Thời gian qua, các DN Việt Nam đã phải trả giá đắt khi không đăng ký bảo hộ thương hiệu tại nước ngoài của rất nhiều sản phẩm Việt Nam như: nước mắm Phú Quốc, bia Sài Gòn tại Mỹ và Canada; cà phê Trung Nguyên, võng xếp Duy Lợi tại Mỹ; bánh phồng tôm Sa Giang tại Pháp và châu Âu hay kẹo dừa Bến Tre, Vinamit tại Trung Quốc…

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các DN Việt Nam, nhiều vụ DN nước ngoài sử dụng nguyên tắc ưu tiên đơn nộp đầu tiên (first to file) để chiếm đoạt nhãn hiệu trên của các DN Việt Nam không nhằm ngoài mục đích ép chính chủ phải mua lại bản quyền của chính mình với giá cắt cổ. Nếu không, sẽ không xuất khẩu được sang những thị trường đã bị chiếm đoạt những nhãn hiệu đó.

Ngày 20-4, trao đổi với báo chí, ông Hồ Quang Cua, đại diện nhóm tác giả giống lúa ST25 nổi tiếng, cho biết: “Tôi chỉ tập trung chuyên môn về chọn tạo giống. Những vấn đề liên quan đến bảo hộ bản quyền, chống hàng giả rất phức tạp. Ngay tại Việt Nam, việc chống gạo ST25 giả cũng hết sức mệt mỏi. Còn ở thị trường Mỹ, ngay cuối năm 2019, khi gạo ST25 giành giải nhất cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019″ đã có đơn vị rao bán gạo ST25 rồi”.

Các văn bản pháp luật quốc tế và văn bản pháp luật quốc gia đều không quy định chủ sở hữu/nhà sản xuất phải tiếp tục đăng ký tại bất kỳ quốc gia nào có sử dụng nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng. Như vậy, việc chủ sở hữu có muốn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của họ. Tuy nhiên trong thực tế, chủ sở hữu/nhà sản xuất và trong trường hợp này, theo chúng tôi, ông Hồ Quang Cua và nhóm tác giả vẫn phải tiến hành thủ tục đăng ký cho nhãn hiệu gạo ST25 tại USPTO để bảo đảm quyền lợi chắc chắn của mình tại Mỹ như hãng Coca-Cola và một số thương hiệu khác đã đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu nổi tiếng của mình tại Cục Sở hữu công nghiệp Việt Nam.

Theo thông tin chúng tôi được biết thì hiện có 5 hồ sơ đăng ký thương hiệu gạo ST25 (do 4 DN của Mỹ đăng ký) với USPTO. Các hồ sơ này đang ở giai đoạn xem xét nên ông Hồ Quang Cua, đại diện nhóm tác giả giống lúa ST25, có thể gửi đơn đến cơ quan USPTO của Mỹ để yêu cầu không đăng ký thương hiệu gạo ST25 cho 4 DN của Mỹ. Tuy nhiên, đơn yêu cầu cần phải có đầy đủ bằng chứng xác thực, chứng minh thương hiệu gạo này là do ông Hồ Quang Cua và nhóm tác giả nghiên cứu giống lúa, phát triển, sản xuất, phân phối và thực tế đã đem đi thi ở Philippines đoạt giải nhất.

Rõ ràng, thương hiệu gạo ST25 Việt Nam bị đánh cắp ở nước ngoài không còn là câu chuyện riêng đối với một DN cụ thể nào mà nó còn cần được nhìn nhận rộng hơn, đó là cả một vùng nguyên liệu, thậm chí là của quốc gia. Nếu nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc có thời gian đã bị DN nước ngoài đăng ký trước thì vải thiều Lục Ngạn, bưởi Năm Roi, tỏi Lý Sơn… vẫn luôn ẩn chứa nhiều nguy cơ bị đánh cắp trong tương lai.

Công bằng mà nói, không phải DN nào cũng có đủ thông tin và hiểu biết để có thể bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp nhãn hiệu của mình trên thị trường thế giới, nhất là các sản phẩm có nhiều lợi thế cạnh tranh và thế mạnh của Việt Nam như nông sản thực phẩm. Do đó, những chính sách, hỗ trợ, cung cấp thông tin từ phía nhà nước, các bộ chuyên ngành (Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các chuyên gia pháp lý về sở hữu trí tuệ là điều cần thiết hơn bao giờ hết.

Nếu để khi “mất bò mới lo làm chuồng” thì đã là quá muộn.


Luật sư Lê Thành Kính, (Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn)

Chia sẻ