Đây là ý kiến được chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, đưa ra tại hội thảo Chứng khoán 2022: “La bàn giữa vùng biến động” do Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức ngày 25-3.

Theo đó, lạm phát đã hạ nhiệt, giảm từ 4,9% trong tháng 1 xuống còn 4,3% trong tháng 2-2023. Dự báo lạm phát tháng 3 sẽ tiếp tục giảm so với tháng 2. Nếu từ nay đến tháng 5, lạm phát vẫn tiếp tục được kiểm soát dưới 4,5%, đây sẽ là yếu tố thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ.

“Khi đó, xu hướng giảm lãi suất có thể thuận lợi hơn nữa. Một động thái tích cực hiện nay là Ngân hàng Nhà nước đang liên tục mua vào dự trữ ngoại hối, sau khi đã bán ra khoảng 27 tỉ USD trong giai đoạn cuối năm ngoái nhằm hỗ trợ tỉ giá USD/VNĐ. Nếu xu hướng sắp tới VNĐ tiếp tục ổn định, Ngân hàng Nhà nước tăng ngoại tệ dự trữ lên và bơm VNĐ ra sẽ là cơ hội đổi hướng chính sách tiền tệ sang bớt thắt chặt, dù chúng ta vẫn cần thận trọng” – ông Nguyễn Xuân Thành nhận xét.

Lãi suất huy động tiếp tục hạ nhiệt

Thực tế thời gian qua, lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng thương mại đã giảm đáng kể từ 1-1,5 điểm % trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, thanh khoản dồi dào và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm chỉ khoảng 0,77% so với mức tăng 2,65% của cùng kỳ năm ngoái.

Trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư tại hội thảo về khả năng giảm thêm lãi suất từ nay tới cuối năm, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng dù sẽ khó có xu hướng giảm mạnh nhưng lãi suất có thể giảm tối đa thêm 1 điểm %. Quan trọng đối với lãi suất là không chỉ giảm mà còn khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong khi đó, những rủi ro chính cho triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, theo các chuyên gia là lộ trình tăng lãi suất điều hành của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sau khi chính thức tăng 0,25 điểm %; đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc vừa tác động tích cực lẫn thách thức. Ở thị trường trong nước, rủi ro là áp lực lạm phát cùng với những khó khăn trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp chưa được xử lý triệt để.

Liên quan thị trường chứng khoán, ông Mattew Smith, CFA, Giám đốc nghiên cứu Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng chỉ số VN-Index đang giao dịch tương ứng với mức định giá P/E khoảng 9-10 lần, là mức thấp nhất trong khu vực châu Á. Chưa kể, kinh tế Việt Nam tiếp tục có những điểm sáng như: dòng vốn FDI vẫn chảy mạnh vào, hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang; điều kiện thanh khoản của hệ thống tài chính sẽ được nới lỏng hơn trong năm nay. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng liên tiếp trong quý IV/2022…

“Bối cảnh hiện tại cũng có nhiều rủi ro, biến động trên toàn cầu khi FED tiếp tục tăng lãi suất, kết thúc xu hướng tiền rẻ. Dù vậy, chỉ số VN-Index trong năm 2023 có thể đạt 1.300 điểm với nhiều nhóm ngành có tiềm năng như ngân hàng, năng lượng, tiêu dùng, công nghiệp, chứng khoán… Riêng mức đỉnh của VN-Index từng đạt được ở vùng 1.500 điểm là rất khó trong tình hình chính sách tiền tệ quốc tế có nhiều biến động và mục tiêu được nâng hạng thị trường mới nổi của Việt Nam trong năm 2023-2024 là không dễ” – ông Mattew Smith nhìn nhận.


Thái Phương. Ảnh: Bình An