Phát biểu khai mạc chương trình, tiến sĩ – nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, kể lại câu chuyện cây cà phê được cho là phát hiện ở Ethiopia (châu Phi) từ khoảng năm 850. Thông qua các cuộc giao tranh, di dân và giao thương, cà phê sang Ả Rập, Trung Đông rồi đến châu Âu và các châu lục, quốc gia khác, trở nên phổ biến toàn cầu. Từ khi có mặt và được thừa nhận, cà phê đã chiếm trọn trái tim hàng triệu triệu người, bất kể giới tính, nghề nghiệp, độ tuổi, quốc tịch… Loại thức uống này được ví như hương vị cuộc sống, đem lại năng lượng tích cực của con người và là nguồn cảm hứng sáng tạo của văn hóa – nghệ thuật.

Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, phát biểu khai mạc chương trình “Tôn vinh cà phê Việt”

Tại Việt Nam, theo các nhà nghiên cứu, cà phê Arabica du nhập khoảng giữa thế kỷ XIX. Đến đầu thế kỷ XX, người Pháp đưa cà phê Robusta sang Việt Nam trồng. Tính đến nay, người Việt đã biết đến và thưởng thức cà phê được hơn 160 năm.

Trải qua khoảng thời gian dài như thế, cây cà phê – hạt cà phê – ly cà phê đã khẳng định chỗ đứng vững chãi tại quốc gia hình chữ S này. Bây giờ, quán cà phê, chuỗi cà phê mọc lên khắp nơi với nhiều phong cách khác nhau, từ thành thị tới nông thôn với cung cách phục vụ và thưởng thức đa dạng, mang đậm đặc trưng từng vùng miền và từng thương hiệu doanh nghiệp… 

Về mặt kinh tế, cà phê cho thấy là ngành sinh lợi lớn. Cà phê còn hòa vào dòng chảy văn hóa một cách tự nhiên, dễ thấy là đi vào âm nhạc với khá nhiều ca khúc được công chúng yêu thích như “Ly cà phê Ban Mê”, “Sài Gòn cà phê sữa đá”, “Cà phê một mình”…

Bên cạnh đó, những cái tên như “đen đá”, “nâu nóng”… đã dần tạo nên nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực, định hình một làn sóng cà phê Việt mà thế giới đã biết đến và ngưỡng mộ. Có thể thấy, loại thức uống này đã khai mở một dòng văn hóa cho riêng mình.

Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân tặng hoa và biểu trưng cho các nhà tài trợ

Trong nhiều năm qua, cà phê luôn là cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, hiện đứng thứ 2 cả nước về diện tích với 710.000 ha. Ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê.

Gần đây, dù kinh tế thế giới có nhiều thời điểm gặp khó khăn dẫn đến sức mua sụt giảm nhưng Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cà phê ở mức đáng khích lệ – đạt 8,2%/năm với kim ngạch bình quân 3,13 tỉ USD/năm giai đoạn 2011-2018, chiếm 15% tổng xuất khẩu nông sản cả nước. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục – đạt hơn 4 tỉ USD, tăng 32% so với năm 2021, chủ yếu đến từ lợi thế về giá trong bối cảnh thế giới thiếu hụt nguồn cung cà phê.

Để kết nối những người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê với nhau và chung tay nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cũng như kiến tạo vị thế quốc tế cho ngành cà phê nước ta, Báo Người Lao Động khởi xướng và tổ chức thực hiện Chương trình “Tôn vinh cà phê Việt” lần 1 – năm 2023.

Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, tặng hoa cho các nhà đồng hành

“Chúng ta đã và luôn mang trong mình lòng tự hào dân tộc, trong đó hàm chứa niềm đam mê, yêu quý dành cho những hạt cà phê Việt. Tôi tin rằng chương trình “Tôn vinh cà phê Việt” lần I – năm 2023 do Báo Người Lao Động tổ chức sẽ tạo một bệ phóng để nâng cao vị thế của cà phê Việt trên bản đồ cà phê thế giới. Cũng từ đây, chúng ta hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều yếu tố thuận lợi khác làm gia tăng giá trị cho ngành cà phê nước nhà” – ông Tô Đình Tuân bày tỏ.

Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Báo Người Lao Động với một số đơn vị:

Ông Trần Ngọc Tâm – Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) – cùng đại diện Báo Người Lao Động – ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập – đã ký kết đồng hành Giải “Mai Vàng”, chương trình “Mai Vàng tri ân” và chương trình “Tôn vinh cà phê Việt”.

Ông Tô Đình Tuân đại diện Báo Người Lao Động đã ký kết với ông Nguyễn Đức Minh Giao, Chủ tịch HĐQT Gigamall Việt Nam về đồng hành chương trình “Tôn vinh cà phê Việt” và một số chương trình xã hội do Báo Người Lao Động tổ chức.

Bên cạnh đó, ông Bùi Thiện Phương Đông – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TRACODI, thành viên Tập đoàn Bamboo Capital – cùng ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cũng ký kết đồng hành chương trình “Tôn vinh cà phê Việt” và một số chương trình xã hội do Báo Người Lao Động tổ chức.

Ngoài ra, tại sự kiện này, Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM, cùng đại diện Báo Người Lao Động là ông Lê Cao Cường – Ủy viên Ban Biên tập, Tổng Thư ký Toà soạn – đã ký kết đồng hành một số hoạt động của báo.


Thanh Nhân. Ảnh: Tấn Thạnh