Đây là công trình nằm trong dự án đầu tư xây dựng hầm Đèo Cả, bao gồm: hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân 2 với tổng vốn đầu tư 26.154 tỉ đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 5.048 tỉ đồng.

Hạng mục hầm Hải Vân 2 thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả có chiều dài 6,2 km (chiều dài tuyến là 12,4 km bao gồm cả đường dẫn) là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á; cũng là công trình khó khăn bậc nhất về mặt kỹ thuật và giải pháp công nghệ. Hầm Hải Vân 2 được Tập đoàn Đèo Cả đề xuất đầu tư, triển khai sau khi thực hiện một loạt công trình hầm qua đèo Cổ Mã, đèo Cả, đèo Cù Mông. Đây là một công trình kỷ lục, khẳng định năng lực của Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện một dự án mang tầm quốc tế.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành cắt băng khánh thành hầm Hải Vân 2

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, trong dịp cao điểm Tết nguyên đán 2021, Tập đoàn Đèo Cả sẽ tổ chức cho các phương tiện lưu thông qua 2 ống hầm trong 20 ngày, từ ngày 1 đến hết 21-2. Sau thời gian trên, hầm Hải Vân 2 sẽ tạm dừng vận hành do khó khăn về cơ chế tài chính của dự án. Riêng hầm Hải Vân 1 vẫn hoạt động bình thường.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh hầm Hải Vân 2 hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh tại khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung cũng như cả nước, phát triển hành lang Đông Tây kết nối với các nước trong khu vực.

Để công trình khai thác sử dụng an toàn, chất lượng và hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải cần tập trung chỉ đạo, phối hợp với các địa phương cùng Tập đoàn Đèo Cả tổ chức quản lý khai thác vận hành bảo trì công trình, bảo đảm an toàn, vận hành thông suốt. Các bộ, ngành liên quan xem xét tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, trong đó có doanh nghiệp tham gia đầu tư công trình hạ tầng giao thông và công trình hầm Hải Vân 2. 


Tin-ảnh: V.Duẩn

Chia sẻ