Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo tình hình kinh tế khu vực Ðông Á và Thái Bình Dương và đưa ra dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,6%. Báo cáo của Ngân hàng HSBC cũng nêu khả năng kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, đồng thời đánh giá Việt Nam là một trong những nước có triển vọng tăng trưởng sáng giá nhất ở châu Á.

Triển vọng phục hồi tăng trưởng

Theo HSBC, Việt Nam đã chứng minh được khả năng phục hồi kinh tế trong suốt thời kỳ đại dịch Covid-19. Ngay trong 3 tháng đầu năm 2021, dù có làn sóng bùng phát dịch lần thứ ba trước Tết nguyên đán nhưng nhờ kiểm soát được tình hình, GDP quý I đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu tăng hơn 20%. UOB – một ngân hàng của Singapore – cũng nhận định Việt Nam khởi đầu năm 2021 với tín hiệu tích cực, dự báo kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 7,1% trong năm nay và đặc biệt tăng nhanh trong nửa đầu năm.

Các doanh nghiệp TP HCM có nhiều lợi thế để thực hiện số hóa Ảnh: QUỐC THẮNG

Trong nước, các chuyên gia kinh tế có cùng nhận định là nhờ những quyết sách đúng đắn, linh hoạt, đồng bộ và hiệu quả, Việt Nam đã thành công trong ứng phó đại dịch và duy trì khá tốt động lực tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội năm 2020, tạo nền tảng để tiếp tục đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu khu vực. Theo TS Nguyễn Minh Phong, Việt Nam là một trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng 2,91% GDP trong năm 2020 và được xem là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V. “Nhìn tổng thể, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng đáng ghi nhận với thành công trong kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19; linh hoạt và hiệu quả trong phản ứng chính sách và phản ứng thị trường hỗ trợ doanh nghiệp (DN); chủ động tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương; khai thác các cơ hội từ sự dịch chuyển và tái định vị các các chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế, thúc đẩy tái cơ cấu về tổ chức và công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu và hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững” – TS Nguyễn Minh Phong nhận định.

Các chuyên gia cho rằng những thành tựu trong chống dịch Covid-19 cùng đà tăng trưởng kinh tế dương năm 2020 sẽ là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế năm 2021. Bên cạnh đó, những đột phá trong thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh, sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn và doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, công nghệ, xu hướng chuyển đổi số cùng với sự tăng nhanh của đầu tư khu vực ngoài nhà nước, những cơ hội từ các hiệp định thương mại đa phương và song phương mà Việt Nam đang là thành viên… sẽ góp phần củng cố động lực tăng trưởng trong năm 2021.

TP HCM phải giữ vững vị thế đầu tàu

So với nhiều tỉnh thành khác, TP HCM chịu nhiều tác động của dịch Covid-19. Chỉ ra thực tế tăng trưởng quý I của TP HCM thấp hơn mức tăng trưởng chung của cả nước, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ, cho rằng TP HCM chưa bứt phá được là do cơ cấu vẫn nặng về dịch vụ. Theo TS Trần Du Lịch, nhìn về triển vọng kinh tế TP HCM thì không thể xét ngắn hạn 1-2 năm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành mà phải xét trên dài hạn. “Lợi thế lớn của TP HCM là mảnh đất cho khởi nghiệp mà chưa tỉnh, thành nào cạnh tranh hơn, là địa bàn để những quan hệ thị trường phát triển. TP HCM đang thu hút hơn 50% DN hoạt động theo luật DN, là nơi hội tụ của nhiều tập đoàn tư nhân lớn…” – TS Trần Du Lịch dẫn chứng về những lợi thế của TP HCM. Theo ông, khó khăn do Covid-19 mang tính nhất thời, về lâu dài TP HCM còn nhiều không gian và dư địa phát triển dựa trên nền tảng xây dựng TP HCM thành đô thị sáng tạo tương tác cao, tập trung khai thác lợi thế, tiềm năng kinh tế biển Cần Giờ, hướng tới mở rộng liên kết vùng, kết nối hạ tầng…, khẳng định vai trò hạt nhân của vùng trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chuyển dịch theo hướng chuỗi giá trị gia tăng cao, đẩy mạnh số hóa. “Trong tương lai, kỳ vọng TP HCM sẽ đi đầu về số hóa để phát triển vượt bậc. DN TP HCM có khả năng làm được điều đó nhưng trước mắt, DN phải tính toán để vượt qua khó khăn tạm thời là giá nguyên liệu, vận tải gia tăng và có sự quan tâm hỗ trợ cho DN bám trụ, hoạt động” – TS Trần Du Lịch phân tích.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ, cho rằng vị thế của TP HCM hiện tại là “Trông ra thì chẳng bằng ai, trông vào trong nước chẳng ai bằng mình”. Vì vậy, mục tiêu của TP HCM hiện nay là phải làm sao để giữ vững vị thế đầu tàu cả nước, thu hẹp khoảng cách so với các thành phố lớn trong khu vực. Muốn vậy, chiến lược phát triển kinh tế của TP HCM cần tập trung vào 4 yếu tố chính là phát triển khu vực kinh tế tư nhân; phát triển đô thị; phát triển khu vực tài chính và phát triển môi trường sống, môi trường văn hóa, xã hội. Trong đó, các ngành dịch vụ, tài chính – bảo hiểm – ngân hàng, logistics, y tế là thế mạnh cần được phát huy. 

Trước những thời cơ và thách thức đan xen nhau trong bối cảnh mới khi đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng, thế giới đang có sự chuyển dịch lớn về dòng vốn đầu tư và sự kỳ vọng của TP HCM vào sự đóng góp nhiều hơn của cộng đồng doanh nhân, DN cho sự phát triển chung của TP và sự phục hồi, phát triển của DN trên địa bàn, các DN rất cần được chia sẻ, cung cấp những thông tin “nền”, những dự báo kinh tế cũng như những gợi ý để có thể chủ động tính toán, điều chỉnh kế hoạch, mục tiêu trong năm 2021. Đáp ứng nhu cầu đó, ngày 3-4, tại khách sạn REX, Hiệp hội DN TP HCM – Huba tổ chức chương trình Cà phê doanh nhân chủ đề “Dự báo kinh tế năm 2021 trong bối cảnh bình thường mới”.

Chương trình với sự tham gia trao đổi của 2 diễn giả là chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam: TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế trung ương và TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ.


Phương An

Chia sẻ