Ngân hàng BIDV, Vietinbank né tránh báo chí thông tin về nợ xấu?

BIDV – “ông trùm” nợ xấu

Tại BIDV và Vietcombank hay Vietinbank, nợ xấu đều tăng mạnh so với đầu kỳ. Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2020, tổng nợ xấu của BIDV tăng gần 17% lên 22.769 tỷ đồng.

Trong khi đó, dù nợ xấu của VietinBank kỳ này tăng mạnh hơn 47% khi nhận 15.968 tỷ đồng và Vietcombank tăng gần 11% lên 6.433 tỷ đồng thì vẫn không “bắt kịp” được với BIDV.
Nghĩa là tổng nợ xấu của Vietcombank và Vietinbank cộng lại cũng chỉ ở mức hơn 22.400 tỷ đồng, vẫn còn kém “ông trùm” nợ xấu BIDV.
Trong cơ cấu nợ xấu của BIDV, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 11%, nợ nghi ngờ tăng 21% và nợ có khả năng mất vốn tăng 17% khi chiếm hơn 13.000 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của BIDV tăng từ mức 1.75% đầu năm lên 2% vào cuối kỳ.
Điều này thực sự đáng quan ngại khi nợ xấu tại thời điểm kết thúc quý I giảm nhưng lại tăng trong quý II.
Nhìn lại, BIDV luôn “dẫn đầu” về tổng nợ xấu so với các nhà băng khác. Chưa rõ ngân hàng này sẽ tìm cách gì để tụt hạng hay tiếp tục phấn đấu giữ ngai vương.

Vietinbank – không kém cạnh

Xếp ngay sau “Ông trùm” nợ xấu BIDV, không ai khác là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank).
Như Doanh nhân Việt Nam đã đăng tải, liên tiếp trong 6 quý của năm 2018 – 2019 và 2 quý gần đây, các Báo cáo tài chính mà Vietinbank công bố cho thấy, nợ xấu liên tục duy trì mức tăng chóng mặt lên tới hàng nghìn tỉ đồng chỉ sau một quý.
Cụ thể, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I và quý II/2018 được Vietinbank công bố, tổng nợ xấu của Ngân hàng này tăng mạnh từ 9.011 tỉ đồng thời điểm cuối năm 2017 lên 10.295,5 tỉ đồng vào cuối quý I/2018 và tiếp tục leo thang lên đỉnh mới 11.227,7 tỉ đồng vào thời điểm ngày 30/6/2018.
Nợ xấu của Vietinbank ghi nhận trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý III và quý IV/2018 tiếp tục tăng lên 12.127,1 tỉ đồng và chạm mốc 13.517,5 tỉ đồng vào thời điểm cuối năm 2018. Như vậy, chỉ trong vòng vỏn vẹn một năm, tổng số nợ xấu của Vietinbank tăng thêm tới hơn 4.506,5 tỉ đồng và tương đương mức tăng tới trên 50% so với thời điểm đầu năm.
Bước sang năm 2019, tổng số dư nợ xấu của Vietinbank thực sự phồng to và tăng lên mức kỷ lục 15.962,2 tỉ đồng trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 mà Ngân hàng này công bố. Dù có mức giảm nhẹ trong các tháng sau, con số nợ xấu mà VietinBank công bố tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 lại tiếp tục tăng thêm hơn 1.056,3 tỉ đồng so với thời điểm giữa năm 2019.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 mà Vietinbank công bố ghi nhận dư nợ có khả năng mất vốn tại Ngân hàng này cũng tiếp tục tăng thêm 1.483,3 tỉ đồng so với con số được cập nhật trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019, lên mức 8.831 tỉ đồng. Theo đó, so với con số tổng nợ xấu tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 là 14.065,7 tỉ đồng, dư nợ có khả năng mất vốn vẫn chiếm đến 62,7%.
Tại báo cáo tài chính quý I/2020, tuy số nợ có khả năng mất vốn giảm mạnh từ hơn 7 ngàn tỷ đồng về mức 4,6 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên “nợ dưới tiêu chuẩn” (nằm trong nhóm “nợ xấu”) lại tăng lên khủng khiếp, từ 2 ngàn tỷ đồng (cuối năm 2019) lên mức 9,7 ngàn tỷ đồng (ngày 31/3/2020). Kết thúc báo cáo tài chính quý 1/2020, tổng “nợ xấu” nội bảng của Vietinbank là 16,9 nghìn tỷ đồng.
Chưa kể khoản nợ xấu ngoại bảng tại VAMC của Vietinbank được cho là lên tới hơn 40 nghìn tỉ đồng.
Vậy những khoản nợ xấu này từ đâu sinh ra? Câu trả lời, đó là những vũng “sình lầy” đến từ các dự án BOT, BT mà Vietinbank là chủ nợ.
Điểm mặt có thể thấy, chỉ tính riêng tại các dự án BOT của Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (UPCoM: HHV), Vietinbank đang dư nợ khoảng 19 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Vietinbank cũng tài trợ cho rất nhiều dự án BOT khác như Tổng công ty 36, Dự án BOT cầu Văn Lang, Dự án BOT cải tạo Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh – Uông Bí… Điều đáng bàn, đây là những dự án có nguy cơ vỡ kế hoạch tài chính và nhiều khả năng sẽ phải ghi nhận khoản nợ xấu của ngân hàng này.

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Né tránh cung cấp thông tin?

Ngân hàng Nhà nước cho biết, chỉ trong 3 năm qua, nhiều “ông lớn” ngân hàng như BIDV, Vietinbank, Vietcombank… đã “bơm” thêm gần 20.000 tỷ đồng vào các dự án BOT, BT giao thông. Đây là lĩnh vực được đánh giá có nhiều nguy cơ rủi ro đầu tư đối với các tổ chức tín dụng.
Để tìm hiểu rõ thêm thông tin, chúng tôi nhiều lần lần hệ qua điện thoại với đại diện truyền thông của các ngân hàng này.
Tại ngân hàng Vietinbank, đại diện truyền thông liên tục né tránh làm việc, cung cấp thông tin. Các cán bộ truyền thông liên tục “đá” trách nhiệm trả lời cho nhau.
Tương tự, sau rất nhiều cuộc điện thoại, đại diện truyền thông của Ngân hàng BIDV cho biết sẽ cung cấp email để trao đổi thông tin, sau đó bố trí thời gian làm việc. Tuy nhiên, đến nay sau nhiều ngày, phía BIDV vẫn im lặng, không liên lạc được cũng như hồi đáp thông tin.
Chúng tôi tiếp tục thông tin về sự việc này.