Ngân hàng lãi ‘ảo’ và nỗi lo thật

Không ít ngân hàng đang khổ sở xử lý các khoản thoái lãi dự thu gây lãi “ảo” vi phạm quy định pháp luật.

Thời gian qua, báo cáo tài chính hàng năm của nhiều ngân hàng đã hé lộ những khoản lãi dự thu – là nguồn thu lãi trong tương lai mà một số chuyên gia nhận định là nguồn ghi nhận “lãi ảo” trên sổ sách, không phản ánh đúng lợi nhuận từ kinh doanh. Năm 2019, quy mô lãi dự thu của các ngân hàng vẫn tăng, đặt ra mối lo ngại về việc tuân thủ quy định và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước khi ghi nhận các khoản lãi dự thu không đúng thực tế thu hồi nợ, dẫn lới lợi nhuận nghìn tỉ có thể lãi “ảo”, nhất là trong bối cảnh kinh doanh chung khó khăn, ảm đạm.

Theo báo cáo tài chính, cuối năm 2019, lợi nhuận sau thuế của riêng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã: STB) đạt gần 2.391 tỉ đồng, tăng 41% so với năm trước. Năm qua tín dụng của Sacombank cũng tăng cao hơn 15,4% so với đầu năm kéo theo nợ xấu ở mức 5.200 tỉ đồng (chiếm 1,8% dư nợ). Điểm chú ý là khoản lãi, phí phải thu trong năm 2018-2019 ở mức rất cao lần lượt là 23.110 tỉ đồng và 19.504 tỉ đồng, bao gồm những khoản lãi dự thu từ nợ nhóm 2 đến nhóm 5, nợ vay được phân loại theo “chính sách đặc biệt”, phải đưa ra theo dõi ngoại bảng, chỉ khi nào thu được thì mới hạch toán vào kết quả hoạt động kinh doanh riêng lẻ.

Tương tự Sacombank, BIDV cũng là nhà băng luôn có khoản lãi dự thu hàng năm rất cao, lên tới 10.892 tỉ đồng vào cuối năm 2019. Với dư nợ từ nhóm 2 đến nhóm 5 là 69.522 tỉ đồng, trong đó có gần 10.370 tỉ đồng là nợ có nguy cơ mất vốn thì rủi ro từ khoản lãi dự thu trong tương lai mà BIDV chưa thu được rất lớn. Số lãi dự thu này có ảnh hưởng đáng kể tới kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) nhiều năm qua cũng có sự tăng trưởng lợi nhuận cao, cụ thể, năm 2019 lợi nhuận sau thuế riêng ngân hàng đạt hơn 7.497 tỉ đồng, tăng 32,5% so với con số 5.657 tỉ đồng của năm trước. Song các khoản lãi, phí phải thu của MB năm qua tăng gần 10%, lên tới 3.470 tỉ đồng. Các khoản lãi dự thu của nhà băng này duy trì ở mức vài nghìn tỉ đồng mỗi năm, có xu hướng tăng khi quy mô tín dụng và nợ xấu tăng mạnh.

Nằm trong nhóm ngân hàng TMCP có tăng trưởng lợi nhuận đột biến, năm 2019, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) ghi nhận lợi nhuận sau thuế riêng lẻ hơn 2.188 tỉ đồng, tăng 34,7% so với năm trước chỉ đạt gần 1.624 tỉ đồng. Nhờ lợi nhuận đột biến năm qua nên SHB đã tự tin thực hiện chia cổ tức hơn 2.526 tỉ đồng (tỉ lệ 20%) bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, đồng thời sắp sửa chào bán thêm hơn 300 triệu cổ phiếu, giúp cho cổ phiếu SHB trở nên “sốt” trên sàn chứng khoán khi tăng hơnn 100% trong vài tháng…

Tuy vậy, trong bối cảnh ngành ngân hàng gặp khó khăn, siết chặt tín dụng và chất lượng tài sản, tín dụng tăng chậm lại… thì lợi nhuận “khủng” và tăng nhanh của SHB vài năm trở lại đây gây tò mò. Bởi nhà băng này vừa trải qua giai đoạn tái cơ cấu rất khó khăn, chật vật xử lý khối nợ xấu rất lợi “hậu sáp nhập Habubank”. Nếu như giai đoạn 2015-2016, lợi nhuận sau thuế hơn 800-862 tỉ đồng đã là nỗ lực lớn, thì đến năm 2017, SHB bất ngờ báo lãi sau thuế 1.426 tỉ đồng, tăng gấp đôi năm trước. Các năm tiếp sau, lợi nhuận tăng “vù vù” cả nghìn tỉ đồng, trong sự khấp khởi mừng vui của cổ đông, nhà đầu tư…

Nếu thoái lãi dự thu không đúng quy định thì sẽ tạo lợi nhuận “ảo” cho SHB.

Thế nhưng, các khoản lãi dự thu của SHB duy trì ở mức vài nghìn tỉ đồng, có năm cao nhất tới 9.088 tỉ đồng, tăng gấp 3 lần thời điểm 2016 khi nhà băng vẫn còn lãi “khiêm tốn”. Điều này cũng phản ánh quy mô lãi từ cho vay chưa thu được trên thực tế rất lớn, nhất là đối với nợ xấu mất vốn, nợ phân loại theo chỉ đạo riêng theo đề án tái cơ cấu… Lãi dự thu từ nợ xấu, nợ khó đòi cũng tăng nhanh và gây áp lực xử lý làm sao vừa đảm bảo lợi nhuận, vừa tuân thủ quy định pháp luật, có điều kiện tăng vốn… Bởi chỉ một sự dịch chuyển số liệu “nhỏ” từ thoái lãi dự thu này có thể giúp lợi nhuận tăng thêm cả nghìn tỉ đồng dẫu chỉ là “lãi ảo” trên giấy, và vi phạm quy định pháp luật, làm méo mó kết quả kinh doanh thực chất.

Trước tình trạng nhiều ngân hàng dùng lãi dự thu để tạo ra lợi nhuận “ảo”, cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng đã kiểm tra, loại bỏ những khoản hạch toán sai sau khi Thống đốc chỉ đạo các ngân hàng nghiêm túc thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ, đảm bảo tuân thủ đúng quy định để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh. Việc rà soát các khoản nợ đang dự thu lãi, đặc biệt có lãi dự thu lớn để kịp thời thoái lãi dự thu khó có khả năng thu hồi… là điều bắt buộc để chấn chỉnh tình trạng gian lận số liệu.

Theo đánh giá, quy mô các khoản lãi dự thu của hệ thống ngân hàng khá lớn, nhất là các ngân hàng vừa tái cơ cấu, tiềm ẩn rủi ro lớn cũng không thua kém gì nợ xấu.

Kiểm toán Nhà nước cũng từng chỉ rõ hiện tượng nhiều ngân hàng sử dụng lợi nhuận từ doanh thu không chắc chắn là lãi dự thu của các khoản nợ đã được cơ cấu lại.

Việc sử dụng lãi dự thu để “thổi phồng” lợi nhuận cũng giải đáp phần nào tình trạng nhiều ngân hàng báo lãi lớn, liên tục đạt cả nghìn tỉ đồng có thể là “lãi ảo” nên không được phép chia cổ tức nhiều năm, hoặc chỉ có thể chia bằng cổ phiếu…

Theo Tin nhanh Online