Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành ngân hàng về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 03/2021/TT-NHNN sáng 14-4, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phổ biến, triển khai thông tư này với nhiều điểm mới “dễ thở” hơn cho cả các ngân hàng và doanh nghiệp.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng (thứ hai từ phải qua) chủ trì hội nghị

Trao đổi từ góc độ các tổ chức tín dụng, bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBB), cho biết các thông tư 01/2020 và 03/2021 đều hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), cá nhân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Theo đánh giá của ngân hàng, khó khăn hiện nay với một số ngành, lĩnh vực liên quan đến dịch vụ lưu trú, giao thông vẫn còn tiếp tục kéo dài trong khi một số ngành khác đã bắt đầu phục hồi, tăng trưởng. Về lĩnh vực này, NHNN đã có hẳn một thông tư liên quan đến Vietnam Airlines. Tuy nhiên, các ngành dịch vụ lưu trú, đặc biệt là tại khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Khánh Hòa, là các tỉnh liên quan đến phát triển chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ, nếu chưa có khách quốc tế còn rất khó khăn.

“Trong khi các ngành khác đâu đó đã có sự phục hồi, bằng năng lực tài chính của các doanh nghiệp và cá nhân, thì lĩnh vực lưu trú vẫn còn khó khăn kéo dài. Thông tư 03 áp dụng cho rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Với lĩnh vực dịch vụ lưu trú, nếu cho thêm 12 tháng kể từ ngày cơ cấu nợ thì vẫn còn khó khăn. Nếu cơ cấu từ năm nay, thêm 12 tháng là năm 2022, khi mở ra thị trường quốc tế, các đơn vị trả nợ mới có nguồn thu”- bà Hà nhận định.

Theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN sẽ có hiệu lực từ ngày 17-5-2021, NHNN cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến hết năm 2021. Trước đó, Thông tư 01/2020 chỉ cho phép tái cơ cấu với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ từ 23-1-2020 đến sau 3 tháng từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch. Tuy nhiên, NHNN vẫn giữ nguyên quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu. Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện đến ngày 31-12-2021.

Bà Phạm Thị Trung Hà cho biết với nội dung còn vướng mắc này, ngân hàng đã làm việc với các khách hàng ở khu vực dịch vụ lưu trú để cùng nhau phân tích xem các khó khăn được giải quyết như thế nào, cơ cấu ra sao, thời hạn 12 tháng có phù hợp, hay 24 tháng hay một thời điểm thích hợp… và sẽ có thông tin sau.

Cũng theo Phó tổng giám đốc MBB, sau khi ngân hàng thực hiện giảm lãi suất, các DN có khả năng trả nợ tốt hơn. Từ khi cơ cấu nợ năm 2020, đã có tới 80% khách hàng có thể trả nợ đúng hạn, còn 20% chưa trả nợ đúng hạn, tập trung lĩnh vực lưu trú, du lịch, dịch vụ.

Thông tin từ NHNN cho biết với các giải pháp tổng thể của Chính phủ, cùng với giải pháp của ngành ngân hàng đã tạo đà góp phần phục hồi tăng trưởng tín dụng, theo đó, đến 31-3-2021, tín dụng nền kinh tế đạt trên 9,46 triệu tỉ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì hội nghị

Các ngân hàng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tính đến cuối tháng 3-2021 đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263 ngàn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ hơn 353 ngàn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn hơn 660 ngàn khách hàng với dư nợ trên 1,27 triệu tỉ đồng, đặc biệt các ngân hàng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23-1-2020 đến nay đạt trên 3 triệu tỉ đồng cho trên 452 ngàn khách hàng.

Đối với chương trình cho vay người sử dung lao động để trả lương ngừng việc, đến 31-1-2021 (thời điểm dừng giải ngân theo quy định), NHNN đã giải ngân cho Ngân hàng chính sách xã hội với tổng số tiền 42,9 tỷ đồng và ngân hàng đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ 41,82 tỉ đồng đối với 245 người sử dụng lao động trên 11.276 người lao động ngừng việc; Dư nợ của chương trình tại Ngân hàng chính sách xã hội đến nay là 39,66 tỉ đồng.


Dương Ngọc

Chia sẻ