Hệ thống giao thông đường bộ toàn vùng chỉ chiếm khoảng 10% cả nước. Hiện ĐBSCL có khoảng 67% loại đường xấu và rất xấu, 33% loại đường trung bình. Vì vậy nhiều năm liền, vùng trọng điểm nông nghiệp số 1 của cả nước phải gồng gánh khoảng 80% khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ tới các cảng ở TP HCM để xuất khẩu, làm phát sinh chi phí, giảm sức cạnh tranh. Dọc theo trục giao thông xương sống là Quốc lộ 1 nối “2 nút kép” TP HCM và Cần Thơ thường xuyên xuất hiện những nút thắt cổ chai gây bức xúc và cản trở các địa phương thu hút đầu tư phát triển.

Làm gì để vượt qua điểm nghẽn? Nguồn vốn nào, chương trình, dự án nào cần ưu tiên và triển khai như thế nào? Đó luôn là những câu hỏi lớn cần lời đáp thuyết phục. Trong bối cảnh đó, nội dung trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về việc “Thủ tướng đã đồng ý tăng thêm cho khu vực ĐBSCL khoảng 2 tỉ USD để phát triển hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới” được nhiều người quan tâm.

Theo thông tin từ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần phải khẳng định “2 tỉ USD đầu tư cho đồng bằng” sắp tới phải là nguồn “bổ sung thêm” từ vốn đầu tư công, không phải là sự “hỗ trợ” của trung ương mà chính là “trách nhiệm của trung ương” cần phải đầu tư để phát triển vùng dựa trên định hướng, tầm nhìn dài hạn đã được xác định rõ trong Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, đây không phải là nguồn lực duy nhất mà cần phải lồng ghép các nguồn vốn đầu tư công khác cũng như tạo lực thu hút vốn đầu tư xã hội. Cần dựa trên cơ chế điều phối liên kết vùng về giao thông, ưu tiên những dự án liên tỉnh, liên kết nội vùng và liên vùng, đặc biệt với TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cần phát huy hiệu quả hoạt động thực chất của hội đồng điều phối vùng để nguồn vốn không bị “rải mành mành” và chia cắt bởi ranh giới hành chính tỉnh. Có cơ chế kiểm soát để bảo đảm tính minh bạch.

Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, nối tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ. Ảnh: VÂN DƯƠNG

Bài học về các dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ hơn 10 năm qua như cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Bến Lức – Long Thành… vẫn còn nguyên giá trị. Xác định đúng nhu cầu bức xúc, nhận diện điểm nghẽn giao thông là quan trọng nhưng quyết tâm và giải pháp khả thi để tháo điểm nghẽn chính là mệnh lệnh phát triển. Phải tìm ra lời giải cho bài toán khó giao thông bằng huy động vốn đầu tư, xác định thứ tự ưu tiên, bảo đảm tiến độ thi công, chất lượng công trình và kết nối các phương thức giao thông. Đó cũng chính là việc khơi thông mạch máu phát triển đồng bằng cho giai đoạn mới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã hứa hẹn “cách làm mới” với cách tiếp cận theo từng vùng, chủ động bố trí vốn trung hạn, tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều phối vùng để tăng cường liên kết. Tư duy về “cách làm mới” cần được cụ thể hóa trong việc giải quyết “điểm nghẽn” phát triển hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL.

Theo đó, 5 năm tới, ưu tiên phát triển các trục giao thông xương sống theo tục dọc Bắc-Nam, tuyến ven biển, các trục ngang kết nối vùng, liên vùng, tạo ra hành lang kinh tế để mở rộng không gian phát triển; tạo quỹ đất mới để xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại, các khu công nghiệp, các khu dân cư xung quanh tạo thành một động lực phát triển mới. Bên cạnh đó, cần kết nối và phát huy hiệu quả các công trình trọng điểm mới và sắp hoàn thành và đang được triển khai đầu tư mới như cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, đầu tư mới nối tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu, tuyến đường ven biển Đông… Rõ ràng, nguồn lực 2 tỉ USD để giải cơn khát cho đồng bằng không phải là nguồn lực lớn.

Cách làm mới trong việc tiếp cận tổng thể, xác định ưu tiên cụ thể với yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ chế huy động nguồn lực, khuyến khích sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, người dân vào phát triển hạ tầng, kết hợp phát triển du lịch theo cơ chế vay vốn, phát hành trái phiếu, đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP)… nhưng phải đúng quy định pháp luật.

Về phía địa phương, cần chủ động đặt mục tiêu cao hơn để trên cơ sở đó tính toán, tận dụng tất cả cơ hội, giải pháp để phát triển nhanh.

Với tư duy mới trong phát triển vùng, yêu cầu kết nối nội vùng và liên vùng, chủ động bố trí vốn ngân sách và tạo ra cơ chế, hành lang pháp lý thông thoáng để ngành, địa phương chủ động huy động vốn đầu tư, cánh cửa giao thông “đi trước mở đường” phát triển đang được kỳ vọng. Vấn đề còn lại là cách làm, thực thi và phối hợp hiệu quả. 


Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

Chia sẻ