Tuy nhiên, trên thực tế, các phí này dù giảm nhiều, kéo dài nhưng vẫn còn quá ít so với số tiền mà nhà đầu tư đã thua lỗ trên thị trường trong thời gian gân đây.

Không thu giá 6 dịch vụ

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tình hình sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 14 sửa đổi Thông tư 127 về việc giảm giá và không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán nhằm hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Thời gian áp dụng mức giảm giá và miễn thu tiền sử dụng dịch vụ là từ ngày 19-3 đến hết 31-8.

Thông tư 14 sửa đổi, bổ sung Thông tư 127 ban hành năm 2018 về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán nêu rõ là không thu đối với 6 dịch vụ thay vì thu 2-10 triệu đồng như trước, gồm: đăng ký niêm yết; đăng ký chứng khoán; kết nối trực tuyến lần đầu; dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VDC); đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh; đăng ký thành viên bù trừ.

Ngoài ra, 9 dịch vụ khác cũng được giảm giá 10%-50%. Trong đó, giảm 10% đối với 3 dịch vụ giao dịch trên thị trường cơ sở, thị trường phái sinh, lưu ký chứng khoán. Giảm 15%-20% đối với 2 dịch vụ quản lý vị thế, quản lý tài sản ký quỹ trên thị trường chứng khoán phái sinh. Giảm 30%-50% với 4 dịch vụ quản lý niêm yết chứng quyền có bảo đảm, thực hiện quyền, chuyển khoản chứng khoán, đấu giá, chào bán cạnh tranh.

Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán phải miễn, giảm giá ngay các dịch vụ do mình cung cấp để hỗ trợ thị trường, nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính chứng khoán, nhìn nhận Thông tư 14 đã góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư trong giai đoạn này. Có thể thời gian tới, khi các công ty chứng khoán triển khai, nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục được hỗ trợ. Tuy vậy, ông Khánh cũng thừa nhận chi phí hỗ trợ này thực tế vẫn chưa nhiều, trong khi nhiều nhà đầu tư hiện nay vẫn trông chờ thông tin khi nào dịch bệnh Covid 19 lắng xuống, cũng như những chính sách kích cầu kinh tế mạnh hơn. Chính vì vậy, việc giảm chi chí theo ông Khánh là chưa thay đổi đáng kể cục diện chung của thị trường.

Có thể thêm hỗ trợ

Trưởng nhóm môi giới một công ty chứng khoán nhận định việc Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho phép các doanh nghiệp, cổ đông nội bộ đăng ký mua cổ phiếu quỹ đã ảnh hưởng tốt đến tâm lý của nhà đầu tư. Thông tin này đã giúp tổng cộng lượng mua đến hơn 5.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, chị Trâm (quận 2, TP HCM), một nhà đầu tư đang bị “mắc kẹt” 1 tỉ đồng vốn mua cổ phiếu của 2 công ty bất động sản đang niêm yết trên sàn TP HCM, cho biết trước khi dịch bệnh Covid 19 xảy ra, chị đã lỗ hơn 60% vốn. “Nhà đầu tư chỉ mong thị trường sôi động, giá cổ phiếu tăng, chứ giảm giá và phí dịch vụ là không đáng bao nhiêu” – chị Trâm nói.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (Vafi), cho rằng việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 14 lúc này là hết sức cần thiết, lẽ ra nên sớm hơn bởi đây là thông tin tích cực nhất trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Hải, Bộ Tài chính còn có thể triển khai thêm một số giải pháp để giúp nhà đầu tư “hưng phấn” hơn, như xin phép Chỉnh phủ, Quốc hội cho triển khai sớm Luật Chứng khoán, thay vì có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, chủ yếu là ở quy định cho phép mở room cho nhà đầu tư nước ngoài. Bởi lẽ, vừa qua, do lo ngại, nhà đầu tư nước ngoài bán cổ phần nhiều nên cần có chính sách giữ chân họ.

Ngoài ra, giai đoạn này, Chính phủ có thể phát hành trái phiếu huy động vốn hoặc vay ngắn hạn các ngân hàng để triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn nhằm kích thích kinh tế. Đặc biệt, nhanh chóng đơn giản hóa các thủ tục liên quan để triển khai sớm hoạt động bán vốn, cũng như cổ phần hóa các tập đoàn.

Đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán ngày 20-3, VN-Index còn 709,73 điểm, giảm 16,21 điểm; ngược lại, HNX-Index tăng nhẹ 0,8 điểm, lên 101,79 điểm. Thanh khoản thị trường tiếp tục yếu, với tổng giá trị giao dịch cả 2 sàn chưa tới 3.000 tỉ đồng.


Phạm Đình