Lãi suất cho vay bất động sản và nguy cơ vỡ nợ khi dùng đòn bẩy tài chính ‘quá liều’

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Sau nhiều tháng giảm sâu, lãi suất huy động đang có dấu hiệu tăng trở lại ở một số ngân hàng tư nhân lớn. Từ đầu tháng 3 đến nay, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 – 12 tháng ở một số ngân hàng quy mô nhỏ đã nhích nhẹ lên so với thời điểm cuối năm ngoái trong đó phần lớn các ngân hàng nhỏ có mức lãi suất hấp dẫn ở các kỳ hạn dài từ 18 – 36 tháng với mức trên 7%/năm.

Trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, một số ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi với khách hàng cá nhân từ 0,1 – 0,4% nhưng vẫn giữ nguyên lãi suất với khách hàng tổ chức. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được dự báo sẽ vẫn ổn định trong hai quý đầu năm và có thể nhích tăng từ cuối quý 2 khi nhu cầu tín dụng tăng.

Dẫn nguồn cafeland.vn nhận định về mặt bằng lãi suất trong thời gian tới, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc các ngân hàng tăng lãi suất trong thời gian gần đây chỉ là tình trạng riêng lẻ của một số ngân hàng, chưa phải là xu hướng chung. Việc tăng lãi suất có thể là do nhu cầu tín dụng tăng khi nền nền kinh tế đang đi vào giai đoạn phục hồi. Từ đó, nhu cầu tín dụng của một vài ngân hàng tăng. Các nhà băng không đủ vốn để cho vay thường tăng lãi suất để huy động được nguồn vốn một cách nhanh chóng.

Bên cạnh đó, nợ xấu của ngành ngân hàng vẫn luôn luôn là một vấn đề. Theo nguyên tắc thông thường, dòng tiền cho vay ra rồi sẽ quay lại với ngân hàng nhưng dòng tiền này thành nợ xấu, không quay trở lại thì các ngân hàng phải huy động vốn mới để bù đắp vào vốn cũ.

Yếu tố nữa cũng không loại trừ việc nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, đưa ra thông điệp sẵn sàng chấp nhận lạm phát có thể tăng. Chẳng hạn như ở Mỹ, lợi tức trái phiếu đã tăng khá mạnh thời gian qua cũng tác động đến thị trường tài chính, kinh tế toàn cầu và có thể tác động đến Việt Nam vì nền tài chính toàn cầu như một chiếc bình thông nhau, khó có quốc gia nào biệt lập với các thị trường khác.

Về ý kiến xoay quanh việc lãi suất cho vay thời gian tới cũng sẽ tăng, ông Hiếu nêu quan điểm, khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, tại thời điểm này, đây chưa phải là xu hướng chung. Việc tăng lãi suất hay không phụ thuộc rất nhiều vào tình hình lạm phát. Hiện tại lạm phát của Việt Nam vẫn đang trong vòng kiểm soát, nhưng nếu qua quý 2 và quý 3 năm nay lạm phát tăng thì lãi suất có khả năng sẽ tăng.

Dự báo lãi suất cho vay bất động sản thời gian tới

Trong trường hợp lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay bất động sản cũng sẽ tăng theo mặt bằng lãi suất chung. Tuy nhiên, biến động của lãi suất cho vay bất động sản sẽ phụ thuộc rất lớn vào lãi suất chung và lạm phát.

Khi lãi suất tăng sẽ có tác dụng làm chậm tín dụng cho bất động sản, không có lợi cho lĩnh vực bất động sản. Nếu lãi suất tăng, nhiều khả năng các doanh nghiệp bất động sản đang khó khăn sẽ gặp khó khăn nhiều hơn nữa.

Nhưng nhìn ở góc độ khác, lãi suất sẽ là van điều chỉnh lạm phát. Nếu lạm phát tăng thì việc lãi suất tăng sẽ làm chậm lượng tiền đổ vào trong lưu thông, từ đó giảm tiền trên các thị trường, giảm mức độ rủi ro cho nền kinh tế.

Đối với nhà đầu tư bất động sản, thời điểm này nếu dùng đòn bẩy tài chính phải rất cẩn thận vì những nhà kinh doanh sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao thì khả năng vỡ nợ rất lớn. Chính vì vậy, việc nhà đầu tư bỏ vốn vào những dự án của các chủ đầu tư uy tín là rất quan trọng. Hãy cẩn thận khi bỏ vốn vào những dự án có độ rủi ro cao.

Mặt khác khi vay tiền, yếu tố đầu tiên là phải xem khả năng trả nợ của mình như thế nào, kể cả khi nhà đầu tư rót tiền vào bất động sản hay đầu tư sản xuất kinh doanh cũng cần xem sử dụng dòng tiền một cách hiệu quả và có khả năng trả nợ.