Sau điều chỉnh, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng ở mức 3,1%/năm; kỳ hạn 6 và 12 tháng, lãi suất lên mức 4,8%/năm và 5,6%/năm. Lãi suất cao nhất 6,3%/năm dành cho khách gửi tại quầy với kỳ hạn 36 tháng.

Trước đó, từ đầu tháng 3, một số NH như Techcombank, VPBank cũng điều chỉnh tăng lãi suất đầu vào ở nhiều kỳ hạn. Tuy nhiên, đó chỉ là những trường hợp cá biệt, còn xu hướng chung của các NH thương mại vẫn là giảm lãi suất huy động, tiến tới giảm lãi suất cho vay. Như tại NH TMCP Kiên Long (KienlongBank), trong biểu lãi suất huy động mới, NH này tiếp tục giảm thêm lãi suất tiền gửi lên tới 0,3 điểm % so với hồi tháng 2. Cụ thể, khách gửi tiền kỳ hạn 3-5 tháng tại KienlongBank chỉ còn được hưởng mức lãi suất 3,7%/năm; các kỳ hạn từ 10-11 tháng còn 6,1%/năm… Không chỉ giảm ở kỳ hạn ngắn, KienlongBank cũng điều chỉnh hạ lãi suất gửi tiết kiệm dài kỳ hạn 60 tháng về 6,9%/năm thay vì 7,1%/năm trước đó.

Tương tự, trong biểu lãi suất mới nhất của NH TMCP Phương Đông (OCB), người gửi kỳ hạn 6 tháng chỉ được hưởng mức lãi suất 5,5%/năm, tăng 0,3 điểm % so với biểu lãi suất trước đó; kỳ hạn 15 tháng cũng chỉ còn 6,1%/năm… Hiện lãi suất tiền gửi cao nhất tại OCB là 6,4%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng lãi cuối kỳ tại quầy và cộng thêm 0,2 điểm % nếu chọn gửi qua kênh online.

Các chuyên gia nhìn nhận việc điều chỉnh lãi suất đầu vào tăng giảm đan xen ở các ngân hàng là diễn biến bình thường. Ảnh: TẤN THẠNH

Theo một số chuyên gia, việc điều chỉnh lãi suất đầu vào tăng giảm đan xen ở các NH là diễn biến bình thường tùy thuộc vào từng giai đoạn và từng nhu cầu vốn của mỗi NH.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phụ trách NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết NH Nhà nước vẫn đang yêu cầu các NH thương mại kiểm soát chi phí đầu vào để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Do đó, động thái tăng lãi suất đầu vào của một vài NH vừa qua không phải xu hướng chung của thị trường. Mặt bằng lãi suất huy động vốn trong 2 tháng đầu năm vẫn tương đương với thời điểm cuối năm ngoái.

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô mới đây, NH HSBC Việt Nam nhận định lạm phát của Việt Nam trong năm nay sẽ nằm ở mức trung bình 3%, dưới mức trần 4% theo mục tiêu NH Nhà nước đề ra, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như năm 2020 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, một số NH đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi. Như NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) vừa triển khai gói tín dụng ưu đãi lên tới 5.000 tỉ đồng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thêm lựa chọn tài chính khả thi, tái cơ cấu sản xuất và kinh doanh an toàn… Lãi suất sau khi giảm còn từ 6,2%/năm.


Linh Anh

Chia sẻ