Ngày 20-11, tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TP HCM và các tỉnh Đông Bắc diễn ra ở Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ đánh giá cao sáng kiến của TP HCM trong việc hình thành chuỗi liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương. Qua sơ kết việc liên kết giữa TP với các tỉnh ĐBSCL cho thấy hiệu quả rõ rệt và Chính phủ mong muốn tiếp tục có sự phối hợp, liên kết trong thời gian tới.

“Chìa khóa vàng” mở lại thị trường

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá đây là hội nghị quan trọng nhằm tăng cường liên kết giữa TP với các tỉnh Đông Bắc nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng; thúc đẩy hơn nữa hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch… Liên kết đã được khẳng định là một trong những “chìa khóa” giúp ngành du lịch “như chiếc lò xo bị nén bật lên mạnh mẽ” trong trạng thái bình thường mới. Liên kết phát triển du lịch được xem là một trong những giải pháp cốt lõi để từng bước phục hồi ngành.

Trong 10 tháng đầu năm 2020, tổng số du khách quốc tế đến TP HCM chỉ đạt 1,3 triệu lượt, giảm 81% và tổng số khách du lịch (cả khách nội địa và quốc tế) đến 8 tỉnh Đông Bắc chỉ đạt 14,6 triệu lượt, giảm 36% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đã có hơn 1.500 doanh nghiệp (DN) lữ hành của TP và gần 200 DN lữ hành của các tỉnh Đông Bắc bị tác động, phần lớn bị sụt giảm số lượng khách, doanh thu; nhiều DN phải chuyển sang loại hình kinh doanh khác hoặc đóng cửa.

TP HCM và các tỉnh Đông Bắc ký liên kết phát triển du lịch Ảnh: LAM GIANG

Thời gian qua, nhằm giảm bớt tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch, TP HCM đã chủ động nâng tầm liên kết phát triển du lịch lên cấp địa phương, trong đó có 8 tỉnh vùng Đông Bắc. Từ đó, hình thành một chuỗi các hoạt động liên kết phát triển du lịch từ Bắc tới Nam, tạo nên một khối sức mạnh tổng thể, từng bước đưa ngành du lịch nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tại tỉnh Quảng Ninh, số liệu ước tính đến 15-11, ngành du lịch tỉnh này đã đón 8,3 triệu lượt khách nội địa và khoảng 535.000 lượt khách quốc tế (chủ yếu trong quý I/2020). Địa phương này đang triển khai các giải pháp để sớm khôi phục hoạt động du lịch, thu hút thêm nhiều du khách.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, nhận định TP HCM là đầu tàu, phối hợp cùng Quảng Ninh trong hoạt động liên kết, phát triển du lịch. Đây cũng là lần đầu tiên hoạt động liên kết giữa các vùng, địa phương trên cả nước có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, thành, với sự đồng hành của Chính phủ được kỳ vọng đem lại hiệu quả tích cực, liên kết thực chất hơn.

“Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng lãnh đạo tỉnh cũng xem đây là cơ hội để nhìn lại những giải pháp phát triển du lịch bền vững, trong đó có liên kết du lịch, cơ cấu lại thị trường, sản phẩm… Mục tiêu đón 10 triệu lượt khách đến Quảng Ninh trong năm nay có thể đạt được khi lãnh đạo tỉnh xác định ưu tiên thu hút, kích cầu du lịch nội địa. Hiện các DN trên địa bàn đã thiết lập nhiều tour, tuyến du lịch mới và sản phẩm du lịch có mức giá ưu đãi nhằm tạo sức cạnh tranh, thu hút khách trong nước” – ông Nguyễn Xuân Ký nói.

Thêm nhiều sản phẩm mới

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nặng nề, tàn phá ngành du lịch và làm suy yếu nguồn lực của tất cả DN, bà Trần Nguyện, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Sun World – Sun Group, cho rằng dù có môi trường du lịch hấp dẫn, sản phẩm, dịch vụ tốt…, cũng chưa đủ tạo nên sức mạnh đột phá giúp hồi sinh thị trường du lịch. “Do đó, liên kết và làm sao để thắt chặt liên kết lúc này càng trở nên cấp thiết nhằm tạo bàn đạp cho du lịch vượt bão. Sau thời gian làm mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và liên kết với DN và các địa phương đã mang đến những tín hiệu lạc quan cho hoạt động kinh doanh của DN” – bà Trần Nguyện nói.

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), đánh giá du lịch vùng Đông Bắc còn nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển trên cơ sở liên kết với ngành du lịch TP. Hội nghị liên kết này là một cơ hội, giải pháp nhằm đẩy mạnh kết nối du lịch giữa TP và các tỉnh Đông Bắc, góp phần kích cầu du lịch nội địa, hỗ trợ ngành du lịch phục hồi sau dịch Covid-19. Saigontourist Group đã phối hợp cùng ngành du lịch Đông Bắc phát triển nhiều sản phẩm du lịch hiện có, xây dựng mới sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt, phù hợp với từng phân khúc thị trường khách và theo xu hướng du lịch của thế giới. Điều này sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường thu hút số lượng du khách, thời gian lưu trú và mức độ chi tiêu của du khách. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng mở tour du lịch mới nhằm phát huy lợi thế về du lịch Đông Bắc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan gian hàng du lịch của các địa phương vùng Đông Bắc

Trong khuôn khổ chương trình liên kết do Sở Du lịch TP HCM tổ chức, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đã cùng đoàn DN du lịch TP khảo sát điểm đến, dịch vụ của các tỉnh Đông Bắc; xây dựng 2 tuyến du lịch mẫu liên kết với các địa phương…

Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC, Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, nhận định việc các tỉnh Đông Bắc liên kết với trung tâm du lịch lớn như TP HCM sẽ góp phần nâng cao năng lực, sản phẩm du lịch. Tuy vậy, cần có giải pháp để kết nối cả thị trường truyền thống và phát triển những thị trường mới, phân khúc du lịch mới. Đồng thời, quan tâm đến việc quy hoạch du lịch, quy hoạch các điểm đến nhằm tạo sản phẩm mới, hướng tới kết nối về hạ tầng giao thông, kêu gọi thêm nhiều DN lớn đầu tư vào hạ tầng du lịch… “Với vai trò dẫn dắt, chủ động kết nối du lịch với các vùng miền, TP HCM có thể thiết lập bộ máy đủ tầm để liên kết với nhiều địa phương trên cả nước. Từ đó tạo ra những liên minh kích cầu đủ mạnh để triển khai hoạt động hợp tác du lịch đạt hiệu quả cao nhất” – bà Hương Trần Kiều Dung nói.

Kết nối vào bản đồ số du lịch an toàn

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định dù thời gian qua đã hình hành các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước nhưng vẫn thiếu cơ chế, cách thức vận hành sao cho hiệu quả, thiếu sự phối hợp với nhau. Trong khi đó, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên càng cần sự phối hợp giữa các vùng để tận dụng được thế mạnh, bổ trợ cho nhau.

Do đó, sáng kiến của TP HCM trong hình thành liên kết hợp tác, phát triển du lịch với các vùng từ ĐBSCL, Đông Nam Bộ, đến các tỉnh Tây Bắc mở rộng và 8 tỉnh Đông Bắc được Chính phủ đánh giá cao. Dù vậy, muốn phát triển du lịch bền vững, khai thác tốt tiềm năng không chỉ cần tiền mà cần cả sự hiểu biết để nỗ lực khắc phục những việc đã làm ảnh hưởng đến thiên nhiên, di sản trong thời gian qua…

Một điểm khác biệt ở những sự kiện, hội nghị liên kết, kích cầu du lịch gần đây là có cả sự tham gia của Bộ Y tế. Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và ít nhất còn kéo dài 1 năm nữa, cần phải bảo đảm yêu cầu hàng đầu là an toàn. Các bộ ngành, cơ quan liên quan phải triển khai mọi giải pháp tạo an tâm cho du khách, bao gồm cả việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối vào bản đồ số du lịch an toàn. “Qua công tác phòng dịch Covid-19 vừa qua, mới thấy hiện cả nước có tới 80.000 cơ sở dịch vụ, lưu trú có phục vụ khách du lịch, bên cạnh hệ thống khách sạn. Và cũng lần đầu tiên cả nước có cơ sở dữ liệu về những đơn vị này để yêu cầu thực hiện nghiêm du lịch an toàn. Tất cả những cơ sở này đều phải tuân thủ quy định về an toàn phòng chống dịch bệnh” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.

Các khu di tích, điểm dịch vụ nơi du khách tới mua sắm, ăn uống, đi lại… đều cần kết nối vào bản đồ số du lịch an toàn, trước mắt là những địa phương có ngành du lịch phát triển tốt như TP HCM, Quảng Ninh. 

Sớm số hóa sản phẩm du lịch

Công nghệ là một trong những yếu tố được lưu ý trong quá trình khôi phục ngành du lịch, song hành với phòng chống dịch. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, dù còn nhiều việc phải làm nhưng cần bắt đầu để đưa công nghệ đến gần hơn với du khách qua thiết bị di động. Làm sao để du khách chỉ cần một điện thoại thông minh là có thể tìm hiểu mọi thông tin về sản phẩm, tour, tuyến. Cần số hóa mọi tài nguyên từ những công trình kiến trúc đến một cổ vật trong bảo tàng…, để khách không cần cầm vé mà chỉ cần đưa điện thoại là có thể khám phá, trải nghiệm.

“Sắp tới khi mở cửa đón khách quốc tế trở lại, cũng có thể ứng dụng công nghệ để thuyết minh bằng ngoại ngữ của du khách nước đó, cũng là lời giải cho bài toán thiếu hướng dẫn viên quốc tế. Đây là những điều ngành du lịch cần làm để đón đầu, tận dụng lợi thế khi điều kiện cho phép đón khách quốc tế trở lại” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.


THÁI PHƯƠNG – TRỌNG ĐỨC

Chia sẻ