Sau khi đợt dịch bệnh thứ hai được kiểm soát tại Việt Nam, lượng khách đi máy bay tăng trưởng mạnh. Chỉ tính riêng tại sân bay quốc tế Nội Bài (TP Hà Nội), từ đầu tháng 9-2020 đến nay, lượng hành khách qua cảng tăng trưởng 15-25% hàng tuần, trung bình tuần đầu tháng 10-2020 khoảng 300 lượt chuyến/ngày với bình quân 42 ngàn khách. 

Ghi nhận của các hãng hàng không cũng cho thấy lượng khách nội địa tăng nhanh, sản lượng hành khách tháng 9-2020 đã tương đương tháng 9-2019. Vietnam Airlines cho biết trong tuần đầu tháng 10, số lượng chuyến bay và số hành khách của hãng đã tăng 30%-35% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của các hãng đều cho thấy doanh thu sụt giảm, kể cả trong gian đoạn đông khách. Trước đó, vào tháng 7-2020, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tại Việt Nam, số lượng chuyến bay, sản lượng khách nội địa cao hơn cùng kỳ năm 2019, nhưng tổng doanh thu của các hãng hàng không sụt giảm. Theo thông tin từ Vietnam Airlines, kể cả giai đoạn cao nhất trong tháng 7, khi lượng hành khách vượt rất nhiều, tổng doanh thu hành khách nội địa vẫn chỉ đạt khoảng gần 90% so cùng kỳ. 

Nguyên nhân vì các hãng nội địa đều thừa máy bay, đều đua giảm giá, thực hiện rất nhiều chương trình kích cầu du lịch, giá của các hãng hàng không đều giảm mạnh. “Tương tự, trong tháng 9, nếu xét tổng khách đã đạt 61% so với năm 2019, nhưng nếu xét về doanh thu của toàn bộ thị trường thì chỉ đạt 41% so với năm 2019”- ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines, cho biết.

Theo dự báo của Hãng hàng không quốc gia, từ nay đến cuối năm, dự báo lượng hành khách sẽ bay tương đương cùng kỳ năm trước, thậm chí tháng 12, nếu như Việt Nam không có các đợt dịch bệnh mới, lượng khách sẽ cao hơn so với cùng kỳ, nhưng doanh thu chỉ ở mức khoảng 70-75% so với năm 2019.

Lượng khách đi máy bay đang tăng mạnh – Ảnh: Khách làm thủ tục hàng không tại sân bay Nội Bài đầu táng 10-2020 – Ảnh: Dương Ngọc

Theo đánh giá của Hiệp hội vận tải hàng không Quốc tế (IATA) hầu như toàn bộ các hãng hàng không trên thế giới trong giai đoạn vừa qua đều thua lỗ. Nguyên nhân là do với chi phí và doanh thu trung bình như hiện tại, dự kiến các hãng hàng không phải có hệ số lấp đầy chuyến bay trên 80% mới bắt đầu hoà vốn. Tuy nhiên, hiện hệ số sử dụng ghế của tất cả các hãng ở thời điểm hiện tại đều ở mức rất thấp, trung bình nội địa chỉ khoảng 60%, quốc tế 50%.

Một cuộc khảo sát của IATA thực hiện cuối tháng 6 đưa ra dự báo từ nay đến hết năm 2021, các hãng tiếp tục thâm hụt về tiền, trong năm 2020 các hãng lỗ 84 tỉ USD, năm 2021 lỗ 16 tỉ USD. Các hãng có thể cầm cự đến tháng 2-2021 là cạn tài sản (hết cả tiền và tài sản có thể bán), chỉ còn một số ít hãng có thể tiếp tục tồn tại.

Tuy nhiên, các hãng hàng không Việt vẫn đang dốc sức đẩy mạnh các hoạt động khai thác ở thị trường nội địa với mục tiêu tạo việc làm cho người lao động, có dòng tiền để duy trì hoạt động, kích cầu du lịch, bảo đảm giao thương.

Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông thương hiệu Vietnam Airlines, cho biết trong tháng 6, 7-2020, Vietnam Airlines đã lập “kỷ lục” khi khai trương tới 22 đường bay mới. Các đường bay mới này sau đó đã được tạm dừng khi diễn ra đợt dịch Covid-19 thứ 2, hiện Vietnam Airlines đang mở lại 11 đường bay và sẽ nghiên cứu mở lại các đường bay còn lại khi điều kiện thị trường cho phép. Vietjet ngay từ giữa tháng 6 đã khai trương đồng loạt 8 đường bay mới. Còn Bamboo Airways ngay khi dịch bệnh đợt 2 được kiểm soát đã khai trương 3 đường bay mới kết nối Hà Nội, Vinh, Hải Phòng đến Côn Đảo…

Các hãng hàng không cũng đã có nhiều hoạt động khác để tăng doanh thu, bao gồm cả các chuyến bay hồi hương, bay chở hàng hoá. Từ tháng 3-2020 đến nay, Vietnam Airlines đã thực hiện 101 chuyến bay hồi hương, chở 29,2 ngàn người Việt về nước, thực hiện 64 chuyến bay chở chuyên gia chở 10,6 ngàn lượt khách. Đến nay, Vietnam Airlines đã thực hiện 2,66 ngàn chuyến bay chở hàng hoá, doanh thu 1.924 tỉ đồng. Vietjet bên cạnh mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa đã bắt đầu tự phục vụ mặt đất tại cảng hàng không Nội Bài để chủ động trong hoạt động khai thác, tăng chi phí phụ trợ tại sân bay…

Bay quốc tế vẫn khó đến cuối năm

Ở thời điểm tháng 6, 7, chúng ta đã kỳ vọng đến khoảng tháng 8, 9 có thể khai thác được thị trường quốc tế. Hiện hàng không Việt Nam đã xây dựng kế hoạch bay thương mại quốc tế đến 6 thị trường. Tuy nhiên, sau 2 chuyến bay thí điểm, hoạt động bay thương mại quốc tế đã tạm dừng để chờ bộ quy định quy trình cách ly thống nhất đối với hành khách.

“Do các yêu cầu về cơ sở cách ly, quy trình và điều kiện cách ly… nên đến thời điểm hiện tại, các chuyến bay quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi dự báo từ nay đến cuối năm, bức tranh này cũng không thay đổi nhiều” – ông Nguyễn Quang Trung dự báo.


Bài – ảnh: Dương Ngọc

Chia sẻ