Các nhà khoa học chuyên về giống lúa Việt Nam đã tạo ra được những giống gạo màu cải tiến tập hợp được nhiều ưu điểm mà gạo màu truyền thống không có nên tạo được thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn.

Đặc sản… không đắt

Được người quen giới thiệu, chị Trần Thị Mai (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) mua thử một túi gạo màu hồng và được dặn nấu như gạo bình thường, không cần ngâm trước như nhiều loại gạo màu khác. Khi mang gạo về đổ nước vào vo thấy có màu hồng, khi nấu chín cơm có màu đỏ nhạt, dẻo vừa mà vẫn tơi xốp, ngon cơm giống như gạo trắng gia đình vẫn hay ăn.

Gạo màu trên thị trường hiện khá đa dạng

Theo TS Đào Minh Sô, Trưởng Bộ môn Chọn tạo giống cây trồng thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, các giống gạo màu cổ truyền do ông bà để lại thường tơi xốp, ngon cơm, diện tích ngày càng bị thu hẹp do thời gian canh tác 5-6 tháng, mỗi năm chỉ trồng được một vụ, năng suất thấp.

“Quá trình lai tạo các giống lúa cải tiến, phù hợp với điều kiện canh tác mới, chúng tôi tình cờ tạo ra được một số giống lúa màu (hồng, đỏ, tím, đen). Qua phân tích về dinh dưỡng, đặc biệt là sắt, hàm lượng chất chống ôxy hóa cao hơn nhiều so với gạo trắng nên rất muốn dòng lúa này phát triển. Cũng thật lòng mà nói thì chúng tôi không thể so sánh được gạo màu này so với gạo màu truyền thống vì gạo truyền thống chưa được phân tích” – TS Sô bày tỏ.

TS Sô cho hay quá trình nghiên cứu kéo dài cả chục năm, đến năm 2020 đã chọn được giống lúa đỏ (hoặc hồng) có tên SR20 và đang được trồng thử nghiệm diện rộng ở nhiều điểm tại Đông Nam Bộ và ĐBSCL.

Nhóm tác giả đã hợp tác cùng với một doanh nghiệp (DN) tại TP HCM để chế biến gạo từ vùng nguyên liệu trên để đưa sản phẩm gạo SR20 ra thị trường, tiêu thụ chủ yếu tại TP HCM.

“Gạo màu thì luôn giàu vi chất dinh dưỡng, hàm lượng chất chống ôxy hóa anthocyanine cao nhưng thị trường chủ yếu chỉ có gạo màu chế biến dạng lứt (gạo nguyên cám), không phải ai cũng có thể ăn được, trước khi nấu còn phải ngâm. Thế nên, khi hợp tác cùng DN, tôi đã đề nghị họ chế biến dạng xát dối (còn một phần cám) với mục tiêu đưa dòng gạo màu này thành sản phẩm tiêu dùng hằng ngày như gạo trắng thông thường nhưng vẫn giữ được phần lớn chất dinh dưỡng và chất chống ôxy hóa. Gạo còn cám thì bảo quản khó hơn, mau hư nhưng chúng tôi khắc phục bằng cách xay xát đến đâu bán đến đó, thà bán số lượng ít chứ không dùng chất bảo quản hay xông trùng” – TS Sô bộc bạch.

Giống lúa SR20 canh tác ngắn ngày (hơn 3 tháng trong khi lúa màu cổ truyền kéo dài 5-6 tháng), năng suất khá (5-7 tấn/ha), chống chịu sâu bệnh tốt nên giá thành tương đương với nhiều loại gạo trắng.

Thị trường rộng hơn

Theo khảo sát của phóng viên, gạo màu được bán chủ yếu ở dạng lứt hoặc xát dối để giữ được chất dinh dưỡng với giá bán từ 25.000 – 100.000 đồng/kg. Những thương hiệu gạo màu bán giá cao chủ yếu là do gạo canh tác hữu cơ có chứng nhận quốc tế; còn lại giá trung bình ở mức 40.000 – 50.000 đồng/kg.

Là một trong những đại lý bán gạo đóng túi có thương hiệu đầu tiên tại TP HCM, ông Phan Thành Hiếu, Giám đốc Công ty CP Lương thực Phương Nam, thừa nhận tiêu thụ gạo màu ngày càng tốt hơn.

“Nếu như năm 2015, sản lượng tiêu thụ gạo màu chỉ khoảng 1 tấn/tháng thì nay đạt khoảng 5 tấn/tháng. Ngoài bán lẻ, chúng tôi còn bán sỉ cho các cửa hàng bán lẻ lại và bán cho một số đơn vị chế biến với đơn hàng khoảng vài trăm kg. Giới trẻ, dân văn phòng ngày nay sử dụng gạo màu ngày càng nhiều do áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh để khỏe hơn, đẹp hơn chứ không chỉ là nhóm khách hàng có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt. Ngoài ra, hiện nay đã có DN áp dụng công nghệ Nhật chế biến gạo lứt thành cơm đóng gói sẵn, rất tiện cho người trẻ bận rộn không có thời gian nấu, chỉ cần làm nóng là có thể ăn ngay” – ông Hiếu chia sẻ.

Người tiêu dùng thường có định kiến gạo màu sẽ rất khô và cứng cơm nhưng thực tế gạo màu mà Công ty CP Lương thực Phương Nam đang kinh doanh mềm cơm và dễ ăn. “Đây là gạo từ giống lúa của nhóm tác giả Hồ Quang Cua đã tạo ra gạo ST25 nổi tiếng khắp thế giới. Sau thành công của gạo ST25 cũng tạo hiệu ứng cho việc tiêu thụ các loại gạo khác của cùng tác giả” – ông Hiếu đánh giá.

Cũng vừa tung sản phẩm gạo lứt tím hữu cơ lần đầu ra thị trường, ông Lâm Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Hoa Nắng (TP HCM), cho rằng mục tiêu của DN là muốn đa dạng hóa sản phẩm. “Đây là gạo tím từ giống ST tím của nhóm tác giả Hồ Quang Cua được canh tác trên vùng nguyên liệu lúa tôm; là giống lúa màu cải tiến nên mềm cơm chứ không khó ăn như nhiều người tưởng. Hơn nữa, gạo lứt còn nguyên vỏ cám nên cần an toàn trong quá trình canh tác, nếu không dư lượng phân thuốc sẽ tồn dư ở đây. Do đó, vùng nguyên liệu canh tác hữu cơ của DN là một lợi thế” – ông Tú nói.

Dễ nhầm nếp tím với gạo tím

Theo một số DN kinh doanh gạo đóng túi tại TP HCM, thị trường gạo màu chủ yếu sôi động ở mảng nội địa, xuất khẩu rất ít.

“Thị trường đang có sự nhập nhèm giữa gạo tím than và nếp tím than (còn gọi là nếp cẩm) do hình thức rất giống nhau, nhất là với sản phẩm để nguyên cám (chế biến lứt) trong khi giá thành gạo tím cao hơn nhiều so với nếp tím do năng suất 2 giống khác nhau.

Đáng lo ở chỗ gạo tím có chỉ số đường huyết thấp còn gạo nếp tím có chỉ số đường huyết cao nên người tiêu dùng cần lưu ý. Cách phân biệt đơn giản nhất là bẻ đôi hạt gạo, nếu bên trong trắng đục như nếp là nếp tím, nếu trắng trong là gạo tím” – đại diện một DN tiết lộ.

Theo lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, việc ăn gạo thô (còn nguyên cám hoặc xát dối) luôn tốt hơn gạo chà xát kỹ do giữ được các chất dinh dưỡng ở lớp vỏ cám. Tuy nhiên, khi dùng gạo này người tiêu dùng cần lưu ý chọn gạo canh tác an toàn, gạo hữu cơ vì lớp cám ở bên ngoài rất dễ nhiễm dư lượng hóa chất nếu canh tác không tốt. Đối với các giống lúa màu mới, các đơn vị tạo giống nên công bố quá trình nghiên cứu tạo ra giống cũng như các bằng chứng khoa học cụ thể về các hoạt chất có trong đó để người tiêu dùng biết mà lựa chọn.


Bài và ảnh: NGỌC ÁNH

Chia sẻ