Trên chặng đường hình thành và phát triển, Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) là trường hợp hiếm hoi của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam có chuỗi tăng trưởng bền vững và không ngừng nghỉ, ngay cả trong giai đoạn khó khăn.

Những cuộc “thử lửa”

Tại Báo cáo thường niên năm 2020, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT HDBank, cho biết ngân hàng vừa có một thập kỷ phát triển rực rỡ nhất trong 30 năm hình thành và phát triển. Tổng tài sản tăng hơn 9 lần, vốn chủ sở hữu tăng hơn 10 lần trong 10 năm qua (2010-2020), tỉ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) luôn đạt trên 20%. HDBank hiện nằm trong nhóm 8 NHTM lớn nhất Việt Nam. “Năm 2020, HDBank đã đi qua đại dịch một cách đầy bản lĩnh, khẳng định năng lực của một ngân hàng lớn, vững mạnh, linh hoạt ứng phó trong mọi hoàn cảnh khó khăn, với kết quả lợi nhuận hợp nhất trước thuế cao nhất từ trước tới nay” – bà Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ.

Dấu mốc của HDBank ngày hôm nay là thành quả của chặng đường hơn 30 năm nỗ lực kể từ khi thành lập. Là một trong những NHTM cổ phần đầu tiên của cả nước, được thành lập từ năm 1989 với định hướng ban đầu phát triển nhà ở và chỉnh trang đô thị, góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh văn minh – hiện đại, vốn điều lệ chỉ 3 tỉ đồng.

HDBank đã lần lượt trải qua những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế và hoạt động ngành. Đó là ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Tại Việt Nam, trong hệ thống NHTM, cuộc thử lửa khắc nghiệt nhất chỉ thực sự thể hiện vài năm sau đó, giai đoạn 2010-2011. Khi đó, lạm phát và lãi suất leo thang, thanh khoản hệ thống bấp bênh và nhiều NHTM đứng bên bờ vực đổ vỡ… Ngay tại thời điểm ấy, cả hệ thống bước vào công cuộc tái cơ cấu với nhiều thành viên được nhận diện là yếu kém. Thậm chí đến giờ, có những đổ vỡ, hệ lụy sau gần cả chục năm vẫn còn “di chứng”.

Trong cuộc thử lửa này, HDBank không những không bị cuốn vào vòng xoáy rủi ro và khó khăn mà còn ghi đậm dấu ấn nổi bật trên thị trường. Năm 2013, HDBank bất ngờ liên tiếp thực hiện 2 thương vụ lớn: sáp nhập Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) và lần đầu tiên một ngân hàng Việt mua lại 100% vốn Công ty SGVF (Société Générale – thuộc một tập đoàn tài chính Pháp), tiền thân của HD SAISON hiện nay. Khi hầu hết thành viên trong hệ thống suy giảm lợi nhuận và tổng tài sản hoặc chững lại đà tăng trưởng ở giai đoạn nóng bỏng 2011-2014, HDBank trở thành trường hợp duy nhất bứt phá mạnh mẽ, không ngừng tăng trưởng cho đến nay.

Mười năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, quy mô tổng tài sản của HDBank đã tăng tới 22 lần; hay giai đoạn 2013-2018 sau 2 thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) lịch sử, HDBank đã đạt tăng trưởng kép lợi nhuận ròng ở mức 67,1%; hệ số thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) cũng tăng trưởng bình quân gần 50%. Và đến thời điểm 31-12-2020, tổng tài sản hợp nhất đạt 319.127 tỉ đồng…

Trước khi đưa cổ phiếu chính thức niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) vào tháng 1-2018, HDBank cũng đã ghi dấu ấn bằng thương vụ phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) lớn thứ hai trong lịch sử ngân hàng Việt khi bán 21,5% vốn cho 76 nhà đầu tư nước ngoài, thu về 300 triệu USD.

Một trong những giá trị cốt lõi của HDBank là luôn lấy khách hàng làm trọng tâm… (Ảnh do HDBank cung cấp)

Tầm nhìn của những nhân tố quyết định

Chính trong giai đoạn nóng bỏng, căng thẳng nhất của hệ thống ngân hàng, năm 2012, HDBank nhận được nguồn lực vô cùng quan trọng từ cổ đông mới. Đây chính là dấu mốc góp phần tạo nền tảng cho sự khác biệt và bứt phá. Với thị trường, HDBank được chú ý ở sự xuất hiện của những nữ tướng nổi tiếng, những lãnh đạo có tầm nhìn sâu và xa để kiến tạo chiến lược và bước chuyển mình mạnh mẽ của ngân hàng này trong giai đoạn mới. Đó là nhờ sự lèo lái của bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank – nhân vật nổi tiếng và giàu kinh nghiệm trên thị trường tài chính Việt Nam trong cả một quá trình đất nước mở cửa và đổi mới.

Dấu mốc trong chặng đường 30 năm lịch sử HDBank còn được gắn với nữ tướng Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, đồng thời là Tổng Giám đốc Hãng Hàng không Vietjet. Nữ tỉ phú đô-la tự thân đầu tiên của khu vực Đông Nam Á từng được biết đến ở vai trò tham gia sáng lập những NHTM từ nhiều năm trước, như VIB và Techcombank. Tại HDBank, bà Nguyễn Thị Phương Thảo chỉ mới thực sự xuất hiện trước công chúng, gắn với bước chuyển mình mạnh mẽ của HDBank cùng loạt thương vụ lớn.

Trong cuộc thử lửa của toàn hệ thống, HDBank có nguồn lực mới và cổ đông mới, tạo nên giá trị quan trọng. Giá trị hơn nữa là tầm nhìn và chiến lược. Giai đoạn đó, trong lúc nhiều NHTM khác phải gồng mình chống đỡ thanh khoản, xử lý những rủi ro và hạn chế những hướng đầu tư mới thì với thương vụ mua lại SGVF, nhanh chóng liên kết với đối tác Nhật Bản, HDBank đã tạo một hướng đi mới, nắm bắt cơ hội và lợi thế nguồn lực để đi trước ở phân khúc tài chính tiêu dùng, thông qua HD SAISON.

Sự góp mặt của cổ đông mới, liên kết mới đã giúp HDBank tạo nên một hệ sinh thái rộng lớn và riêng có. Với nền tảng khách hàng rộng lớn với hơn 30 triệu khách hàng cá nhân, tạo nguồn tài nguyên không một HD SAISON nào tại Việt Nam có được.

Số hóa mạnh mẽ, hội nhập sâu

Năm 2020, HDBank ghi dấu ấn năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2020-2025 với việc hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.818 tỉ đồng, tăng 15,9% và hoàn thành 102,8% kế hoạch năm 2020. Tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và ROA đạt lần lượt 20,6% và 1,7% và số hóa mạnh mẽ trong các hoạt động.

HDBank đã tăng vốn điều lệ từ 9.810 tỉ đồng lên hơn 16.088 tỉ đồng thông qua chia cổ tức và cổ phiếu thưởng với tổng tỉ lệ 65%, mức cao nhất toàn ngành. Đây cũng là một trong số ngân hàng đầu tiên hoàn thành sớm cả 3 trụ cột quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel II. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s tiếp tục dành cho HDBank mức xếp hạng B1 với triển vọng ổn định. Xác định chuyển đổi số là chiến lược phát triển trọng tâm, HDBank đã và đang xây dựng, củng cố vững chắc các nền tảng và cập nhật tối ưu công nghệ mới. Theo đó, số hóa xuyên suốt quy trình là một trong những động lực thúc đẩy doanh thu, tối ưu hóa chi phí trên phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm. Đây cũng là cơ sở, bệ phóng để ngân hàng hướng đến thực thi các mục tiêu cao, tầm nhìn xa trong chặng đường sắp tới.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ 2021 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2021-2025, một năm đầy bận rộn của cả hệ thống HDBank. Kế hoạch hoạt động năm nay tiếp tục cao hơn về các chỉ số nhưng đồ sộ hơn nhiều bởi những chương trình, dự án đổi mới về chiến lược kinh doanh, nhân sự, chuyển đổi số, liên kết phát triển… Kết thúc quý I/2021, HDBank giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ với lợi nhuận trước thuế khả quan, vượt 2.100 tỉ đồng, tăng hơn 68% so với cùng kỳ. 

Quả ngọt từ chuyển đổi số

Số hóa đã đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy kết quả kinh doanh của HDBank và góp sức nâng cao vị thế cũng như năng lực cạnh tranh của ngân hàng.

Tiêu biểu là ngân hàng số HDBank Happy Digital Bank với ứng dụng “Di HDBank”, đã giúp khách hàng thực hiện các giao dịch tài chính mọi lúc mọi nơi. HDBank triển khai xác thực thông tin khách hàng trực tuyến (eKYC); và là HD SAISON Việt Nam tiên phong phát hành, cung cấp dịch vụ thanh toán, bảo lãnh tín dụng thư (L/C) trên nền tảng công nghệ block-chain; triển khai tự động hóa các quy trình bằng robot với công nghệ RPA – Robotic Process Automation…


THÁI PHƯƠNG

Chia sẻ