Nợ có khả năng mất vốn tại Vietinbank hơn 12,4 nghìn tỷ đồng, gấp 2,38 lần so với đầu năm

Đáng chú ý, khoản mục nợ có khả năng mất vốn đạt tới hơn 12.413 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với đầu năm. Kết quả này đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,26% đầu năm lên 1,42%…

dsc-5525-1667054967.jpg
Nợ có khả năng mất vốn tại Vietinbank hơn 12,4 nghìn tỷ đồng tính đến cuối quý III/2022. Ảnh: Vietinbank

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank; HoSE: CTG) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022. Theo đó, trong quý III, thu nhập lãi thuần nhà băng này đạt gần 12.924 tỷ đồng, tăng 31%; lợi nhuận trước thuế đạt 4.156 tỷ, tăng 35,8%.

Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng so với cùng kỳ như lãi từ dịch vụ (+27%), lãi từ kinh doanh ngoại hối (+69%), hoạt động kinh doanh khác mang về khoản lãi thuần 2.238 tỷ đồng, gấp 6,1 lần quý III/2021…

Ở chiều ngược lại, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ hơn 136 tỷ đồng và mua bán chứng khoán đầu tư lỗ gần 105 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2 mảng này đều có lãi.

Thêm vào đó, kỳ này, Ngân hàng trích gần 8.321 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 50% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần vẫn là nguồn thu chính mang về cho VietinBank 35.082 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ 2021. Ngoài ra, Ngân hàng cũng dành ra 18.631 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng (+33%), do đó VietinBank đạt hơn 15.764 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, nếu so với kế hoạch tăng 15% lợi nhuận trước thuế đặt ra từ đầu năm với hơn 19.389 tỷ đồng, hiện Vietinbank đã thực hiện được 79% mục tiêu lợi nhuận sau 9 tháng.

Chi phí dự phòng của VietinBank tiếp tục tăng trong bối cảnh nợ xấu của ngân hàng này có xu hướng tăng khá mạnh.

Cụ thể, tổng dư nợ xấu nội bảng của VietinBank đã tăng thêm 3.351 tỷ trong 9 tháng đầu năm, lên 17.652 tỷ đồng tại thời điểm 30/9. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là gần 12.414 tỷ, gấp 2,38 lần mức ghi nhận hồi đầu năm.

Tính đến cuối quý III, tổng tài sản VietinBank đạt hơn 1,75 triệu tỷ đồng, tăng 14,3% so với cuối năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 10,1% lên hơn 1,245 triệu tỷ. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,26% tại thời điểm cuối năm trước lên 1,42%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 180% lên 222%.

Tiền gửi khách hàng tăng 2,4% đạt gần 1,190 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn tăng 4,7% lên 236.347 tỷ đồng và chiếm 19,9% tổng tiền gửi khách hàng. Tiền gửi có kỳ hạn tăng 1,9%, đạt hơn 946.390 tỷ đồng.