Về mặt pháp lý, cơ quan quản lý nhà nước trả hồ sơ và yêu cầu người dân kê khai lại theo giá mua bán thực tế là đúng quy định pháp luật. Bởi Luật Thuế thu nhập cá nhân và điều 17 Luật Quản lý thuế quy định người nộp thuế phải khai giá tính thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin này. Do vậy, khi người dân kê khai giá mua bán nhà đất thấp hơn giá thực tế là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận một thực tế là việc này đã xảy ra nhiều năm nhưng hầu như không bị các cơ quan chức năng ngăn chặn. Đến nay, khi ngành thuế dò xét kỹ và trả hồ sơ, yêu cầu kê khai lại theo giá thực tế thì vô tình gây nhiều hệ lụy phức tạp. Thậm chí một số cán bộ thuế có thể nhũng nhiễu đòi “lót tay” cũng có nguyên cớ của nó.

Đó là điều 17 Thông tư 95/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung Thông tư 111/2013/TT-BTC) hướng dẫn tính thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản quy định: “Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định”. Từ đó, người dân có tâm lý kê khai giá mua bán nhà đất theo Thông tư 95 để đóng ít tiền thuế hơn, dẫn đến việc nhà nước bị thất thu thuế.

Thực tế, hiện nay việc xác định kê khai giá đất như thế nào là không đúng với giá thực tế vẫn còn bỏ ngỏ, dẫn đến từng địa phương có cách xử lý khác nhau. Cán bộ thuế có thể lợi dụng tình trạng này để nhũng nhiễu người dân.

Hiện nay, thị trường bất động sản vẫn tồn tại 2 loại giá đất. Đó là giá đất do UBND các tỉnh, thành phố ban hành và giá đất thực tế giao dịch tại địa phương, tức giá thị trường. Thế nhưng, giá đất do nhà nước ban hành luôn thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Tài chính có thể sớm ban hành văn bản làm cơ sở pháp lý tính giá đất chuyển nhượng để người dân và cơ quan thuế dễ áp dụng.

Việc tính giá đất cần căn cứ vào lợi ích tăng thêm từ việc chuyển nhượng và không dựa trên giá kê khai mua bán của từng lần chuyển nhượng như hiện nay. Nghĩa là số tiền thuế người dân phải đóng sẽ được tính trên cơ sở giá bán được kê khai lúc bán trừ giá mua rồi nhân với mức thuế suất nhất định. Khi đó, giá bán sẽ do người dân tự kê khai và chịu trách nhiệm. Nếu người dân kê khai giá thấp thì sẽ chịu thuế cao ở những lần mua bán tiếp theo. Còn trường hợp người dân kê giá thấp bất thường thì phải nêu rõ lý do. Khi đó, cơ quan thuế có quyền kiểm tra và nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ xử lý theo quy định.


Luật sư Phạm Đức (Công ty Luật Quốc tế và Cộng sự)