Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công Việt Nam, nhìn nhận khi dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp trên thế giới mới thấy được vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ.

Trông chờ chính sách

Bởi vậy, bản dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ cần sớm nhận được đồng thuận từ các bộ, ngành để tạo hướng ra cho doanh nghiệp (DN).

“Chúng ta đang đi tắt đón đầu, tức làm nhiều hơn ở đoạn cuối của dây chuyền mà yếu ở khâu đầu là chế tạo nguyên liệu và linh kiện, dẫn đến phụ thuộc nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi dịch Covid-19 xảy ra, các nhà sản xuất dừng hoạt động, DN lắp ráp rơi vào tình cảnh thiếu linh kiện, dù chỉ thiếu một linh kiện rất nhỏ thôi cũng khiến toàn bộ hoạt động bị ảnh hưởng. Bởi vậy, càng sớm đưa ra được chính sách cho ngành công nghiệp hỗ trợ càng tốt” – ông Lê Ngọc Đức nói.

Ông Đức cho hay Bộ Công Thương thời gian qua đã khảo sát, làm việc trực tiếp với DN trong ngành ôtô và ghi nhận những vấn đề rất trúng và đúng. Tuy vậy, tiến độ hoàn thiện và ban hành nghị định cần được đẩy nhanh hơn nữa. “Chúng tôi rất hiểu có nhiều nội dung cần đưa ra Quốc hội quyết định, ví dụ như ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện sản xuất trong nước. Chúng tôi kỳ vọng nhà nước sớm trả lời về những ưu đãi để DN có thể yên tâm đầu tư, sản xuất và tiếp tục nuôi lại kỳ vọng về ngành công nghiệp ôtô sau “biến cố” dịch Covid-19″ – ông Đức chia sẻ.

Lắp ráp ôtô tại Công ty Ford Việt Nam Ảnh: TẤN THẠNH

Cũng theo các DN ôtô, vấn đề quan trọng hàng đầu đối với ngành này là dung lượng thị trường. Bởi trong bối cảnh dung lượng thị trường tại Việt Nam còn nhỏ, tổng quy mô cả xe du lịch và xe thương mại khoảng 400.000 xe/năm thì khó có thể đẩy mạnh và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Chính vì vậy, một DN ôtô đã kiến nghị Chính phủ nội dung liên quan đến điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 125/2017/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu như sau: Trường hợp DN có vốn điều lệ từ 3.000 tỉ đồng trở lên, tham gia góp vốn hoặc mua cổ phần trên 35% của công ty sản xuất, lắp ráp ôtô và đến ngày cuối cùng của kỳ xét ưu đãi, một trong số các công ty nhận vốn góp đạt điều kiện ưu đãi của chương trình ưu đãi thuế thì các công ty còn lại ở cả hai bên không cần đáp ứng điều kiện về sản lượng trong cùng kỳ xét ưu đãi của chương trình nếu các xe sản xuất, lắp ráp cùng nhóm đạt điều kiện hưởng ưu đãi.

“Mục đích kiến nghị trên là để mở rộng đầu tư, tăng quy mô sản xuất và kêu gọi các đối tác mới hợp tác đầu tư và phát triển sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam nhằm tăng sản lượng, bảo đảm điều kiện cần thiết để từng bước nâng cao tỉ lệ nội địa hóa. Muốn làm ngành ôtô cần gom DN lại theo hướng sáp nhập, không một quốc gia nào làm được ngành công nghiệp ôtô với hàng chục hãng xe riêng lẻ, manh mún và thị trường bị xé lẻ” – đại diện DN này giải thích.

Đừng chần chừ giảm thuế

Đi cùng với dung lượng thị trường là câu chuyện giá xe sản xuất trong nước chưa cạnh tranh so với xe nhập khẩu. Mấu chốt nằm một phần ở gánh nặng thuế, phí bên cạnh giá thành sản xuất chưa thể giảm. Bối cảnh dịch Covid-19 càng khiến cho gánh nặng này nặng nề thêm. Tuy vậy, mong muốn giảm thuế, phí đối với ngành ôtô không chắc có thể thành sự thật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã đưa ra đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước. Về lâu dài, bộ này kiến nghị Chính phủ “xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ôtô nội”. Dự thảo cũng đề xuất miễn, giảm một nửa thuế suất GTGT (hiện nay là 10%) cho các hàng hóa dịch vụ gặp khó khăn, hàng hóa nguyên vật liệu để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất của các DN…

Tuy nhiên, động thái phản đối vấp phải phản ứng của Bộ Tài chính với nhiều lý do đã khiến DN cũng như người tiêu dùng tỏ ra ngán ngẩm.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều DN ôtô cho rằng tuy thuế GTGT là gián thu, tức người tiêu dùng phải trả nhưng nếu được cắt giảm loại thuế này sẽ có lợi cho người tiêu dùng, từ đó DN tiêu thụ được nhiều sản phẩm. Tương tự, cắt giảm thuế bảo vệ môi trường cũng kích thích khách hàng mua sắm nhiều hơn. Theo ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam, sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước hiện vẫn còn khó khăn do chi phí khá cao. Nếu được ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện cũng như các loại thuế, phí khác sẽ giúp thị trường ôtô phát triển tốt hơn. Khi đó, giá xe sẽ hợp lý hơn, kích thích người mua nhiều hơn. Tương tự, ông Phạm Ngọc Thân, Tổng Giám đốc Công ty CP Bến Thành Ôtô, giải thích thêm về việc giá xe trong nước quá cao là do các loại thuế, phí chiếm gần 50% giá trị xe. Nếu được cắt giảm các loại thuế, phí này sẽ giúp thị trường ôtô trong nước phát triển mạnh mẽ.

Ông Đoàn Hiếu Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Ôtô Regal, nhận xét nếu các loại thuế, phí trên được cắt giảm sẽ làm giảm đáng kể giá bán xe. Tuy nhiên, các loại thuế, phí khác nếu có cắt giảm cũng không đáng bao nhiêu, chỉ phí trước bạ là có giá trị. Chẳng hạn phí trước bạ là 12%, nếu được cắt một nửa sẽ góp phần kéo giảm giá xe đáng kể.

Tuy vậy, Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm chỉ giảm, giãn các loại phí, thuế liên quan đến ngành ôtô bởi đây là giải pháp quan trọng để hỗ trợ DN giảm chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc. Trong đó, không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị gia tăng nội địa của ôtô sản xuất trong nước; bổ sung ưu đãi mức cao nhất về thuế thu nhập DN cho dự án sản xuất, lắp ráp ôtô. 

Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam nhận định thị trường ôtô thời điểm này đang sụt giảm quá lớn, nếu được cắt giảm các loại thuế, phí cũng chỉ tác động được phần nào chứ khó vực dậy thị trường ngay, mà cần phải có thời gian cũng như nhiều giải pháp đồng bộ khác.


Phương Nhung – Nguyễn Hải

Chia sẻ