Lượng hàng này là rất ít so với cùng thời điểm hằng năm nhưng sức tiêu thụ vẫn chậm. Các thương nhân tại chợ hoa sỉ này cho biết do vẫn còn dư âm hoa tươi khan hiếm vì dịch Covid-19 nên hiện giá bán nhiều mặt hàng vẫn ở mức cao.

Theo ông Lý Phú Quí, Giám đốc HTX Dịch vụ Đầm Sen, diễn biến dịch Covid-19 tại Hà Nội và một số tỉnh, thành đang phức tạp nên chưa thể dự đoán được gì về thị trường hoa Tết. “Giờ đã là rằm tháng chạp nhưng tình hình vẫn yên ắng. Mọi năm vào thời điểm này, thương lái Hà Nội đã đến Lâm Đồng mua lay ơn, lily… nhưng nay chưa thấy. Nhà vườn đang lo thị trường phía Bắc không “ăn” hàng sẽ đổ dồn về TP HCM, tình trạng dư thừa, giảm giá mạnh lại xảy ra trong những ngày cao điểm Tết” – ông Quí thông tin.

Ông Quí cho rằng do đã quen với phương thức mua bán qua Zalo, sàn thương mại điện tử… nên nhiều cửa hàng/điểm bán hoa tươi tại TP HCM không còn trực tiếp đến chợ sỉ chọn mua hàng mà đặt qua điện thoại, tiểu thương sẽ giao tận nơi. Đối với hoa cao cấp và hoa nhập, thường các shop liên hệ đặt hàng trực tiếp với đầu mối nhập khẩu, phân phối chứ không thông qua chợ. Tương tự, hoa bán đi tỉnh cũng giao dịch qua hình thức online là chủ yếu.

“Trong mấy tháng dịch bùng phát, chúng tôi giới thiệu cho mối mua hàng ở tỉnh làm việc trực tiếp với nhà vườn ở Lâm Đồng. Đến giờ, họ đã hình thành mạng lưới mua bán riêng và không thông qua chợ đầu mối tại TP HCM nữa” – một thương nhân tại chợ hoa Đầm Sen phản ánh và cho biết những người bán hoa tại TP HCM đã thất thu một khoản không nhỏ từ việc “mất mối” này.

Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích trồng hoa các loại phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022 của TP Đà Lạt là gần 750 ha, chỉ bằng 70% so với những năm trước. Ngoài mối lo thị trường tiêu thụ xáo trộn do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhà vườn trồng hoa tại Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung còn lo ngại hoa tươi từ Trung Quốc tràn sang chiếm lĩnh thị trường Hà Nội và một số tỉnh, thành. Để chủ động ứng phó, nhiều nhà vườn, doanh nghiệp trồng hoa tại Đà Lạt đã chuyển một phần diện tích sang trồng dạng chậu thay vì bán cắt cành số lượng lớn; xử lý kỹ thuật để chia nhỏ đợt nở hoa của lan hồ điệp, địa lan… nhằm tránh hoa nở ồ ạt, phải bán tháo.

Công nhân Dalat Hasfarm thu hoạch hoa chậu để cung cấp cho thị trường dịp Tết

Dalat Hasfarm là một trong số ít doanh nghiệp có doanh thu, sản lượng hoa tươi tiêu thụ tăng trong năm 2021. Do đó, công ty này mạnh dạn tăng sản lượng hoa phục vụ thị trường Tết lên 20% so với ngày thường. Ngoài sản lượng chủ lực tại các trang trại ở Lâm Đồng, Dalat Hasfarm còn nhập khẩu số lượng lớn hoa từ Hà Lan, Malaysia… để cung cấp cho thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Thế Đông, Giám đốc kênh bán lẻ và thương mại điện tử Dalat Hasfarm, cho biết Tết này, công ty chuẩn bị 10 triệu cành hoa và 1,6 triệu chậu hoa các loại. Trong đó, công ty độc quyền đưa ra thị trường hàng chục ngàn chậu hoa tulip Hà Lan chất lượng cao. Từ giữa tháng 1 này, công ty sẽ vận chuyển hoa đến Hà Nội, TP HCM và các tỉnh, thành.

“Ngoài bán hoa trên website của công ty, các cửa hàng của doanh nghiệp và đối tác còn đẩy mạnh bán hàng trên các fanpage. Năm nay, công ty còn bán hàng trên Grab và Now. Người mua có thể lựa chọn hoa cắt cành hay hoa chậu trên các ứng dụng này, với giá dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/chậu hoặc một thùng gồm nhiều chậu” – ông Đông nói.

Theo ông Đông, việc bán hàng qua các ứng dụng nêu trên rất tiện lợi. Hoa được giao trong vòng 30 phút đến 2 giờ, tùy khoảng cách, giúp khách hàng có thêm lựa chọn và giảm tình trạng chen lấn khi mua hoa Tết.


Bài và ảnh: Phương An

Chia sẻ