Gom cổ phiếu quá tay, Chủ tịch VPBank ‘xơi’ án phạt

”.

Ngày 30/3/2020, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ký ban hành Quyết định số 94/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Ngô Chí Dũng, có địa chỉ thường trú tại phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

Theo đó, Chủ tịch VPBank bị phạt 22.500.000 đồng do đã có hành vi vi phạm hành chính: Giao dịch không đúng thời gian đã đăng ký.

Ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) đăng ký giao dịch mua 8.000.000 cổ phiếu VPB từ ngày 21/11/2018 đến ngày 20/12/2018; tuy nhiên thực tế ông Ngô Chí Dũng đã mua 1.119.000 cổ phiếu VPB vào ngày 21/12/2018.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa bị UBCKNN phạt do “giao dịch không đúng thời gian đã đăng ký”.

Trong khoảng thời gian này, giá cổ phiếu VPB giao dịch ổn định quanh vùng 20.500-22.500 đồng/CP. Như vậy, ước tính tổng giá trị cổ phiếu mà ông Dũng đã mua là hơn 196 tỉ đồng, trong đó giá trị chứng khoán mua ngoài thời gian đăng kí là hơn 24 tỉ đồng.

Tính đến cuối năm 2019, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng sở hữu hơn 121,6 triệu cổ phiếu VPB, chiếm tỷ lệ 4,81% vốn điều lệ ngân hàng.

Trong khi đó, từ ngày 21/11-20/12, mẹ ông Dũng là bà Vũ Thị Quyên cũng mua vào thành công 13 triệu cổ phiếu VPB bằng giao dịch khớp lệnh trên sàn. Giá trị giao dịch khoảng 280 tỉ đồng. Sau giao dịch, bà Quyên sở hữu hơn 120,7 triệu cổ phiếu VPB, tương đương với 4,771% vốn điều lệ ngân hàng.

Ngoài ra, bà Hoàng Anh Minh (vợ ông Dũng) nắm giữ hơn 125 triệu cổ phiếu VPB. Như vậy, tổng sở hữu của 3 cá nhân này lên tới 367,3 triệu cổ phiếu VPB, chiếm tới 14,5% vốn điều lệ của ngân hàng này.

Sau động thái mua “đỡ giá” của lãnh đạo và người nhà, giá cổ phiếu VPB vẫn tiếp tục giảm sâu xuống mức đáy. Sự lao dốc của cổ phiếu VPB đã phản ánh tâm lý của nhà đầu tư lo ngại về mảng tín dụng tiêu dùng từ công ty FE Credit chững lại sau thời gian tăng “nóng”, làm giảm bớt nguồn thu nhập đáng kể.

Cùng với đó nợ xấu của VPBank tăng mạnh lên tới 7.765 tỉ đồng vào cuối năm 2018 và 8.796 tỉ đồng vào cuối năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu chiếm tới 3,49% và 3,42%, cao nhất ngành ngân hàng. Trong đó, nợ xấu có nguy cơ mất vốn là hơn 2.038 tỉ đồng. Ngân hàng đã tất toán toàn bộ dư nợ trái phiếu VAMC trị giá hơn 3.100 tỉ còn lại trong năm 2019.

Dù vậy, trong 2 năm 2018-2019, ngân hàng vẫn ghi nhận số lợi nhuận sau thuế “khủng”, lần lượt tới 7.355 tỉ đồng và 8.260 tỉ đồng.

Cũng trong hai năm này, cổ phiếu VPB liên tục biến động tăng giảm rất mạnh, giao dịch với khối lượng khủng và quay lại mức đỉnh 29.200 đồng/CP vào tháng 2/2020 trước khi rơi thẳng đứng vì dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam.

Đáng chú ý, thời điểm tháng 11/2019, VPBank công bố kế hoạch phát hành 31 triệu cổ phiếu ưu đãi cho lãnh đạo, cán bộ nhân viên, với giá 10.000 đồng/CP, chỉ bằng một nửa thị giá cổ phiếu trên sàn.

Trong đó, ban điều hành VPBank, các thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng đã đăng ký mua vào gần 17 triệu cổ phiếu ESOP này. Riêng ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc của VPBank đã đăng ký mua hơn 15,4 triệu cổ phiếu VPB đợt này, để nâng sở hữu lên hơn 31,4 triệu cổ phần, chiếm tỉ lệ sở hữu 1,24% vốn ngân hàng.

Sau các đợt phát hành chia cổ tức, thưởng cổ phiếu liên tiếp để tăng vốn điều lệ, khối lượng cổ phiếu lưu hành của VPBank rất lớn tới gần 2,53 tỉ cổ phiếu, làm “loãng” giá trị cổ phiếu. Thêm nữa phương án phát hành thêm cổ phiếu ESOP được đưa ra thay thế cho phương án bán cổ phiếu quỹ “mua đắt, bán rẻ” cho nhân viên, đã vấp phải sự phản ứng của cổ đông trước sự hoài nghi tiền ngân hàng đang “chảy” vào túi cá nhân nội bộ thông qua con đường ESOP.

Trong thời gian tới, lượng cổ phiếu ESOP giá rẻ này sẽ lại được “xả” dần trên sàn để thu về hàng trăm tỉ đồng theo các đợt sóng lớn trên sàn chứng khoán.

Theo Tài Chính Doanh Nghiệp