Chiều 6-8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì hội nghị kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021 theo hình thức trực tuyến.

Kiến nghị khơi thông các chợ đầu mối

Tại điểm cầu Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết theo báo cáo của Tổ công tác tiền phương cũng như các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội ở phía Nam, lượng hàng hóa nông sản, thủy sản, thực phẩm cần được hỗ trợ tiêu thụ là rất lớn.

Trong đó có 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau củ quả, 4 triệu tấn trái cây các loại, hơn 120.000 tấn hải sản. Ngoài ra, các mặt hàng heo hơi, thịt gà đang gặp khó trong tiêu thụ. Trị giá hàng hóa ước tính lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng.

Thu hoạch thanh long chính vụ tại Bình Thuận .Ảnh: HỢP PHỐ

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh, chi phí sản xuất đầu vào tiếp tục tăng, tài chính của HTX, người nông dân cũng ở mức rất hạn chế. Đặc biệt, 80% lượng nông sản, thực phẩm của HTX, tổ hợp tác (THT) hiện nay tiêu thụ thông qua thương lái phân phối nên bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, các chợ đầu mối hiện chiếm hơn 70% hàng hóa nông sản, thực phẩm từ các HTX, THT, sau đó mới phân phối đi các nơi. Do vậy, việc dừng hoạt động các chợ đầu mối để phòng chống dịch đã gây khó khăn cho khâu tiêu thụ.

“Chúng tôi kiến nghị các địa phương cần có giải pháp rà soát, bảo đảm phòng chống dịch để khơi thông các chợ đầu mối. Bên cạnh đó, ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động, thành viên HTX sản xuất nông sản thiết yếu. Giảm chi phí xét nghiệm Covid-19 đối với lái xe, phụ xe, người lao động của HTX, THT. Ngoài ra, tạo điều kiện để các HTX tiếp cận với các gói hỗ trợ của Chính phủ” – ông Bảo nhấn mạnh.

Gỡ khó về vận chuyển hàng xuất khẩu

Tại TP HCM, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T (TP HCM) chuyên xuất khẩu trái cây tươi, cho biết hiện có tình trạng các hãng tàu ưu tiên vận chuyển hàng khô, hạn chế hàng lạnh do rủi ro cao nên DN gặp khó khăn về vận chuyển.

Trước đây, mỗi tháng, DN được hãng tàu cấp khoảng 100 container rỗng để đóng hàng thì nay chỉ còn 30-40 container nên sản lượng xuất khẩu sẽ bị giảm mạnh.

“Các DN rau quả kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, cụ thể là Cục Hàng hải làm việc với các hãng tàu để có thể tăng container lạnh xuất khẩu. Ngoài ra, cần có chính sách giảm giá điện cho các DN bảo quản nông sản, thủy sản để giúp DN thu mua được nhiều nông sản cho nông dân” – ông Tùng kiến nghị.

Một điều đáng lo nhất là hiện tiêu thụ trái cây đang gặp khó nên có hiện tượng người dân bỏ bê vườn, không chăm sóc sẽ ảnh hưởng nhiều đến nguyên liệu trong các tháng cuối năm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo 6 tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả có thể giảm đến 30% do tình trạng cây trồng không được chăm sóc, thiếu vật tư, tâm lý người trồng không tốt nên thiếu sản phẩm chất lượng cao cho xuất khẩu.

Chinh phục thị trường nội địa

Để gỡ khó cho tiêu thụ hàng hóa nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa với gần 100 triệu dân. Đây là thị trường quan trọng, cần coi việc phát triển thị trường trong nước là nhiệm vụ trọng tâm, từ đó định hướng sản xuất, tiêu thụ cho các địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh cần khuyến khích, có chính sách hỗ trợ chế biến nông sản, thực phẩm để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, tạo ra thương hiệu mạnh, vừa phục vụ thị trường trong nước, vừa tăng cường xuất khẩu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối, chú trọng phát triển các kênh phân phối hiện đại, sàn thương mại điện tử để hỗ trợ tiêu thụ trong tình hình dịch bệnh phức tạp.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề nghị ứng dụng công nghệ thông tin, xúc tiến thương mại trên nền tảng số để xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường nước ngoài. “Trong quá trình thực hiện mục tiêu xuất khẩu, từng bước mở rộng thị trường để không lệ thuộc vào một hoặc một vài thị trường” – ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Thanh long rớt giá

Ngày 6-8, đại diện Sở Công Thương Bình Thuận cho biết ngay sau khi nhận được công văn của Bộ Công Thương về việc phía Trung Quốc tạm ngừng nhập trái thanh long qua hai cửa khẩu Hà Khẩu và Thiên Bảo của tỉnh Vân Nam, sở đã triển khai nhanh đến các DN, hiệp hội liên quan.

Trước mắt, quyết định này đã ảnh hưởng gần như ngay lập tức đối với giá thu mua trái thanh long, giá mua tại vườn từ 3.000 – 4.000 đồng/kg, giảm khoảng 1/3 so với 1 tuần trước đó. Nhiều nông dân cho biết thương lái thu mua giá thấp và lựa hàng rất khó, một số nơi phải đợi chờ thương lái.

Ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, cho biết thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu chính ngạch qua hơn 20 thị trường. Hình thức xuất khẩu biên mậu sang Trung Quốc thông qua các cặp cửa khẩu vẫn chiếm đa số, với hơn 6 triệu tấn thanh long tươi trong 5 năm qua. Sau khi cửa khẩu Hà Khẩu – Thiên Bảo gặp khó, các DN đang tăng xuất qua cửa khẩu Tân Thanh – Pò Chai.

Đại diện Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết các DN đang chủ động tìm kiếm nhiều thị trường khác. Các DN sản xuất thanh long đang chú trọng khâu phun khử khuẩn SARS-CoV-2 để những chuyến hàng được xuất đi không mang theo mầm mống virus.

Cùng ngày, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, kiến nghị các bộ, ngành sớm có giải pháp để khơi thông xuất khẩu thanh long. Trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ Công Thương cần hỗ trợ kết nối, tiêu thụ trong nước. Bên cạnh đó, các thương vụ ở nước ngoài cần tìm các thông tin về thị trường để cung cấp cho DN trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại qua hình thức trực tuyến.

H.Phố – V.Ngọc


MINH CHIẾN – VƯƠNG NGỌC

Chia sẻ