Thị trường chứng khoán thời gian qua bị “khủng hoảng tâm lý” sau dư chấn rà soát, xử lý các lãnh đạo doanh nghiệp (DN) có hành vi thao túng, làm giá trên thị trường chứng khoán cũng như có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động thu hút dòng tiền trên thị trường trái phiếu. VN-Index “bay” mất gần 10% chỉ trong vài tuần, từ mức 1.500 điểm còn 1.370 điểm.

Giá hàng loạt cổ phiếu giảm sâu 50%-60%, thậm chí 300% chỉ trong vài tuần. Tuy nhiên, thực tế hoạt động kinh doanh của hàng loạt DN niêm yết vẫn rất tốt, dự báo khả quan; nhiều mã “lội ngược dòng” tăng phi mã.

Đi ngược thị trường

Trong nhóm bluechips, có thể kể đến những cổ phiếu thuộc “đỉnh” trên thị trường trong 2 tháng qua vẫn tăng giá tốt dù thị trường nhiều sóng gió như FPT (Tập đoàn FPT), PNJ (Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận), MGW (Thế giới Di động), MSN (Masan)… Đây là những ngành hưởng lợi do các yếu tố dịch bệnh, chiến tranh và các yếu tố khác… nên có kết quả kinh doanh khả quan. Giá cổ phiếu nhóm này trong vòng 2 tháng đã tăng ít nhất 40%-60% bất chấp VN-Index giảm sâu.

Ngành hóa chất, phân bón được đánh giá “hot” nhất nhì trên sàn vì hưởng lợi từ nhiều yếu tố khách quan, chủ quan. Nguyên nhân là do xuất khẩu phân bón đã tăng 42,2% về lượng và gấp đôi về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Từ đó, các công ty như Công ty Hóa chất Đức Giang (DGC); Đạm Phú Mỹ (DPM), DAP Vinachem (DDV), Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM)… đều báo lãi khủng, giá cổ phiếu tăng nhanh. Điển hình là giá cổ phiếu của DGC đang ở mức cao gần như nhất thị trường, đạt 238.000 đồng/cổ phiếu, tăng gấp đôi chỉ hơn 2 tháng.

Mới đây, DGC đề xuất thông qua mức chia cổ tức kỷ lục 127%, trong đó 10% bằng tiền mặt đã tạm ứng. Năm 2021, DGC đạt doanh thu 9.550 tỉ đồng, tăng 53% so với năm trước và mức lãi sau thuế đạt 2.513 tỉ đồng, tăng 165% so cùng kỳ. DPM thì ghi nhận doanh thu thuần quý I đạt 5.829 tỉ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 2.114 tỉ đồng, gấp 12,4 lần cùng kỳ năm trước. Cổ phiếu DPM cũng thuộc hàng hot với giá tăng.

Nhiều mã chứng khoán giảm sâu khiến nhà đầu tư thua lỗ nặng Ảnh: SƠN NHUNG

Ngoài ngành phân bón, hóa chất thì ngành xuất khẩu thủy sản, cảng biển…cũng được cho là đang thu hút nhà đầu tư. Cụ thể, tuần vừa qua, mã ACL của Công ty Thủy sản Cửu Long An Giang đã tăng gần 19% chỉ trong 1 tuần do biên lợi nhuận gộp tăng từ 10% lên 34%, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 62,6 tỉ đồng, gấp 5,7 lần cùng kỳ năm trước.

Hay như mã PDN của Công ty Cảng Đồng Nai cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng, tăng giá đến 22%, giá lên cao nhất lịch sử đến 112.000 đồng. Các mã cổ phiếu ngành bảo hiểm cũng tăng phi mã dù cả thị trường bị đảo chiều mạnh. Giá BVH tăng từ 55.000 đồng lên 63.000 đồng/cổ phiếu; MIG tăng từ 23.000 đồng/cổ phiếu lên gần 30.000 đồng/cổ phiếu…

Nhóm trụ cột quay lại

Dù không thuộc nhóm “tăng bất chấp” trong giai đoạn thị trường phi mã hay “đổ đèo” nhưng ngân hàng được cho là nhóm ngành ổn định, giữ được vai trò của nhóm cổ phiếu “vua”, làm trụ trong thời gian qua. Đây là nhóm ngành ít bị bán tháo, tỉ lệ giảm không nhiều so ngành bất động sản, đầu tư công… Dự báo tới đây, với kết quả hoạt động kinh doanh khả quan, nhóm ngành này sẽ tác động tích cực tới thị trường.

Tại ĐHCĐ Ngân hàng TCMP Kỹ thương Việt Nam (TCB) vừa diễn ra, lãnh đạo ngân hàng này cho biết năm 2021, TCB là ngân hàng thương mại tư nhân đầu tiên tại Việt Nam gia nhập “CLB tỉ đô” với lợi nhuận trước thuế đạt 23.200 tỉ đồng, tăng 47,1% so với năm trước. Đây là năm thứ năm liên tiếp Techcombank ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số, tốc độ tăng trưởng kép lợi nhuận trong giai đoạn 2016-2021 với mức kỷ lục 50%/năm.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) cũng báo lãi kỷ lục trong quý I/2022 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt tới 11.146 tỉ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ và dẫn đầu ngành về tốc độ tăng trưởng trong quý đầu năm. Do có nền tảng số hóa vượt trội, VPBank đang có số lượng khách hàng mới đăng ký sử dụng dịch vụ qua kênh số hóa trong quý I/2022 đạt 90%, tăng 13% so với thời điểm cuối năm ngoái.

Nhiều ngân hàng khác cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2022 với những kết quả tích cực như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (STB) có lợi nhuận trước dự phòng theo đề án tái cơ cấu đạt hơn 4.400 tỉ đồng. Sau khi trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí theo đề án, lợi nhuận trước thuế đạt 1.589 tỉ đồng.

Bắt đầu từ năm 2022, Sacombank đặt kế hoạch đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản tồn đọng còn lại và sớm hoàn thành Đề án tái cơ cấu trước thời hạn; lợi nhuận trước thuế đạt 5.280 tỉ đồng, tăng 20% so với năm trước.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đề ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng 29% so với năm trước, đạt 7.110 tỉ đồng. Trong quý đầu năm, ngân hàng đã đạt lợi nhuận trước thuế 1.115 tỉ đồng. Tuy nhiên, do thay đổi về chính sách trích lập dự phòng rủi ro, OCB đã trích bổ sung dự phòng phân nhóm nợ theo Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) trong báo cáo tài chính nên Quý I/2022 lợi nhuận đạt 836 tỉ đồng.

Các chuyên gia phân tích đến từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng ngân hàng được ví như “huyết mạch” của nền kinh tế, cổ phiếu ngân hàng được nhiều nhà đầu tư ví như “mạch máu” của thị trường chứng khoán. Trong năm 2021, bất chấp dịch bệnh, nhóm ngân hàng vẫn duy trì đà tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận và được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng như kỳ vọng trong năm 2022 khi nền kinh tế phục hồi.

Thị trường đã tạo đáy?

Một chuyên gia tài chính chứng khoán cho rằng thời gian qua, thị trường giảm mạnh phần lớn là do tâm lý hoảng loạn, trong khi mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không có gì thay đổi. Có chăng là do một phần chính sách “vận hành” nguồn vốn trong thời gian tới có sự thay đổi nên nhà đầu tư sẽ nhìn thấy ngành nào hưởng lợi, ngành nào khó khăn và luân chuyển dòng tiền. Xét trên khía cạnh chung, thị trường đã giảm quá đà. “Giá cổ phiếu đã ở mức hấp dẫn, nhiều mã giảm sâu về mức của 2-3 tháng trước. Nhiều ngành có kết quả kinh doanh khả quan và quan trọng hơn là tâm lý nhà đầu tư đã ổn định nên khả năng thị trường chứng khoán sẽ trở lại là kênh hấp dẫn” – chuyên gia này nhận định.


Sơn Nhung – Thái Phương