Ngày 16-1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 20/QĐ-TTg về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Phối cảnh dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh

Theo đó, điều chỉnh phạm vi dự án, cụ thể, tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có chiều dài khoảng 121,06 km, trong đó, địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 52 km (đi qua huyện Văn Lãng, huyện Tràng Định) và địa phận tỉnh Cao Bằng khoảng 69,06 km (đi qua huyện Thạch An, huyện Quảng Hòa, huyện Trùng Khánh). Việc đầu tư xây dựng tuyến nối cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh với TP Cao Bằng, giao UBND tỉnh Cao Bằng nghiên cứu, rà soát, huy động nguồn lực, đầu tư thành một dự án độc lập.

Điều chỉnh quy mô phân kỳ của dự án, Giai đoạn 1 đầu tư khoảng 93,35 km (từ Km0+00 tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đến khoảng Km93+350 điểm giao với quốc lộ 3 huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng). Giai đoạn 2, đầu tư tiếp khoảng 27,71 km (từ khoảng Km93+350 điểm cuối giai đoạn 1 đến Km121+060, điểm cuối tại ranh giới quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh)

Điều chỉnh tổng mức đầu tư sơ bộ là 22.690 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 1 khoảng 13.174 tỉ đồng (phần vốn do nhà đầu tư huy động là 6.594 tỉ đồng, vốn nhà nước tham gia trong dự án 6.580 tỉ đồng). Giai đoạn 2 khoảng 9.516 tỉ đồng (từ nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác). Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 1 từ năm 2020 – 2025, giai đoạn 2 sau năm 2025.

Phối cảnh dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh

Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu cho dự án theo quy định tại Điều 82 Luật PPP và nguồn chi trả cho phần giảm doanh thu là dự phòng ngân sách trung ương.

Tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được Bộ Giao thông vận tải lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, dự án có chiều dài 144 km, với tổng vốn đầu tư trên 47.000 tỉ đồng hồi tháng 3-2016. Đây là dự án rất khó khăn cả về địa hình, địa chất, yếu tố kỹ thuật, thủ tục pháp lý, đặc biệt là nhu cầu vốn rất lớn. Đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, đến tìm hiểu, khảo sát nhưng họ đều không quay trở lại, vì thế dự án vẫn chưa thể triển khai thực hiện.

Cuối năm 2018, tỉnh Cao Bằng mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia nghiên cứu triển khai Dự án. Với kinh nghiệm xây dựng thành công các công trình giao thông trọng điểm của ngành giao thông như hầm Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cầu Cửa Lục, hầm Bao biển…

Theo phương án điều chỉnh, dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có tổng chiều dài hơn 121 km, trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư với chiều dài hơn 93 km – Ảnh phối cảnh dự án.

Tập đoàn Đèo Cả đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với 6 hầm xuyên núi cùng các cầu vượt thung lũng, rút ngắn 23 km chiều dài tuyến xuống còn 121 km, giảm tổng mức đầu tư xuống còn khoảng gần 23.000 tỉ đồng, giảm gần một nửa so với phương án ban đầu. Đến, tháng 8-2020, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công tư tại Quyết định số 1212/QĐ-TTg.

Ngày 15-11-2021, trong buổi làm việc với tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh và Tập đoàn Đèo Cả đã được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, giao tập trung thực hiện dự án này. Thời gian qua, Tập đoàn Đèo Cả tiếp thu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ “đã nói là phải làm” và cùng tỉnh Cao Bằng vừa làm vừa tháo gỡ khó khăn, nghiên cứu tiết giảm tổng mức đầu tư, kiên trì đề xuất các giải pháp để dự án trở nên khả thi.


Văn Duẩn