Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV liên quan đến đại án ông Trần Bắc Hà ra sao?

Cái chết của cựu Chủ tịch BIDV và tiếp tục tách vụ án điều tra

Kết luận điều tra vụ án hình sự “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), CTCP Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng”. Trong bản kết luận điều tra này, ngoài khoản nợ 478 tỉ “có dấu hiệu vi phạm pháp luật” đề cập trực tiếp đến khoản nợ 114 tỉ của Vietinbank Chi nhánh Hà Nội.

Trong bản Kết luận của cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề cập đến việc: Công ty Trung Dũng vay Vietinbank Chi nhánh Hà Nội để kinh doanh sắt thép. Tính đến ngày 31/12/2018, Công ty Trung Dũng còn dư nợ của 3 khoản vay, với tổng số tiền gốc là 114,4 tỉ đồng, nợ lãi trong hạn là 105,4 tỉ đồng, tổng cộng là 219,8 tỉ đồng. Đến nay không có khả năng thanh toán.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV hiện đang là Chủ tịch hiệp hội ngân hàng

Cơ quan điều tra kết luận sai phạm của cán bộ Chi nhánh Vietinbank có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác kiên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 206 BLHS năm 2015; Các cán bộ tại Hội sở chính chịu trách nhiệm liên đới trong việc cấp giới hạn tín dụng để Chi nhánh phát hành L/C, có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” quy định tại Điều 179 BLHS năm 2015. Luật sư VN cho biết.

Theo cơ quan điều tra, vì đây là nội dung điều tra mở rộng, không nằm trong vụ án xảy ra tại BIDV và Công ty Trung Dũng. Do thời gian điều tra đã hết, hiện nay chưa thu thập đủ tài liệu chứng cứ để đánh giá và kết luận, nên sẽ tiếp tục điều tra làm rõ kết luận và xử lý sau.

Trở lại với diễn biến chính trọng tâm là BIDV, trong số 12 bị can bị đề nghị truy tố có 8 người là lãnh đạo cấp cao, nhân viên của BIDV như Trần Lục Lang (cựu phó tổng giám đốc BIDV phụ trách quản lý rủi ro), Đoàn Ánh Sáng (cựu phó tổng giám đốc BIDV phụ trách khách hàng doanh nghiệp), Kiều Đình Hòa (cựu giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (cựu trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh)…

Những người này đã có nhiều sai phạm trong việc thẩm định hồ sơ, phê duyệt cấp tín dụng cho hai công ty, có vai trò đồng phạm với ông Trần Bắc Hà. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng những người này chỉ là người làm công ăn lương, chịu sự chi phối và áp lực từ cá nhân ông Hà chứ không có quyền quyết định.

Ông Hà là người phải chịu trách nhiệm chính. Hành vi của ông Hà đã phạm vào tội “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo điều 206 Bộ luật hình sự.

219,8 tỉ đồng không có khả năng thanh toán ở VietinBank

Tuy nhiên, tháng 7-2019, ông Hà tử vong do bệnh lý trong quá trình tạm giam tại trại tạm giam T771 Bộ Quốc phòng. Vì vậy, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can với ông Hà. Tuổi trẻ thông tin.

Ngoài ra, do hết thời hạn điều tra nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã tách vụ án đối với hàng loạt hành vi của các công ty và những người khác để tiếp tục điều tra.

Theo kết quả điều tra của CQĐT, không ít các lãnh đạo đương nhiệm của BIDV đóng vai trò nhất định dẫn tới thiệt hại hơn 890 tỷ đồng của ngân hàng này đến thời điểm khởi tố vụ án.

CQĐT xác định 18 cá nhân khác tham gia vào việc thẩm định, đề xuất, phê duyệt cho vay và giải ngân, liên quan đến hành vi phạm tội của ông Trần Bắc Hà.

Trong đó, có 9 người thuộc HĐQT và Phân Ban Quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư là các ông/ bà Trần Thanh Vân, Ngô Văn Dũng, Nguyễn Huy Tựa, Lê Đào Nguyên, Phan Thị Chinh, Nguyễn Thị Kim Thanh, Đặng Xuân Sinh, Nguyễn Văn Lộc, Ngô Văn Dũng và ông Phan Đức Tú (riêng bà Phan Thị Chinh chỉ tham gia sửa đổi điều kiện cấp tín dụng lần thứ 6, không gửi ý kiến tham gia phê duyệt cho vay).

Trong đó, ông Phan Đức Tú (hiện là Chủ tịch HĐQT BIDV) trong thời gian xảy ra vụ án là Tổng Giám đốc, thành viên Phân ban QLRRTD,ĐT, chỉ tham gia Phân ban QLRRTD,ĐT để thẩm định, đề xuất phê duyệt cho vay và sửa đổi điều kiện cấp tín dụng lần thứ 6.

7 cá nhân thuộc Tổ thẩm định chung và Ban Khách hàng Doanh nghiệp và Ban Quản lý rủi ro tín dụng Hội sở, là các ông/ bà Lê Ngọc Lâm, Lê Kiên Nghị, Nguyễn Thái Thạch, Dương Thị Quỳnh Phương, Lưu Anh Vũ, Võ Hải Nam và Nguyễn Thị Lệ Thu. Trong đó, ông Lê Ngọc Lâm (hiện là Phó TGĐ phụ trách Ban điều hành BIDV) trong thời gian xảy ra vụ án là Phó TGĐ phụ trách Khách hàng Doanh nghiệp lớn, Giám đốc Ban Khách hàng Doanh nghiệp, Tổ trưởng Tổ thẩm định chung.

Ngoài ra còn 2 cá nhân thuộc BIDV Hà Tĩnh là bà Đặng Thị Tuyết Mai và Lê Thị Lan Dao.

Ông Phan Đức Tú đã ký những giấy tờ nào?

Theo tường trình của ông Phan Đức Tú, vị này thừa nhận với vai trò là Tổng giám đốc đã ký và phê duyệt “Thống nhất” trên Phiếu trình ngày 16/4/2015, của Ban KHDN, về việc hỗ trợ phát hành văn bản chấp thuận cung cấp vốn tín dụng cho Dự án chăn nuôi bò thịt và bò giống tại Hà Tĩnh, đã được Phó TGĐ Lê Ngọc Lâm phê duyệt; ký phê duyệt “Thống nhất, trình Chủ tịch HĐQT” trên Tờ trình Ban Lãnh đạo ngày 22/4/2016 của Ban QLRRTD, đã có phê duyệt của Phó TGĐ phụ trách Trần Lục Lang, về việc chấp thuận gia hạn thời hạn hoàn thiện hồ sơ pháp lý còn lại của dự án theo lộ trình.

Với vai trò là Thành viên HĐQT, thành viên Phân ban QLRRTD,ĐT, ông Tú đã ký “Tán thành” trên Phiếu lấy ý kiến ngày 19/6/2015 của Phân Ban Rủi ro tín dụng, đầu tư và Phiếu lấy ý kiến ngày 10/7/2015 của HĐQT về việc tài trợ vốn cho Công ty Bình Hà; ký tán thành trên Phiếu lấy ý kiến ngày 5/2/2016 của Phân ban QLRRTD,ĐT và Phiếu lấy ý kiến ngày 19/2/2016 của HĐQT về việc sửa đổi điều kiện cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà về điều kiện vốn tự có của Công ty Bình Hà đối với L/C nhập khẩu bò (vốn lưu động). – Nhà đầu tư cho biết.

Ông Phan Đức Tú sinh năm 1964 tại Nghệ An, là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc của ngân hàng này từ năm 2012 tới nay. Ông Tú cũng đã có 30 năm công tác tại BIDV. Ông Tú được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch BIDV năm 2018.

Cũng vào thời điểm năm 2018, Ủy ban kiểm tra trung ương (UBKTTW) đã kết luận những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và BIDV, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Ông Trần Bắc Hà với tư cách nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) BIDV phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.

Chỉ ra quá trình tham gia vào các quyết định quan trọng tạo nên đại án BIDV gây mất vốn của ngân hàng lên tới hơn 890 tỷ đồng, nhưng cơ quan CSĐT vẫn xác định rằng: Trách nhiệm chính, cao nhất và xuyên suốt dẫn đến sai phạm trên của BIDV Hội sở và Chi nhánh Hà Tĩnh thuộc về cá nhân ông Trần Bắc Hà.

Đối với 18 cá nhân liên quan, tuy mỗi người có trách nhiệm ở mỗi khâu thẩm định, đề xuất, phê duyệt cho vay và giải ngân, nhưng mức độ thứ yếu, cơ bản không trực tiếp thẩm định và tiếp xúc với khách hàng; không bàn bạc và không biết mục đích và bản chất việc phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà của ông Trần Bắc Hà; bị ông Hà gây áp lực và áp đặt về thời gian, nên chỉ làm theo chức trách nhiệm vụ được giao, thẩm định trên bề mặt hồ sơ do các cấp trình lên.

CQĐT đánh giá trong 18 cá nhân, có người hiện đang nắm giữ vị trí quan trọng, chủ chốt và có nhiều thành tích, cống hiến tại BIDV như: ông Phan Đức Tú, hiện là Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch HĐQT BIDV; ông Trần Thanh Vân, Phó Bí thư Đảng Bộ BIDV, Thành viên HĐQT BIDV, thành viên Phân ban QLRRTD,ĐT và ông Lê Ngọc Lâm, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành BIDV (BIDV chưa có Tổng giám đốc).

Ngoài ra ông Phan Đức Tú, hiện cũng đang làm Chủ tịch hiệp hội ngân hàng.

Về phía NHNN, cơ quan này từ khi khởi tố vụ án đến nay đã 2 lần có văn bản đề nghị CSĐT Bộ Công an và Viện KSNDTC xác định BIDV là một trong 4 ngân hàng thương mại Nhà nước có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, đang thực hiện Phương án tái cơ cấu lại, nên đề nghị cân nhắc trong vấn đề xử lý các sai phạm liên quan.

Công lý (TH)/Sở hữu trí tuệ