đầu từ 8 giờ 30 phút với công việc make-up (trang điểm), chuẩn bị trang phục, máy móc và kết thúc sau 3-4 số livestream giới thiệu sản phẩm hoặc các chiến dịch của sàn. “Áp lực lớn nhất là làm mới bản thân, bởi công việc mỗi ngày đều là giới thiệu sản phẩm, nếu không làm mới về ngoại hình và chủ đề nói chuyện thì chắc chắn sẽ bị nhàm chán. Chủ đề nói chuyện rất quan trọng, phải thay đổi liên tục vì đối tượng xem livestream rất đa dạng, từ em nhỏ đến các cô chú lớn tuổi” – Thảo Hiền nhìn nhận.

Thảo Hiền (bên trái) trong một chương trình livestream của Lazada

Áp lực còn đến từ những bình luận (comment) khiếm nhã của người xem livestream mà không một streamer nào tránh được. Hiền kể mới đầu, cô cảm thấy “tụt hứng kinh khủng” khi có người comment chê cô xấu, có người bảo cô nói nhiều quá… Nhưng rồi cô đã học được cách “phớt lờ” hoặc trả lời những comment đó một cách nhã nhặn.

“Tôi tập trung mang lại những thông tin bổ ích cho người dùng để dần dần lấy được cảm tình của họ, để họ quay lại mua hàng, thay vì để tâm quá nhiều vào những comment không liên quan đến chủ đề livestream. Với những sản phẩm tôi nắm chắc thông tin, tôi tự trả lời người xem để tăng tương tác, còn với sản phẩm ngoài tầm hiểu biết thì tôi hướng dẫn người xem live liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng” – Hiền cho biết.

Bước chân vào một nghề khá mới mẻ trong xã hội, Thảo Hiền không dễ dàng thuyết phục gia đình. “Làm streamer cho một doanh nghiệp thì màu tóc sẽ phải thay đổi theo từng chương trình của doanh nghiệp đó. Thường từ 1-1,5 tháng tôi phải thay đổi màu tóc một lần, chủ yếu là màu tím hồng và xanh. Ba mẹ lúc đầu không thích tôi nhuộm tóc như thế. Sau rồi dần dần thấy tôi cũng làm một công việc khá ổn định và có thu nhập, ba mẹ bảo: “Con bé này hay nói, làm việc này cũng coi như tìm được đúng nghề rồi”. Bạn bè cũng dần dần hiểu hơn về nghề của tôi” – Hiền tâm sự.

Streamer 25 tuổi cho biết cô có đội ngũ fan (người hâm mộ) hùng hậu từ công việc của mình, chủ yếu là các em nhỏ. Đó là niềm vui và động lực để cô làm mới bản thân mỗi ngày. Nhưng Thảo Hiền cũng không giấu mục tiêu chuyển việc sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm bởi cô cần không gian làm việc rộng hơn nữa và bản thân sàn thương mại điện tử cũng luôn cần đổi mới các gương mặt lên hình.

Chị Thảo – streamer của mặt hàng camera NetCAM

Ngoài đội ngũ streamer thuộc sở hữu của các sàn bán lẻ trực tuyến, nhiều nhà bán hàng cũng “tự làm streamer” để quảng bá hình ảnh của mình trên các nền tảng bán lẻ. Chị Thoa, người bán sản phẩm camera thương hiệu NetCAM trên một sàn bán lẻ online, cứ mỗi tuần 3 lần lại tự livestream vào giờ cố định để giới thiệu sản phẩm và tương tác với khách hàng.

“Ban đầu tôi nghĩ mình không tự tin nói trước ống kính và đó là vấn đề khó khăn nhất cần vượt qua. Lúc bắt đầu thử livestream, chỉ có vài chục người vào xem nhưng dần dần, lượng người theo dõi tăng lên, khách mua hàng cũng tăng. Nhiều khi khách mới hỏi thông tin sản phẩm, tôi chưa kịp trả lời, thì đã có khách cũ vào comment trả lời giúp. Những comment chia sẻ thực tế như vậy khiến người bán hàng như tôi thấy rất vui” – chị Thoa nói.

Cũng sở hữu lượng fan lớn từ công việc livestream, chị Thoa cho hay có rất nhiều người trở nên thân thiết như bạn bè với chị, có thể chia sẻ nhiều vấn đề trong cuộc sống.

“Một bác nông dân nuôi tôm ở miền Tây vô tình qua nhà người cháu chơi khi người cháu đang xem livestream của tôi và thấy tôi đang giới thiệu các sản phẩm camera với cách cài đặt, sử dụng đơn giản. Bác ấy tò mò mua một cái để lắp ở đầm tôm và rất hài lòng về khả năng chống mưa, nắng và bật sáng khi phát hiện có người đến gần của chiếc camera. Bác kể với tôi từ khi có camera, bác yên tâm ăn ngon ngủ yên, không còn lo đội mưa đội nắng đi kiểm tra, chống trộm”- chị Thảo vui vẻ kể lại và cho biết livestream giúp doanh số bán hàng tăng khoảng 10%/tháng, đặc biệt tháng cao điểm tăng 30%-40%.

Studio chuyên dùng cho các số livestream của thương hiệu mỹ phẩm Lavigado

Anh Nguyễn Chánh Trung, chủ thương hiệu mỹ phẩm Lavigado, cũng mở một studio rất chuyên nghiệp với mức đầu tư hàng trăm triệu đồng và thuê streamer tự do thực hiện các số livestream hằng tuần. “Dịp siêu sale 11-11, nhờ livestream, lượt theo dõi gian hàng của tôi tăng thêm 5.000, doanh số tăng gấp 20 lần so với ngày thường” – anh cho hay.

Xuất phát từ Trung Quốc, trào lưu bán hàng livestream tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong năm qua, nhất là từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng nổ.

Sàn thương mại điện tử Shopee cho biết trong suốt các ngày của chiến dịch 12-12 vừa qua, có đến 450 triệu lượt xem được ghi nhận trên Shopee Live toàn Đông Nam Á.

Lazada trong năm 2020 đã ghi nhận số lượt xem livestream hàng ngày trên ứng dụng tăng gần 25 lần so với năm trước. “Thấu hiểu nhu cầu tìm kiếm các phương tiện giải trí tại nhà tăng cao của người dùng, Lazada cũng đã đẩy mạnh đầu tư sản xuất thêm với số tập livestream tăng hơn gấp 10 lần so với năm 2019. Thông qua livestreaming trên Lazada, thương hiệu và nhà bán hàng có thể tối ưu hóa tương tác với người dùng và giới thiệu sản phẩm trực tiếp, từ đó ghi nhận số lượng đơn hàng thành công qua livestream năm 2020 tăng gấp 45 lần so với năm 2019” – bà Lưu Hạnh, Giám đốc Truyền thông Lazada Việt Nam, thông tin.


Thùy Dương

Chia sẻ