Đến nay, Việt Nam đang thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước và khu vực. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2023 được nhận định tiếp tục đối diện nhiều thách thức, các FTA, nhất là FTA thế hệ mới, là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) Việt mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tăng trưởng mạnh nhờ các FTA

Mới đây, đánh giá kết quả thực thi các FTA, Bộ Công Thương cho biết xuất khẩu hàng hóa năm 2022 của Việt Nam đạt gần 372 tỉ USD. Thành tích xuất khẩu này có sự đóng góp tích cực của 15 FTA đang có hiệu lực, trong đó có loạt FTA thế hệ mới với khu vực thị trường EU, Vương quốc Anh, CPTPP, RCEP…

Sản phẩm gạo Lộc Trời được vận chuyển để xuất khẩu sang EU .Ảnh: AN NA

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA đều đạt mức tăng trưởng trên 20%, thậm chí một số thị trường trên 30% – cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Nhiều mặt hàng nông nghiệp có giá trị gia tăng cao như rau quả tươi, rau củ quả chế biến, gạo, thủy sản đã khai thác tốt cơ hội tại các thị trường có FTA.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận xét nếu không có những thị trường thuộc các FTA thế hệ mới, cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 khó có thể xuất siêu, thậm chí còn nhập siêu. Chẳng hạn, nhờ thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), xuất khẩu sang EU năm 2022 đạt 47,5 tỉ USD, tăng hơn 20% so với năm trước; xuất siêu sang khối thị trường này ước đạt 31,8 tỉ USD, tăng 36,8% so với năm trước. Cũng nhờ tận dụng Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), xuất khẩu của Việt Nam sang Anh năm 2022 tăng trên 45% so với năm 2021, xuất siêu hơn 5 tỉ USD.

Nhiều DN xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam đã thu hàng ngàn tỉ đồng từ các thị trường mà nước ta có FTA. Đơn cử, tập đoàn PAN ước thu khoảng 7.000 tỉ đồng từ xuất khẩu, trong đó 90% là xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.

Đại diện PAN cho biết các FTA thế hệ mới với ưu đãi thuế quan và các điều khoản khác đã tạo thuận lợi lớn cho DN trong việc gia tăng xuất khẩu nhiều loại nông sản, thủy sản chế biến vào các thị trường này. Ngoài ra, do nhiều FTA cùng thực thi nên DN có nhiều lựa chọn “đánh” mạnh vào thị trường nào có lợi nhất. “CPTPP đã giúp chúng tôi mở rộng và tăng tốc xuất khẩu sang Canada, Úc” – đại diện PAN nêu.

Tập đoàn Lộc Trời cho biết nhờ EVFTA, năm 2022, đơn vị này đã xuất khẩu thành công 24.000 tấn gạo sang EU – cao gấp nhiều lần thời điểm chưa có EVFTA. Năm 2018, chỉ có 2.000 tấn gạo được tập đoàn này xuất khẩu sang EU.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, cho hay cuối năm 2022 đầu năm 2023, công ty đã xuất khẩu hàng chục container cà phê, hạt tiêu, hoa hồi, quế, hạt điều… sang 10 quốc gia ở châu Âu, Mỹ, Trung Đông… Trong đó, một số thị trường Việt Nam đã ký FTA. Nhờ FTA, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam được miễn hoặc giảm thuế đáng kể, gia tăng lợi thế cạnh tranh so với hàng hóa các nước khác.

“Riêng với Phúc Sinh, EVFTA đã góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của công ty vào thị trường này. Doanh số bán hàng vào EU của công ty năm 2020 đạt khoảng 50 triệu USD, đến năm 2021 lên 63 triệu USD (tăng 26%) và tiếp tục tăng khoảng 30% trong năm 2022. Công ty cũng được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) trong việc mua hạt tiêu của Indonesia với thuế suất 0% để bán lại cho các khách hàng châu Âu và Mỹ” – ông Phan Minh Thông dẫn chứng.

Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (G.C Food – chuyên xuất khẩu sản phẩm chế biến từ nha đam và thạch dừa), năm 2023, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu xuất khẩu 30% so với năm 2022. Đến nay, khoảng 40% sản lượng sản xuất dự kiến năm 2023 của G.C Food đã có hợp đồng tiêu thụ.

“Hai thị trường chính của GC Food là Hàn Quốc và Nhật Bản. Tại đây, nha đam và thạch dừa có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn sản phẩm Thái Lan nhờ các FTA mà Việt Nam đã ký với Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi Thái Lan chưa có. Tại 2 thị trường này, sản phẩm nha đam, thạch dừa Việt Nam chỉ mới chiếm 10% thị phần nên dư địa tăng trưởng còn cao, cơ hội để tận dụng FTA còn lớn” – ông Nguyễn Văn Thứ phân tích. Theo ông, DN cũng đang mở rộng khai thác các thị trường EU, Trung Quốc (Việt Nam đã có FTA) và cả với Trung Đông để đẩy mạnh doanh thu.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Bộ Công Thương đánh giá dù giá trị xuất khẩu sang các thị trường có FTA mới như EU, Anh, Canada, Mexico tăng trưởng tốt nhưng tỉ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chưa cao, tỉ lệ tận dụng các FTA còn rất thấp. Cụ thể, tỉ lệ tận dụng ưu đãi trong EVFTA mới đạt 20%, UKVFTA là hơn 22% và CPTPP mới chỉ 6%. Bởi lẽ, vẫn còn nhiều rào cản khiến DN Việt khó tận dụng ưu đãi từ các FTA.

Kết quả khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) năm 2022 cho thấy hơn 46% số DN được hỏi cho biết gặp trở ngại về năng lực cạnh tranh. Hơn 40% DN thiếu thông tin cụ thể về các cam kết và cách thức áp dụng FTA; gần 47% DN lo ngại các yếu tố biến động của thị trường.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương, nhận định năm 2023, những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như EU đã có động thái thay đổi chính sách thương mại theo chiều hướng khắt khe hơn. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Từ những dự báo đó, ông Vũ Bá Phú cho biết năm 2023, cục sẽ tập trung hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và DN thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại đối với những thị trường trọng điểm, đặc biệt là khai thác thị trường, khu vực đang có FTA với Việt Nam. Cùng với đó, khơi thông những thị trường mới, thị trường tiềm năng mà DN chưa trực tiếp triển khai hoạt động xúc tiến thương mại được, như: châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ.

Để tiếp tục phát huy vai trò của các FTA thế hệ mới trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ chủ động tham mưu với Chính phủ xây dựng chiến lược mới về hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng pháp luật và thể chế hóa kịp thời các chủ trương mới của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với đó, Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và hệ thống thương vụ Việt Nam ở ngoài nước tiếp tục tăng cường theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới và khu vực; chủ động đánh giá tác động đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời thông tin, dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới.

Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục chú trọng công tác phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của DN trong nước, duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng trong thương mại quốc tế. Chú trọng việc hội nhập ở cấp độ địa phương, cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường thế giới. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-1

Đã đến lúc sản xuất lớn

Ông Võ Quan Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và DN nông nghiệp Việt Nam, đánh giá những năm qua, thị trường cho nông sản Việt đã được đàm phán mở cửa rất tốt nên cửa mở rất rộng. Nông sản Việt Nam được ưu đãi thuế quan do các FTA mang lại rất lớn, danh mục các sản phẩm được xuất khẩu vào những thị trường này kéo dài. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo nhất hiện nay là khâu sản xuất nông nghiệp.

“Ví dụ, với mặt hàng chuối, số lượng nhà đóng gói được Trung Quốc cấp mã số vùng trồng hiện nay có công suất chưa đủ để xử lý hết chuối được trồng. Tương tự, với mặt hàng sầu riêng, số lượng vùng trồng và nhà đóng gói có mã số được xuất khẩu sang Trung Quốc còn thấp so với nhu cầu xuất nhập khẩu của hai bên. Tôi cho rằng đã đến lúc Việt Nam phải áp dụng tiêu chuẩn về vùng trồng, cơ sở đóng gói các loại nông sản chủ lực theo tiêu chuẩn tương tự các nước nhập khẩu yêu cầu hiện nay thì mới có đủ nguyên liệu đạt chuẩn cho tăng trưởng xuất khẩu nông sản thời gian tới” – ông nhìn nhận.

Theo ông Võ Quan Huy, đã đến lúc nông dân cần có sự liên kết để sản xuất lớn thì mới đứng vững. Bởi lẽ, có sản xuất lớn thì mới có sản lượng lớn, chất lượng đồng đều theo yêu cầu của thị trường.

Trong khi đó, tại Hội nghị đánh giá 2 năm thực thi EVFTA hồi tháng 11-2022, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Kinh doanh xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời, cho biết DN xuất khẩu nông sản Việt Nam bán hàng vào châu Âu phải vượt qua các rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng, bao gồm quy định về kiểm dịch, thú y, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trên sản phẩm. Vì vậy, DN muốn xuất khẩu gạo vào EU phải có chuỗi sản xuất bền vững từ giống, phân bón, thuốc, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…


THANH NHÂN – MINH CHIẾN – NGỌC ÁNH