Chính thức ra mắt vào đầu tháng 5 – chậm chân hơn nhiều nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) khác, ngành hàng tươi sống trên Tiki đã bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực. Trong đó, tổng số đặt giao nhanh của ngành hàng này chiếm hơn 40% tổng số giao nhanh của toàn ngành bách hóa. Mặt hàng tươi sống được quan tâm nhất trên sàn này là hải sản, thịt và trái cây cao cấp…

Chiến lược dài hạn

Không dừng ở việc phát triển một sàn chuyên bán sách thành sàn TMĐT với tất cả mặt hàng tiêu dùng, gia dụng…, Tiki bổ sung thêm ngành hàng tươi sống với mục tiêu cung cấp trọn gói mọi sản phẩm và dịch vụ chính hãng, chất lượng cao. Theo đó, sàn này công bố chỉ phối hợp với các đối tác đáng tin cậy, tuyển chọn thực phẩm kỹ lưỡng, bảo đảm an toàn cho sức khỏe.

Xu hướng mua thực phẩm tươi sống trên chợ mạng tăng trưởng tốt dù đã ngừng giãn cách xã hội . Ảnh: HOÀNG TRIỀU

“Đây là một dự án kinh doanh trong dài hạn nên chúng tôi cần đầu tư nhiều nguồn lực hơn để hoàn thiện và mở rộng quy mô của dịch vụ này. Sau giai đoạn thử nghiệm tại TP HCM, ngành này sẽ ra mắt người tiêu dùng tại các tỉnh, thành khác. Đồng thời, những đối tác là các chuỗi siêu thị cũng sẽ lên sàn trong thời gian tới” – bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó Tổng Giám đốc quản lý sàn thương mại tại Tiki, cho biết.

Sau 3 tháng vận hành dịch vụ bán hàng tươi sống, đến tháng 7-2020, ngành này trên Lazada đã ghi nhận doanh thu tăng trưởng 200%; số lượng đối tác cung cấp thực phẩm tươi sống tăng 6 lần. Đại diện Lazada cho rằng dịch Covid-19 đã thay đổi phần nào thói quen mua sắm, tiêu dùng của người Việt chuyển từ trực tiếp (offline) sang trực tuyến (online), trong đó thực phẩm tươi sống cũng không phải ngoại lệ. Khi tình hình dịch bệnh đã dần ổn định, nhu cầu mua sắm thực phẩm tươi sống trên Lazada vẫn giữ mức tăng trưởng tốt. Thậm chí, có thời điểm, một gian hàng trên Lazada có đơn hàng tăng gấp 40 lần so với bình thường.

“Khách hàng của chúng tôi bao gồm cả người tiêu dùng và các nhà bán hàng, các thương hiệu kinh doanh trên nền tảng Lazada. Việc nỗ lực phát triển ngành hàng thực phẩm tươi sống không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm thiết yếu của người tiêu dùng mà còn đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của nhà bán hàng” – đại diện Lazada nhìn nhận khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc phát triển ngành hàng tươi sống là chiến lược dài hạn hay chỉ phục vụ nhu cầu trong thời kỳ dịch bệnh?

Cơ hội cho nhà kinh doanh nhỏ, lẻ

Từ kết quả những tháng đầu thử nghiệm bán thực phẩm tươi sống trên nền tảng online, nhiều sàn TMĐT khẳng định họ mang lại cơ hội kinh doanh mới cho các nhà bán hàng, kinh doanh thực phẩm và giao nhận. Tiki xác nhận chỉ sau 1 tháng đầu thử nghiệm bán hàng trên Tiki, đơn hàng trên sàn đã chiếm hơn 20% tổng số đơn hàng online của chuỗi cửa hàng Farmers’ Market.

Đại diện Công ty CP Foody (sở hữu nền tảng bán hàng NowFood liên kết với sàn TMĐT Shopee) cũng nhận định mảng thực phẩm tươi sống là ngành hàng tiềm năng trên các ứng dụng online bởi tính tiện ích, đồng thời nhu cầu về thực phẩm tươi, sạch, chất lượng tốt… tại các TP lớn hiện rất cao. Tuy không chia sẻ con số tăng trưởng cụ thể nhưng công ty này thừa nhận đi chợ online đã tăng trưởng một cách rõ rệt và dự báo tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. “Chúng tôi nhận thấy rằng thói quen tiêu dùng trong việc mua sắm nói chung và đi chợ nói riêng đã và đang có những chuyển biến nhất định, tạo tiền đề và mở ra một cơ hội lớn không chỉ cho dịch vụ giao nhận mà còn cho cả các đơn vị kinh doanh thực phẩm online” – vị đại diện nói.

Ủng hộ chiến lược phát triển bán hàng tươi sống trên chợ mạng, chuyên gia thương hiệu Lại Tiến Mạnh đánh giá đây là cơ hội rất lớn cho các nhà sản xuất – kinh doanh nhỏ lẻ trong cuộc cạnh tranh tiếp cận người tiêu dùng. Hay nói cách khác, bán lẻ trực tuyến đã cứu nhà sản xuất – kinh doanh. Ông Mạnh phân tích: “Từ trước đến nay, các đơn vị sản xuất – kinh doanh thực phẩm tươi sống phụ thuộc nhiều vào kênh phân phối và phải thỏa mãn rất nhiều chi phí, sức ép, thậm chí cả yêu sách để được giữ hàng trên kệ, được đặt hàng ở những vị trí tốt. Nhiều hệ thống phân phối hầu như không có chỗ cho thương hiệu nhỏ. Trong khi đó, TMĐT bình đẳng hơn khi chấp nhận mọi thương hiệu dù lớn hay nhỏ, miễn là đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Nhờ đó, các thương hiệu nhỏ có nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng hơn; bản thân sàn TMĐT cũng đa dạng hóa nhà cung cấp. Người tiêu dùng là đối tượng cuối cùng được hưởng lợi”.

Quản lý chất lượng thực phẩm

Chuyên gia Lại Tiến Mạnh cũng lưu ý tăng cường nhiều biện pháp để quản lý chặt chẽ chất lượng hàng tươi sống trên sàn bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. “Đối với những sàn không kết nối nhà bán hàng giao trực tiếp cho khách mà phải thông qua sàn thì cần cải thiện hệ thống kho chứa, logistics để bảo quản hàng hóa được tốt nhất; xây dựng quy trình kiểm soát thực phẩm một cách đồng bộ. Ngoài ra, cũng cần có ràng buộc chặt chẽ với nhà bán hàng, có chế tài mạnh tay và sẵn sàng bồi thường nếu có rủi ro liên quan đến an toàn thực phẩm” – ông Mạnh góp ý.


Phương Nhung

Chia sẻ