Để làm nóng lại thị trường ôtô trong bối cảnh sức mua giảm sút vì nhiều lý do, thời gian qua, các hãng xe ngoại đua giảm giá từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng mỗi chiếc. Chỉ cần 450-500 triệu đồng, người tiêu dùng có thể sở hữu nhiều mẫu xe hạng B như Honda City, Toyota (Vios), Suzuki Ciaz, Mazda2… Các dòng xe 7 chỗ như Suzuki Ertiga, Mitsubishi Xpander, Toyota Rush… giá chỉ còn 450-600 triệu đồng/chiếc. Do vậy, giá ôtô Trung Quốc khoảng 600-700 triệu đồng/chiếc là khá cao so với xe của nhiều thương hiệu uy tín khác từ Nhật, Hàn, Mỹ.

“Xe Trung Quốc thấy rẻ nhưng không phải vậy. Mức giá phổ biến hiện nay khoảng 600 triệu đồng đến cả tỉ đồng mỗi chiếc đã bao gồm thuế GTGT. Tuy nhiên, để xe lăn bánh, người mua xe còn phải trả thêm từ vài chục đến cả trăm triệu đồng cho nhiều chi phí khác. Nếu có điều kiện sở hữu xe hơi ở mức giá này, khách hàng hoàn toàn có thể chọn xe của các hãng Mazda, Honda, Toyota, Ford… với nhiều công nghệ được tích hợp” – ông Thái Văn Minh (chủ garage ôtô tại quận 2, TP HCM) so sánh.

Xe Trung Quốc từng gây sốt thị trường Việt nhờ ngoại hình giống xe sang và chính sách giá rẻ

Ông Nguyễn Thanh Nam – chủ garage ôtô tại quận 7, TP HCM – cảnh báo khách hàng lưu ý việc nhà sản xuất Trung Quốc thường quảng cáo sản phẩm được tích hợp nhiều công nghệ nhưng thực chất không phải như vậy. Nguyên nhân bởi giới kinh doanh xe của nước này muốn có lợi nhuận cao nên yêu cầu cắt bỏ nhiều công nghệ trước khi đưa về Việt Nam. Chưa kể, với các dòng xe giá cao xuất xứ Trung Quốc, mặc dù được trang bị nhiều công nghệ nhưng đa phần không phù hợp trong điều kiện đường sá ở Việt Nam. “Chẳng hạn, hệ thống cảnh báo va quệt được tích hợp trong xe gần như “phản” lại chủ trong điều kiện xe cộ quá đông đúc như ở Việt Nam bởi hệ thống sẽ kích hoạt không cho xe di chuyển, khiến nhiều chủ xe phải tắt chức năng này. Nhiều chức năng khác, như thiết bị sưởi, cũng hầu như không được sử dụng, nhất là môi trường các tỉnh phía Nam nắng nóng quanh năm” – ông Nam dẫn chứng.

Đã từng nhận được nhiều liên hệ nhờ bán lại xe Trung Quốc cũ, ông Lê Hữu Thái – chủ showroom mua bán xe ở quận Thủ Đức, TP HCM – cho biết việc thanh lý không dễ dàng dù đã hạ giá xuống mức không thể thấp hơn nữa. “Ví dụ, chiếc xe hầm hố BX40 với giá lăn bánh hơn 1 tỉ đồng bị giảm nửa giá khi đưa ra thanh lý; hoặc chiếc Z8 có giá gần 800 triệu đồng thì nay bán chỉ 300 triệu đồng cũng không thấy ai hỏi mua. Số lượng người “chơi” ôtô Trung Quốc sau một thời gian ngắn tìm kiếm đến showroom để bán lại rất nhiều bởi xe mua về có ngoại hình đẹp lung linh nhưng nhanh chóng xuống cấp. Các tính năng được tích hợp trên xe như cửa sổ trời, camera 360 độ, cần số điện tử, phanh đỗ tự động… hoạt động lúc được lúc không hoặc “ngủ” hẳn từ lúc nào” – ông Thái nói và khuyên khách hàng cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền mua xe Trung Quốc.

Các chủ xe Trung Quốc còn than phiền về việc chưa có chuỗi đại lý chính hãng chuyên nghiệp và mạng lưới bảo hành tại Việt Nam. Chỉ riêng showroom tại Hà Nội và TP HCM có dịch vụ chăm sóc xe nên chủ xe ở các địa phương khác đều phải chấp nhận sửa chữa, bảo dưỡng ở các cửa hàng bên ngoài theo kiểu hư đâu sửa đó, khiến hệ thống vận hành không đạt hiệu quả. Trong khi đó, các lỗi hỏng hóc, trục trặc của xe Trung Quốc có thể xem là nhiều nhất trong các dòng xe trên thị trường hiện nay. Nhiều nhất là lỗi bơm trợ lực bị trục trặc dẫn đến hiện tượng vô-lăng bị cứng, khó đánh lái… Hoặc, xe bị mất cân bằng do hệ thống bi liên kết với các bánh xe, khung xe không còn đồng nhất; phanh tay điện tử bị kẹt khiến phanh không nhả; dàn nóng điều hòa thường hay trục trặc; tiếp điểm cảm biến ở chân phanh không chính xác…

“Xe Trung Quốc “bắt chước” công nghệ của nhiều hãng xe sang nhưng làm không “tới”, chất lượng thì “hên xui”. Hàng loạt trục trặc có thể xảy ra khiến chủ xe tốn nhiều tiền sửa chữa nên dù mua được xe rẻ cũng thành đắt” – chủ một showroom xe cũ nhận xét. 


Bài và ảnh: Gia Hưng

Chia sẻ