Đây là ý kiến của nhiều doanh nghiệp chia sẻ tại toạ đàm “Tỉnh táo trong cơn sốt đất” do Báo Người Lao Động tổ chức, sáng 8-4. 

Chương trình với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản…

Chia sẻ về những cơn sốt đất ở các địa phương vừa qua, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP DKRA Việt Nam, cho rằng nguyên nhân sốt đất một phần do người dân có dòng tiền nhàn rỗi và kỳ vọng về giá bất động sản tăng trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, tín hiệu lạc quan…

Một số kênh đầu tư tích trữ an toàn như tiền gửi có lãi suất thấp nên nhà đầu tư tìm đến kênh hấp dẫn hơn như bất động sản.

“Dù vậy, nếu nhìn ở bức tranh chung, sốt đất xảy ra cục bộ một số địa phương khi có thông tin về quy hoạch. Giá có thể tăng vài trăm triệu đồng đến vài tỉ đồng… nhưng không phải là giao dịch quy mô lớn mà chủ yếu là giao dịch nhỏ, do một nhóm người đưa ra những thông tin về quy hoạch, điều chỉnh giá đất để trục lợi, kiếm lời qua cơn sốt đất” – ông Phạm Lâm nói.

Ông Phạm Lâm

Do đó, một trong những giải pháp cần là quy hoạch, định vị lại môi giới ngành nghề, lực lượng tham gia chính quy, có trách nhiệm. Bởi nếu ai cũng làm môi giới bất động sản sẽ dễ gây nhiễu thị trường. Ngay cả những người tham gia thị trường cũng phải trang bị kiến thức đầu tư.

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Đại Phúc (Đại Phúc Land), cho rằng nhà đầu tư và thị trường cần thật tỉnh táo vì khi có những cơn sốt xảy ra, người người, nhà nhà rủ nhau đi mua đất sẽ tạo tâm lý đám đông. Bởi họ chỉ nhìn thấy giá tăng, thấy sốt nhưng khi xem xét những yếu tố tạo nên cơn sốt hiện nay sẽ thấy nguyên nhân.

Phân tích về những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản sốt giá, bà Nguyễn Hương cho rằng do những năm qua nguồn cung hạn chế, thiếu sản phẩm ở các phân khúc trong khi nguồn tích luỹ của nhà đầu tư là có, dòng tiền dồi dào.

“Do nguồn cung hạn chế nên giá đất trong năm qua, bất chấp đại dịch, có nhu cầu là giá tăng và khi nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội giá tăng cùng kỳ vọng thị trường lại càng đẩy giá lên. Ngay ở khu vực nội thành như TP HCM, giá bất động sản liên tục tăng khiến tình trạng “nước chảy chỗ trũng” và nhà đầu tư kỳ vọng giá ở các khu vực lân cận cũng tăng theo” – bà Nguyễn Hương phân tích.

Ông Trần Khánh Quang

Dù vậy, các doanh nghiệp cũng chia sẻ cần tỉnh táo trong những cơn sốt bởi hệ luỵ khi những cơn sốt đi qua là rất lớn. Đặc biệt là rủi ro liên quan đến pháp lý, như ở những vùng ven tình trạng phân lô, bán nền; rủi ro về quy hoạch do không nắm rõ pháp lý là rất lớn, trong khi giá trị bất động sản không nhỏ.

Thực tế nhiều dự án, công trình trọng điểm từ lúc công bố khởi công đến khi hoàn thành kéo dài cả chục năm hoặc có dự án công bố nhiều lần nhưng vẫn chưa thể khởi công… trong khi giới đầu cơ không ngừng đẩy giá. Vì vậy, CEO của Đại Phúc Land khuyến cáo nhà đầu tư không nên mua theo phong trào mà không có sự phát triển trong dài hạn ở những dự án cụ thể, thông tin thị trường cũng cần minh bạch, chính xác.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hoà, đồng tình với ý kiến cho rằng ngay ở TP HCM, những cơn sốt đất có phần từ việc giá nhà đất trên địa bàn đã quá cao, vượt quá khả năng của người dân buộc họ phải chuyển dòng tiền sang các tỉnh lân cận để mua nhà đất.

Những yêu cầu về tính pháp lý, vướng mắc pháp lý thời gian qua cũng vô tình hạn chế nguồn cung, hạn chế dự án mới nên buộc người dân, doanh nghiệp phải đi ngày càng xa các tỉnh và phải lựa chọn bán dự án bất động sản giá cao. “Có tình trạng hưng phấn quá mức của các nhà đầu tư trong năm Covid-19, khi người dân chấp nhận mua đất vườn, đất nông nghiệp ở rất xa” – ông Trần Khánh Quang nói.


Thái Phương – Sơn Nhung; Ảnh: Tấn Thạnh

Chia sẻ