Bộ Công Thương và ngành điện đều mới lên tiếng đề xuất Chính phủ giảm giá điện cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây là chuyện chưa có tiền lệ đối với một ngành vốn được gọi là “chỉ tăng giá mà không giảm”.

Giảm giá 10%: Chưa đủ

Thực hiện nghị quyết về một số giải pháp cấp bách liên quan đến tình hình dịch Covid-19 của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngày 31-3, EVN đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 100% tiền điện đối với các cơ sở khám chữa bệnh và khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, hỗ trợ 50% đối với các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm hoặc nhiễm bệnh.

Với động thái mạnh mẽ hơn, Bộ Công Thương trong Báo cáo số 22/BCT-BC do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký gửi Thủ tướng ngày 1-4 đề xuất giảm giá điện cho hầu hết nhóm đối tượng bị thiệt hại. Đây cũng là nội dung được Bộ Công Thương báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày.

Công nhân ngành điện bảo trì hệ thống truyền tải điện Ảnh: HOÀI DƯƠNG

Theo đó, đề xuất giảm giá điện cho khách hàng sản xuất ở tất cả các khung giờ với mức giảm 10%; nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt từ bậc 1 đến 4 (dưới 300 KWh) được đề xuất hỗ trợ 10% tiền điện. Riêng giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch được đề xuất mức giá bằng giá áp cho các hộ sản xuất, tức là mức thấp hơn hiện hành. Ngoài ra, miễn 100% cho khách hàng sử dụng điện là cơ sở cách ly, khám chữa bệnh tập trung chỉ liên quan dịch; giảm 20% cho cơ sở khám chữa bệnh có khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm bệnh và các khách sạn được sử dụng để cách ly… Thời gian áp dụng là hóa đơn tiền điện các tháng 4, 5, 6.

Động thái đề xuất của Bộ Công Thương được ông Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam – đánh giá cao. Nhưng theo ông Long, nếu tính toán lại và có khả năng giảm thêm thì ngành điện nên giảm ở mức cao hơn cho tất cả các đối tượng. Đặc biệt, khách hàng hộ gia đình hiện rất khó khăn do cơ sở sản xuất – kinh doanh bị ngưng trệ, dẫn đến mất việc hoặc giảm thu nhập, cần được hỗ trợ nhiều hơn mức 10%.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi, cũng cho rằng mức giảm giá điện cho hộ gia đình nên là 15%; đối với các ngành sản xuất trực tiếp, nên xem xét giảm 20% trở lên.

Đủ điều kiện giảm giá

Theo Bộ Công Thương, với phương án đề xuất miễn, giảm giá điện như trên trong 3 tháng, doanh thu của EVN năm 2020 sẽ giảm khoảng 10.974 tỉ đồng, tức bằng tổng số tiền ngành điện hỗ trợ các nhóm đối tượng trong dịch Covid-19.

Trở lại với nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy EVN ngày 30-3, những vấn đề khó khăn với EVN trong quý I/2020 cũng được nêu rõ là thủy văn diễn biến bất thường, lượng nước về các hồ kém, phải huy động chạy dầu cao hơn kế hoạch; sự cố suy giảm khả năng cung cấp khí, thiếu than cho các nhà máy điện dẫn đến nhiều tổ máy hạn chế hoạt động. Bên cạnh đó, việc tăng chi phí đầu vào của giá than, khí cũng làm tăng chi phí sản xuất điện… Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp kéo theo các ngành dịch vụ, sản xuất công nghiệp bị đình trệ, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu ngành điện.

Như vậy, khó khăn với ngành điện ngoài việc phải huy động nguồn điện giá cao, còn ở chỗ giảm doanh số bán điện do nhu cầu sử dụng điện của nền kinh tế sụt giảm. Tuy nhiên, phân tích từ các chuyên gia kinh tế cho rằng EVN hoàn toàn có đủ điều kiện để giảm giá điện nhằm chia sẻ với khó khăn chung của nền kinh tế.

Ông Trần Viết Ngãi chỉ rõ một số năm gần đây, kết quả sản xuất – kinh doanh của EVN ở mức khá tốt. Chẳng hạn, năm 2019, doanh thu ước đạt 393.230 tỉ đồng, tăng 14,3% so với năm 2018. Lợi nhuận Công ty mẹ – EVN – trong năm này ước đạt 950 tỉ đồng và tất cả các tổng công ty đều có lợi nhuận đạt kế hoạch. Còn năm 2018, tập đoàn này công bố lãi hơn 700 tỉ đồng kinh doanh điện.

“Với triển vọng sản xuất – kinh doanh như trên, việc giảm doanh thu gần 11.000 tỉ đồng để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là không quá khó. Để cân đối lại, tập đoàn cần tiết giảm chi phí, cân đối các nguồn điện để vừa bảo đảm nhiệm vụ an sinh xã hội vừa hoàn thành nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh” – ông Ngãi phân tích. Ông cũng cho rằng nhịp độ sản xuất chậm lại trong nửa đầu năm tuy là hậu quả không mong muốn trong bối cảnh dịch bệnh song lại “vô tình” giúp EVN giảm bớt áp lực cân đối nguồn điện phục vụ nền kinh tế và người dân, điều khiến Chính phủ cũng như ngành điện rất lo lắng vào thời điểm cuối năm ngoái. Do giảm áp lực phát điện giá cao nên việc trích nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch sẽ dễ dàng hơn.

“Chưa kể, giá dầu đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong hàng chục năm qua, điện chạy dầu hưởng lợi từ giá nhiên liệu rẻ. Việc tính toán lại chi phí của EVN trong năm nay là cần thiết để có cơ sở điều chỉnh giá điện hợp lý” – ông Ngãi nói thêm.

Ở góc nhìn khác, một chuyên gia trong ngành điện chỉ ra EVN hiện còn treo lại khoản lỗ tỉ giá khoảng 3.000 tỉ đồng chưa tính vào giá điện nên khi tính toán cần lưu tâm đến khoản này để cân đối mức giảm giá hợp lý. Việc này nhằm tránh phát sinh thêm khoản lỗ, đến thời điểm cần hạch toán tất cả vào giá điện thì khó tránh giá tăng sốc. 

Có thể hoãn thời gian nộp tiền

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc giảm giá cần xem xét nhiều yếu tố bởi giá điện phụ thuộc vào nhiều nguyên liệu đầu vào. Theo ông Long, trước mắt có thể đưa ra phương án hoãn, giãn thời gian nộp tiền điện tùy theo từng nhóm đối tượng nhằm giảm áp lực về tài chính trong thời điểm khó khăn.

Người dân, doanh nghiệp ngóng giảm giá điện

Theo ghi nhận của phóng viên, đa số người dân tại TP HCM đều mong muốn Chính phủ sớm đồng ý với đề xuất miễn, giảm giá điện của Bộ Công Thương và EVN. Nhiều gia đình cho biết bị giảm thu nhập do đơn vị làm việc bị ảnh hưởng bởi dịch, trong khi chi phí tiêu dùng tăng, đặc biệt nhu cầu sử dụng điện tăng do nắng nóng, học sinh nghỉ học ở nhà…

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho hay giá điện kho lạnh cao hơn giá điện sản xuất 25%-30% và đề nghị tính giá điện kho lạnh bằng giá điện sản xuất. Tương tự, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng xin giảm 30% tiền điện, nước trong năm 2020.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM, cho hay đơn vị đã rà soát, thống kê các đối tượng khách hàng được hỗ trợ tiền điện theo đề xuất của EVN. Danh sách này đã được báo cáo cho EVN và chờ chỉ đạo của tập đoàn để triển khai hỗ trợ giảm giá điện trong trường hợp đề xuất được duyệt.

P.An – T.Dương


PHƯƠNG NHUNG – MINH CHIẾN