Hạ lãi suất liệu có ảnh hưởng tới lợi nhuận của các ngân hàng?

Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất khá mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp thời dịch Covid-19

Hàng chục ngân hàng đã công bố giảm lãi suất với các gói tín dụng hấp dẫn, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nặng nề. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ có tác động trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và biên lãi ròng (NIM).

Hàng loạt ngân hàng công bố giảm lãi suất

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ trực tuyến tháng 3/2020, Thống đốc NHNN cho biết, trong ngày 31/3, NHNN đã họp với 20 tổ chức tín dụng (chiếm khoảng 75% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế), tất cả các tổ chức này đều đồng thuận rất cao là giảm tối thiểu 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch.

Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và NHNN trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, từ đầu tháng 4 tới nay, hàng loạt ngân hàng thương mại đã chính thức nhập cuộc.

Theo đó, khối 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước cũng đã chính thức công bố các gói tín dụng với mức lãi suất giảm tới 2,5%/năm. Chẳng hạn như Agribank dành 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chương trình được áp dụng cho các khoản vay giải ngân từ ngày 1/4/2020 đến thời điểm sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng 100.000 tỷ đồng. VietinBank thông báo tiếp tục giảm 2% lãi suất cho vay, đưa ra chương trình tín dụng 60.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng. Cụ thể, từ 1/4/2020 VietinBank tiếp tục triển khai chương trình tín dụng lãi suất thấp có quy mô 60 nghìn tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm đến 2%/năm so với các chương trình tín dụng đã từng triển khai trước thời điểm có dịch. BIDV công bố giảm đến 2%/năm lãi suất cho vay áp dụng cho cả vay thế chấp lẫn tín chấp.

Cùng với đó, khối các ngân hàng thương mại tư nhân cũng nhanh chóng nhập cuộc, thậm chí còn chủ động đưa ra các gói lãi suất hấp dẫn để hỗ trợ khách hàng bước qua khó khăn mùa dịch Covid-19.

Chẳng hạn như tại SHB, ngân hàng này đã triển khai gói tín dụng quy mô 25.000 tỷ đồng với nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay, phí dịch vụ ngân hàng, đặc biệt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường. Đồng thời, SHB cũng miễn hoặc giảm lãi suất, phí cho các khoản vay cũ, lãi suất ưu đãi tối thiểu 2% cho các khách hàng hiện hữu của SHB gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.

Đáng chú ý, trong đợt giảm lãi suất này, HDBank đã chủ động đưa ra các gói hỗ trợ dành cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trên tinh thần “chung tay chia sẻ – vững bền vượt qua” trước những ảnh hưởng phức tạp của dịch bệnh, HDBank triển khai gói giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2% – 4,5% cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong cả nước.

Trước đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 và ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, HDBank đã vào cuộc ngay với 10 tỷ đồng đóng góp thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tặng 1.000 giường y tế, tương đương 3 tỷ đồng cho Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh.

Giảm lãi suất sẽ tác động tới NIM các ngân hàng

Xu hướng giảm lãi suất là khá rõ nét và nhiều chuyên gia dự báo có khả năng sẽ tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới nếu dịch bệnh còn kéo dài. Về mặt lý thuyết, khi lãi suất cho vay giảm, thì sẽ tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, từ đó làm tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, lý thuyết trên chỉ hợp lý trong bối cảnh bình thường, còn trong bối cảnh dịch bệnh đang tác động lớn tới hoạt động của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân thì còn phải chờ số liệu thực tiễn.

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mặc dù đã có nhiều ưu đãi về lãi suất như vậy, tăng trưởng tín dụng toàn ngành 3 tháng đầu năm vẫn ở mức khá thấp, chỉ khoảng 0,68%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 1,9%, cho thấy cầu tín dụng yếu đi do các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Còn với các chính sách hạ lãi suất, dự kiến lãi suất cho vay bình quân của nhiều ngân hàng sẽ có sự giảm sút; đồng thời, nhiều ngân hàng còn giảm thêm lãi suất huy động. Dù được NHNN bù cho lãi suất đầu vào khi đã giảm lãi suất điều hành, nhưng lợi nhuận ròng của nhiều ngân hàng có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Về tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM), VDSC dự báo, NIM sẽ giữ nguyên hoặc giảm nhẹ ở hầu hết các ngân hàng. Nhiều khả năng ảnh hưởng lên NIM ở các ngân hàng quốc doanh sẽ mạnh hơn so với các ngân hàng tư nhân do tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) cao làm hạn chế dư địa giảm chi phí huy động. “Chúng tôi vẫn kỳ vọng một số ngân hàng sẽ có khả năng tăng nhẹ NIM như HDB và MBB (nhờ tài chính tiêu dùng tăng trưởng nhanh hơn ngân hàng mẹ) và TCB (do giảm chi phí huy động và tăng trưởng tín dụng năm 2019 phản ánh đầy đủ vào thu nhập lãi năm 2020)” – các chuyên gia của VDSC cho hay.

Các chuyên gia của VDSC còn cho biết thêm, không loại trừ khả năng NHNN sẽ tiếp tục đề ra các chính sách nhằm giảm lãi suất cho vay sâu hơn nữa. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch có thể có phạm vi lớn, các gói hỗ trợ tín dụng có thể không phải chỉ dành cho các doanh nghiệp chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch mà có thể còn mở rộng ra những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng gián tiếp, hoặc toàn nền kinh tế. Như vậy, trong trường hợp đó, các ảnh hưởng của dịch lên NIM của các ngân hàng có thể sẽ mạnh hơn dự kiến.

Trước đó, bà Thái Thị Việt Trinh – Chuyên viên phân tích vĩ mô Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng cho rằng, về tổng thể, mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới. Bà Việt Trinh đưa ra 2 cơ sở chính cho nhận định này là: do tác động của

Covid-19, nhu cầu tín dụng các doanh nghiệp có sự sụt giảm mạnh, trong khi thanh khoản hệ thống ở trạng thái dồi dào; chi phí huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng giảm, kết hợp với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ.

Ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cũng chia sẻ: “Chúng tôi dự đoán lạm phát năm nay có thể tiệm cận mức trần Quốc hội giao là 4%, do đó dư địa để NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành không còn nhiều. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy trong tình hình hiện tại rất khó để các ngân hàng thúc đẩy cho vay vì nhu cầu tín dụng trong giai đoạn hiện nay khá thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19”.

Xu hướng giảm lãi suất là khá rõ nét và nhiều chuyên gia dự báo có khả năng sẽ tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới nếu dịch bệnh còn kéo dài. Về mặt lý thuyết, khi lãi suất cho vay giảm, thì sẽ tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, từ đó làm tăng trưởng tín dụng.

Theo Thời báo Tài chính