Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng, tăng mức giảm trừ cho người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng.

11 triệu đồng/tháng chưa hợp lý

Đây là một chính sách thuế cần thiết, phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội, thể hiện sự đồng hành của nhà nước nhằm giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế khi kinh tế khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh không ít người bị ảnh hưởng do Covid-19.

Theo quy định tại khoản 4 điều 1 Luật số 26/2012/QH13: “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”. Thực tế cho thấy từ tháng 7-2013 tới nay, CPI đã tăng tổng cộng 23,2%. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế TNCN từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng, tăng mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng là phù hợp với quy định pháp luật.

Tuy nhiên, do mức giảm trừ này chỉ áp dụng trong 5 năm và chưa sát với thực tiễn nên nhiều người còn băn khoăn nhà nước có nên tăng thêm mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN? Hiện nay, Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia đang phát triển. Như thế, trong vài năm tới, nước ta có thể trở thành quốc gia phát triển. Nghĩa là kinh tế Việt Nam từng bước tăng trưởng GDP sẽ kéo CPI tiếp tục tăng lên. Do đó trong tương lai, mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN 11 triệu đồng/tháng có lẽ không tương xứng mức chi tiêu của người dân.

Ngoài ra, các quy định pháp luật hiện nay chỉ cho phép cơ quan quản lý thuế điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trên cơ sở CPI hiện tại. Vì thế, cơ sở để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh không thể căn cứ vào dự đoán CPI trong tương lai.

Thay vào đó, cơ quan quản lý thuế có thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN dựa trên mức lương tối thiểu của từng vùng do Chính phủ thông báo hằng năm. Bởi CPI được xây dựng căn cứ biến động giá của rổ hàng hóa cơ bản, còn mức lương cơ bản được xây dựng căn cứ mức chi tiêu tối thiểu của người lao động. Trong khi mức lương tối thiểu được điều chỉnh không chỉ căn cứ vào biến động giá mà còn căn cứ nhu cầu tối thiểu trong các điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau.

Khi nền kinh tế phát triển hơn, nhu cầu phát sinh nhiều hơn, mức lương tối thiểu cũng phải gia tăng và do đó mức chi tiêu được yêu cầu giảm trừ cũng cần được điều chỉnh tương ứng. Bởi vậy, mức lương tối thiểu được cân đối hằng năm trên cơ sở thỏa thuận giữa đại diện người lao động (Công đoàn) và người sử dụng lao động (hiệp hội DN) được Chính phủ công bố mỗi năm nên là căn cứ pháp lý cho việc điều chỉnh thuế TNCN.

Người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục thuế tại Cục Thuế TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Cần khấu trừ chi phí thiết yếu

Trong bối cảnh người dân chi tiêu ngày càng nhiều, việc mở rộng khấu trừ cho người nộp thuế các chi phí tiêu dùng thiết yếu sẽ góp phần nâng cao mức sống, bảo đảm công bằng chính sách và góp phần minh bạch hệ thống hóa đơn, chứng từ trong quản lý thuế. Cụ thể, đối với người nộp thuế từ tiền lương, tiền công, nhà nước nên xem xét cho khấu trừ các khoản chi phí như thuê nhà ở, điện, nước, đào tạo nghiệp vụ của bản thân và học tập của con cái (có xác nhận chứng chỉ); tiền lãi vay mua nhà ở, mua bảo hiểm, phương tiện đi lại… (theo định mức cụ thể); viện phí và chi phí chữa bệnh hiểm nghèo đối bản thân, vợ/chồng, cha mẹ, con cái.

Riêng cá nhân kinh doanh tự do hay giới showbiz…, nhà nước có thể cho phép khấu trừ các chi phí về việc tạo dựng giá trị thương hiệu. Nhất là giới văn nghệ sĩ hằng ngày phải bỏ ra các chi phí thường xuyên như mua sắm trang phục, quần áo, phương tiện đi lại, trang điểm, vệ sĩ…

Việc chấp nhận các chi phí hợp lý (trong hạn mức) và có chứng từ hợp pháp để cho phép khấu trừ chi phí thuế TNCN còn góp phần khuyến khích cá nhân nhận chứng từ khi mua hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, giảm thiểu tình trạng ẩn lậu thuế, mua bán hóa đơn như hiện nay.

Có thể thấy, khi tăng thêm mức giảm trừ gia cảnh, mở rộng khấu trừ chi phí cho người nộp thuế, chắc chắn số thuế TNCN thu được sẽ giảm. Tuy nhiên, ngân sách sẽ được bù đắp bởi nhà nước đã nâng cao kỷ luật thuế đối với các đối tượng nộp thuế không phải từ tiền lương, tiền công. Đó là nguồn thu nhập của các cá nhân kinh doanh bất động sản (BĐS), từ mạng xã hội… Theo đó, nhà nước nên xem xét áp dụng thuế TNCN đối với kinh doanh BĐS theo phương thức 25% chênh lệch giá mua với giá bán như đã từng áp dụng vào năm 2007.

Tuy quá trình triển khai lập lại trật tự về thuế, lập lại mặt bằng giá tính thuế… còn nhiều vấn đề cần bàn thảo sao cho bảo đảm quyền lợi của nhà nước và nhà đầu tư BĐS nhưng việc cập nhật thông tin thực của giá BĐS hoàn toàn có thể thực hiện với hệ thống công nghệ, ngân hàng hiện đại như hiện nay. Với quan điểm thuế là công cụ để góp phần phát triển thị trường minh bạch, ổn định, lâu dài… thì việc xem xét điều chỉnh cách tính thuế đối với giao dịch BĐS là cần thiết trong đợt sửa đổi thuế TNCN lần này. 

Nguy cơ thất thoát thuế lớn

Hiện nay, trách nhiệm quyết toán thuế TNCN áp dụng nguyên tắc “tự nguyện” là chính. Nếu cá nhân tự xác định mình không nộp thừa, thiếu tiền thuế TNCN thì không phải quyết toán thuế TNCN. Từ đó, phần lớn người nộp thuế chỉ quyết toán thuế TNCN khi có số thuế được hoàn hoặc khi có sự kiểm tra của cơ quan thuế. Do đó, nguy cơ thất thoát thuế với số lượng lớn là hoàn toàn có thể xảy ra.


ThS – LS Nguyễn Đức Nghĩa (Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP HCM)