Ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp: Sacombank đi đầu và thế khó của các nhà băng

Ngân hàng tính toán giảm lãi thế nào?

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chiều 13/7 phát đi thông tin giảm lãi suất hỗ trợ cho khách hàng. Đây là ngân hàng đầu tiên thông báo giảm lãi suất sau cuộc họp ngày 12/7 của Hiệp hội Ngân hàng với các hội viên.

Cụ thể, thông báo của Sacombank cho biết, nhà băng này thực hiện giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay tại Ngân hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng – khách sạn – nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế…, đồng thời tiếp tục ưu đãi/miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.

Đây là hành động nhằm đồng hành cùng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc triển khai các giải pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh vừa tăng trưởng kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong lần bùng phát thứ 4 ở phạm vi và mức độ tác động lớn hơn nhiều so với những lần trước.

Song song với quyết định giảm lãi suất mới nhất, Sacombank cũng đang triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá đến 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn ưu đãi 10.000 tỷ này được Ngân hàng áp dụng từ ngày 18/06/2021 đến hết ngày 31/12/2021 hoặc khi hết nguồn tùy điều kiện nào đến trước.

Sacombank cho biết, sắp tới, Ngân hàng sẽ tiếp tục đưa ra các gói ưu đãi khác để tăng cường hơn nữa những giải pháp thiết thực đồng hành cùng khách hàng.

Trước đó, tại buổi họp ngày 12-7 của Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) với 16 tổ chức tín dụng (TCTD) là hội viên, các ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất sớm trong tháng 7 này để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài.

16 ngân hàng thuộc VNBA là Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, MB, Techcombank, SHB, LienVietPostBank, VPBank, VIB, TPBank, SeABank, MSB, Sacombank, ACB, HDBank. Theo lãnh đạo của nhiều ngân hàng, tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng, các ngân hàng sẽ có mức giảm lãi suất phù hợp, tập trung vào các doanh nghiệp đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch. Thời hạn thực hiện giảm lãi suất là từ tháng 7-2021 cho đến hết năm 2021.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA, dịch Covid-19 đang có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 (NQ63). Trên tinh thần đó, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã họp trực tuyến bàn các giải pháp triển khai NQ63, trong đó đặc biệt lưu ý giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

“Việc giảm lãi suất là rất khó vì hàng loạt ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất suốt từ năm 2020 cũng như thực hiện nhiều biện pháp cứu doanh nghiệp, nhưng lúc này rất cần sự chia sẻ, cảm thông của ngành ngân hàng, bởi dịch bùng phát mạnh, kéo dài. Hiệp hội mời các TCTD họp bàn để chúng ta thống nhất giảm như thế nào, thời gian giảm lãi suất từ thời điểm nào, số dư nợ được giảm đối với các dư nợ hiện hữu VND ra sao?…”, ông Nguyễn Quốc Hùng gợi ý.

Theo bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng Giám đốc MB, những đối tượng khách hàng của MB cần lãi suất thấp đã được hưởng từ lâu. Từ đầu năm đến nay, ngân hàng liên tục giải ngân vốn cho các đối tượng này. Tuy nhiên, với sự đồng thuận của các ngân hàng, hội viên VNBA, MB sẽ hưởng ứng hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp gặp khó khăn không có doanh thu hoặc doanh thu giảm.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV) Agribank cho biết, ngay sau cuộc họp với NHNN về triển khai NQ63, Agribank đã họp và thống nhất giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Dự kiến, HĐTV của Agribank sẽ họp để đưa ra mức giảm lãi suất, có khoản sẽ giảm 0,5%, có khoản sẽ giảm 2-2,5%. Tính trung bình, lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ giảm khoảng 1%.

Theo nhiều lãnh đạo ngân hàng, để giảm lãi suất, các ngân hàng sẽ phải xin ý kiến cổ đông, vì giảm lãi sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay. Tại cuộc họp, các ngân hàng đề nghị NHNN cấp thêm room tín dụng trong những tháng cuối năm để ngân hàng có dư địa tín dụng hỗ trợ khách hàng tốt hơn.

Đại diện LienVietPostBank cho biết, với tổng dư nợ của ngân hàng khoảng 191 nghìn tỷ đồng, nếu ngân hàng này giảm lãi suất bình quân 1%/năm, ngân hàng sẽ giảm lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng.

Không đơn giản!

Đề cập chuyện hạ lãi suất, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia cho rằng phân tích lạm phát ở Việt Nam cao hơn nhiều so với quốc tế và khu vực. Năm 2021, dự báo lạm phát của Việt Nam có thể khoảng 3,5%, trong khi toàn cầu khoảng 2,8%, Trung Quốc 1,8% và ASEAN-4 khoảng 2%. Người dân có kỳ vọng gửi tiền vào ngân hàng được hưởng lãi suất ít nhất là cao hơn tỉ lệ lạm phát để hưởng lãi suất dương.

Nếu hạ lãi cho vay thì các ngân hàng phải hạ lãi suất huy động, khi đó hệ thống ngân hàng vừa thiếu tiền gửi, vừa hứng chịu rủi ro thanh khoản, vừa không có đủ tiền để đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Lúc này, hệ thống tài chính – tín dụng có thể bị rối loạn và doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư kinh doanh, lấy đâu ra nguồn lực để tăng trưởng, để bảo đảm công ăn việc làm, TS. Cấn Văn Lực phân tích.

Ông Lực nhấn mạnh: Lãi suất hiện nay không phải là điểm nghẽn đối với tín dụng vì lãi suất cho vay đang ở mức thấp và tín dụng ngân hàng 6 tháng đầu năm tăng khoảng 6% so với đầu năm, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, định hướng giảm lãi suất hiện nay của NHNN là đối với dư nợ hiện hữu cũng như một phần các khoản vay mới, phù hợp với Nghị quyết 63 của Chính phủ ban hành cuối tháng 6/2021 vừa qua.

Việc các TCTD giảm lãi suất như vậy là tiếp tục đồng hành, chia sẻ trách nhiệm cùng với người dân và DN trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng phải đảm bảo vừa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, vừa an toàn năng lực tài chính của các TCTD, nhất là rủi ro tiềm ẩn nợ xấu còn lớn… Theo đó, ông Lực đề nghị việc hỗ trợ giảm lãi suất cần đảm bảo nguyên tắc: không cào bằng, có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng thực sự khó khăn, cần hỗ trợ, đúng lĩnh vực và địa bàn (vì mức độ tác động của dịch bệnh rất khác nhau và khả năng phục hồi của các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn cũng rất khác nhau…), TS. Cấn Văn Lực nêu rõ.

Ngoài ra, ông Lực cũng khuyến cáo cần hết sức lưu ý rủi ro lạm phát gia tăng khi hạ lãi suất, vì áp lực lạm phát gia tăng, lãi suất toàn cầu chuẩn bị tăng là hiện hữu.

Đồng quan điểm này, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: Lãi suất rẻ là con dao 2 lưỡi. Nó có thể làm tăng khả năng vay mượn của người dân vào mục đích đầu cơ bất động sản. Khi dòng tiền đổ vào bất động sản quá lớn, giá sản phẩm tăng mạnh, đến một ngưỡng nào đó sẽ tạo ra bong bóng và khi vỡ sẽ có thể để lại hệ lụy lớn trên thị trường. Đó là kịch bản xấu nếu áp dụng chính sách lãi suất rẻ. Nhìn vào thực tế, Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ như vậy khi hiện tại, hiện tượng đầu cơ đất đai ở nước ra vốn dĩ đã nhiều.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, thời gian qua, ngành ngân hàng được xem là một kênh hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực như ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, sau đó là Thông tư 03/2021/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN), tái cơ cấu, giãn hoãn các khoản vay dư nợ và lãi vay đến hạn, giảm lãi suất, phí, cùng nhiều cơ chế chính sách khác, hệ thống ngân hàng đã triển khai hỗ trợ giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cùng với những chính sách của Nhà nước về hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, an sinh xã hội…

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng cho rằng, cho tới thời điểm này, dịch vẫn tiếp tục phức tạp, doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn, khả năng chống chịu suy giảm.

Vì thế, năm 2021 cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa của tất cả các ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất theo tinh thần chỉ đạo của Thống đốc ngay từ đầu năm và theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Để thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành đang xây dựng chương trình hành động; trong đó, đặt ra các nội dung theo đúng tinh thần nghị quyết để triển khai khẩn trương và nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, mọi hoạt động của ngân hàng phải hài hoà song hành giữa 2 mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, song vẫn đảm bảo an toàn một cách cao nhất cho hệ thống ngân hàng nói chung và cho từng tổ chức tín dụng nói riêng, không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung và dài hạn.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.

Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh quan điểm, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các giải pháp, biện pháp trên tinh thần hỗ trợ tích cực, thực chất.

Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo an toàn, duy trì năng lực tài chính cho ngân hàng, cho cả hệ thống ngân hàng và cho toàn bộ nền tài chính quốc gia.

“Hệ thống ngân hàng tiếp tục thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, doanh nghiệp, xã hội bằng những hành động, chương trình hành động cụ thể, sẽ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành trong thời gian tới với các yêu cầu, nhiệm vụ cđể toàn ngành triển khai thực hiện”, Phó thống đốc nói.

Theo Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam