Tại dự án Nhà máy Điện mặt trời Đa Mi công suất 47,5 MWp xây dựng trên hồ thủy điện Đa Mi (tỉnh Bình Thuận), ông Đỗ Minh Lộc, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi, cho biết để được vay vốn, dự án phải đáp ứng rất nhiều điều kiện khắt khe.

Theo tiêu chuẩn quốc tế

Đối tác cho vay vốn dự án nêu trên là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với khoản vay 37 triệu USD, đối ứng 30%. Như vậy, tổng mức đầu tư của dự án là 1.438 tỉ đồng.

Theo ông Đỗ Minh Lộc, công ty vay vốn nước ngoài trong bối cảnh không có bảo lãnh Chính phủ nên điều kiện khắt khe hơn rất nhiều so với yêu cầu đánh giá tác động của các cơ quan chuyên môn trong nước. Ngoài đánh giá về dòng tiền, tài sản, ADB yêu cầu rất nhiều cam kết về mặt môi trường trong quá trình vận hành. Chẳng hạn, giám sát điện từ trường trong quá trình vận hành thông qua việc đo điện trường và từ trường 6 tháng/lần; giám sát chất lượng nước và thủy sinh tại hồ Đa Mi, thực hiện đo các chỉ số về hóa học, vật lý và sinh học mỗi 3 tháng/lần trong năm đầu vận hành và giãn ra 6 tháng/lần từ năm thứ 2. “ADB cũng đưa ra một yêu cầu khá đặc biệt là bảo vệ chim trời dọc đường dây truyền tải. Theo đó, phải lắp đặt thiết bị đuổi chim trên đường dây truyền tải 110 KV và tại trạm 110 KV. Thiết bị này gồm chong chóng gió DC001 có gắn gương phản xạ nhằm xua đuổi chim lại gần đường dây điện và đĩa che chuỗi sứ treo DC003 nhằm không cho chim đậu hoặc làm tổ có thể dẫn đến phóng điện, gây sự cố và làm chết chim. Đây là yêu cầu hoàn toàn mới đối với các dự án điện ở Việt Nam và nằm ngoài thiết kế kỹ thuật” – ông Lộc cho hay.

Dự án điện mặt trời trên hồ thủy điện Đa Mi là dự án vay vốn nước ngoài không có bảo lãnh của Chính phủ Ảnh: THÙY DƯƠNG

Chưa hết, chủ đầu tư dự án điện mặt trời vay vốn nước ngoài còn phải bảo đảm một số vấn đề liên quan đến sinh kế của người dân, như hướng dẫn chuyển đổi sản xuất, ưu tiên tuyển nhân sự đối với người địa phương bị ảnh hưởng đất đai khi làm dự án, hỗ trợ họ về y tế và giáo dục…

Với suất đầu tư lớn hơn hầu hết dự án điện khác, lên đến 1 triệu USD/MW, các dự án điện mặt trời nổi trên nước quy mô lớn hầu hết phải hướng đến nguồn vốn nước ngoài. Việc này đồng nghĩa với dự án nào đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế mới có thể triển khai. Chủ một doanh nghiệp (DN) tư nhân chuyên đầu tư dự án năng lượng tái tạo cho biết dự án của ông đang trong trạng thái “chờ” do chưa thể đáp ứng hết yêu cầu từ các bên cho vay vốn, nhất là quy định nghiêm ngặt của Ngân hàng Tái thiết Đức.

“Do hiện tại còn chưa rõ chính sách cho điện mặt trời sau thời điểm 31-12 sắp tới nên hầu hết dự án chờ chính sách mới trước khi quyết định đầu tư. Thêm yêu cầu khắt khe để vay vốn, dự án chắc chắn sẽ không thể sớm triển khai như mong muốn” – chủ DN này chia sẻ.

Đang là xu hướng

Tuy vậy, với nhiều ưu điểm, điện mặt trời nổi vẫn là xu hướng được khá nhiều nhà đầu tư để mắt tới gần đây. Theo tìm hiểu, ngoài dự án điện mặt trời quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam đặt trên hồ thủy điện Đa Mi, đã có nhiều nhà đầu tư triển khai và sắp hoàn thành một số dự án điện mặt trời nổi khác ở Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu. Trước đó, dự án điện mặt trời sử dụng vùng đất bán ngập của hồ chứa Dầu Tiếng công suất 420 MWp cũng đã được khánh thành.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ hồi giữa năm về việc bổ sung 2 dự án vào Quy hoạch Phát triển điện VII điều chỉnh, Bộ Công Thương cho biết tỉnh Nghệ An đề xuất xây dựng dự án điện mặt trời nổi tại hồ Vực Mấu và hồ Khe Gỗ. Tổng mức đầu tư dự kiến của 2 dự án trên 6.500 tỉ đồng. Trong đó, dự án tại hồ Vực Mấu có công suất lắp đặt là 200 MWp, dự kiến sử dụng 214 ha mặt nước; dự án tại hồ Khe Gỗ có tổng công suất 250 MWp, sử dụng dự kiến 280 ha đất mặt nước và đất bán ngập.

“Suất đầu tư điện mặt trời nổi cao hơn điện mặt trời trên mặt đất do phải lo thêm các chi phí sản xuất, lắp đặt hệ thống phao, neo chiếm đến khoảng 1/3 tổng vốn đầu tư. Tuy nhiên, do dự án dạng này ít chiếm đất, ít gặp phức tạp trong việc thu hồi đất, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân không đáng kể, giúp giảm nước bốc hơi trong hồ… nên nhiều nhà đầu tư đang quan tâm tìm hiểu, khai thác” – chủ một DN điện tái tạo phân tích.

Báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu năng lượng mặt trời Singapore với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới và Công ty Tài chính quốc tế về điện mặt trời trên mặt nước đánh giá sự kết hợp giữa điện mặt trời nổi và các hồ chứa thủy điện sẽ mang lại lợi ích trong sử dụng tốt hơn cơ sở hạ tầng truyền dẫn hiện hữu và quản lý sản lượng điện kết hợp hiệu quả hơn (tức chuyển đổi từ phát điện mặt trời sang nguồn điện khác trong thời điểm không có nắng).

Báo cáo này cũng đánh giá Việt Nam có tiềm năng khá dồi dào diện tích nước mặt để phục vụ xây dựng điện mặt trời nổi. Trong đó, lưu vực sông Hồng có 900 hồ nước lớn nhỏ, 1.300 đập dâng; lưu vực sông Hương có 100 hồ chứa các loại; lưu vực sông Đồng Nai có 406 hồ chứa…

PGS-TS Đặng Đình Thống, Hội Khoa học Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp ý cần có quy chuẩn kỹ thuật dành cho nguyên liệu làm phao nổi, cáp điện để bảo đảm không gây ảnh hưởng tới môi trường, đặc biệt là môi trường thủy sinh của tảo và các loài thủy sản. Đồng thời, cân nhắc không sử dụng ắc-quy hoặc các thiết bị hỗ trợ gây ô nhiễm khu vực lòng hồ… 

Khởi động điện gió ngoài khơi

Điện gió ngoài khơi cũng là loại hình khai thác năng lượng được quan tâm gần đây, nhất là khi liên danh phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn công suất 3,5 GW, gồm tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), Công ty CP Năng lượng Dầu khí châu Á và Công ty TNHH Novasia Energy, vừa ký kết 2 hợp đồng khảo sát địa điểm chính, trị giá khoảng 5 triệu USD.

Kể từ khi ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Bình Thuận vào tháng 7-2020, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn đã đẩy mạnh các hoạt động như chuẩn bị cho công tác khảo sát thực địa, xin bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện VIII và phê duyệt giấy phép khảo sát. Là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam với vốn đầu tư ước tính 10 tỉ USD, công suất 3,5 GW, dự án sẽ tạo cơ hội việc làm đáng kể cho người dân và là tiền đề thu hút nhà đầu tư nước ngoài khác vào lĩnh vực này.

Ông Kim Højlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, đánh giá việc ký kết này đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo Việt Nam. Hợp tác giữa các công ty quốc tế có kinh nghiệm hàng đầu thế giới và DN trong nước sẽ góp phần quan trọng vào việc chuyển giao kiến ​​thức trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

N.Hải


Phương Nhung

Chia sẻ