Phản ánh với Báo Người Lao Động, một số doanh nghiệp (DN) hạt điều tại Bình Phước than phiền về việc khi mua nguyên liệu từ trong nước bị gặp khó về hồ sơ xin chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) do không phù hợp với hoạt động mua bán thực tế. “Hồ sơ yêu cầu phải có bảng kê mua hàng từ nông dân, kèm bản sao CMND, xác nhận của xã trong khi trước giờ chúng tôi không mua hàng trực tiếp từ nông dân mà phải qua các đại lý, tổng đại lý mới đủ số lượng. DN phải mất rất nhiều thời gian để hoàn tất hồ sơ nên rất cần các cơ quan chức năng tháo gỡ theo hướng đơn giản hóa để chúng tôi thu mua nguyên liệu của nông dân” – đại diện một DN kiến nghị.

Đầu xuôi, đuôi chưa lọt

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), một số DN xuất khẩu cá ngừ sang Đức cũng đang bị vướng vấn đề C/O mẫu EUR1 (có ưu đãi thuế quan). Cụ thể, nhà nhập khẩu tại Đức nhận được thông tin từ hải quan Đức rằng một số lô hàng cá ngừ nhập khẩu từ Việt Nam có C/O EUR1 đang bị “nghi ngờ” tính hợp lệ và nhà nhập khẩu Đức phải ký quỹ bảo đảm với hải quan với mức thuế suất 24% để được thông quan lô hàng. Việc này đã diễn ra từ đầu năm, hiện nhà nhập khẩu Đức vẫn chưa nhận được tiền hoàn lại sau hơn 6 tháng chờ đợi. Đến nay, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết nên nhà nhập khẩu Đức đang yêu cầu DN Việt Nam cùng chia sẻ 50% số tiền ký quỹ. Nếu vấn đề không được tháo gỡ thì DN Đức sẽ không dám nhập hàng từ Việt Nam, có mua thì khách hàng cũng sẽ ký hợp đồng với những điều khoản bất lợi cho DN Việt Nam. Do đó, VASEP kiến nghị Bộ Công Thương có công thư gửi cơ quan thẩm quyền Đức để làm rõ vấn đề C/O EUR1 của các lô hàng Việt Nam xuất khẩu sang Đức để hai bên cùng có phương án xử lý kịp thời, giúp hoạt động thương mại bình thường trở lại.

Các doanh nghiệp cần tìm hiểu quy định thị trường và khả năng đáp ứng để xin cấp C/O phù hợp .Ảnh: AN NA

Cũng liên quan đến việc tận dụng tối đa các lợi thế do FTA mang lại, VASEP có văn bản góp ý Bộ Công Thương cần mở rộng thỏa thuận về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo tiêu chí chuyển đổi mã số HS (DN dùng nguyên liệu ngoài FTA, trải qua chế biến sâu – PV) cũng được hưởng ưu đãi. Còn hiện nay, quy tắc xuất xứ trong các FTA yêu cầu nguyên liệu sử dụng cho chế biến, xuất khẩu phải có xuất xứ thuần túy (tức là nguyên liệu có xuất xứ trong nước) hoặc có xuất xứ nội khối (nguyên liệu có xuất xứ từ các quốc gia thành viên FTA) đã giới hạn rất nhiều lô hàng được ưu đãi.

Liên quan đến ngành điều, một cán bộ phụ trách cấp C/O cho DN tại phía Nam cho biết ngành điều có tỉ lệ nhập khẩu nguyên liệu cao, hơn 60% nên có rủi ro cao về gian lận xuất xứ, công tác kiểm soát phải hết sức chặt chẽ. “Các mặt hàng khác mà Việt Nam có lợi thế về nguyên liệu như: gạo, hồ tiêu, cà phê,… rủi ro thấp nên ít bị kiểm tra. Các DN khi mua nguyên liệu trong nước bên cạnh hóa đơn mua hàng cần chứng minh được nguồn điều được trồng và thu hoạch ở đâu, từ nông dân nào với địa chỉ cụ thể để khẳng định đúng xuất xứ. Trường hợp DN không mua hàng trực tiếp từ nông dân thì các đại lý bán hàng cho DN có trách nhiệm phải cung cấp hồ sơ” – cán bộ này gợi ý.

Còn nhiều việc cần làm

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2021 kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA đạt 69,08 tỉ USD, chiếm 32,66% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA. Tính chung cả năm, đã có 1,2 triệu bộ C/O ưu đãi được cấp, tăng 24% về trị giá và tăng 23% về số lượng bộ C/O so với năm 2020.

Bộ Công Thương giải thích tỉ lệ sử dụng C/O ưu đãi chỉ 32,66% không có nghĩa là kim ngạch hàng hóa xuất khẩu còn lại của Việt Nam phải chịu thuế cao. Thực tế, thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) tại một số thị trường đã là 0% hoặc ở mức rất thấp 1%-2%. Trong các trường hợp này, DN không đề nghị cấp C/O ưu đãi khi xuất khẩu bởi việc có hay không có C/O ưu đãi không tạo sự khác biệt về thuế quan.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng FTA là động lực để DN quyết tâm cải thiện chất lượng, quy cách sản phẩm mà cả về lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội… Những nỗ lực cũng đang mang đến sự thay đổi dần trong các DN theo hướng DN xanh, nhân văn và phát triển bền vững. Một chuyên gia thuộc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận trên hết, cần sự chủ động của cộng đồng DN để tận dụng được hết ưu đãi thuế trong các FTA. DN phải đáp ứng các quy tắc sản xuất, nguồn nguyên phụ liệu… cùng với đó là nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc cải thiện những mặt còn yếu kém. Tuy nhiên, đến nay, bên cạnh những DN chú ý đầu tư, thực hiện các thay đổi nhằm đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu này, vẫn còn nhiều DN chưa thật sự quan tâm tìm hiểu một cách cặn kẽ hay có hành động để tận dụng các cơ hội FTA mang lại.

Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM – thừa nhận đến nay, nhiều DN dệt may vẫn chưa tận dụng được lợi thế từ các FTA. Lý do nằm ở những hạn chế cố hữu của ngành dệt may là không chủ động nguồn nguyên phụ liệu, phụ thuộc lớn vào nguyên liệu Trung Quốc trong khi hầu hết các FTA đòi hỏi quy tắc xuất xứ, đơn cử là CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) đòi hỏi quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU) thì yêu cầu “từ vải trở đi”. “DN cơ bản đáp ứng những tiêu chí về an toàn lao động, môi trường, sản xuất xanh… Với yêu cầu về xuất xứ, đã có DN đầu tư vùng nguyên liệu, chuỗi cung ứng, sản xuất vải sợi trong nước nhưng số này chưa nhiều. Bản thân May Sài Gòn 3 đã hưởng được lợi thế xuất khẩu theo thuế suất ưu đãi sang Mỹ, Nhật” – ông Hồng chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế – TS Lê Đăng Doanh cho rằng DN Việt tiềm lực quá nhỏ, ít liên kết nên chưa tận dụng được các ưu đãi thuế quan và các ưu đãi khác từ các FTA. “Chúng ta muốn tránh phụ thuộc vào đối tác quá lớn là Trung Quốc nên đã ký kết nhiều FTA. Tuy nhiên, các thị trường này có nhiều quy định khá ngặt nghèo về sở hữu trí tuệ, vệ sinh môi trường, xuất xứ hàng hóa… DN nếu không liên kết với nhau sẽ khó đáp ứng được yêu cầu. Thời gian qua không phải là quá ngắn để DN tận dụng, phát huy các lợi thế do những FTA mang lại. Vì vậy, giai đoạn tới, cần sự liên kết vào cuộc của các viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan hỗ trợ xuất khẩu với DN nhỏ và vừa để khai thác hiệu quả hơn lợi thế ở những thị trường có FTA” – TS Doanh nêu ý kiến. 

Giảm hồ sơ cho doanh nghiệp

Theo ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, với ngành điều, DN chỉ cần xin C/O mẫu B không ưu đãi thì vẫn có thuế suất tốt ở hầu hết các thị trường với thủ tục đơn giản.

Theo đó, DN chỉ cần chọn phương án xuất xứ không thuần túy với 2 tiêu chí là chuyển đổi phân nhóm (CTSH) hoặc tiêu chí tỉ lệ phần trăm giá trị (LVC). Hiểu nôm na là DN được phép sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để chế biến nhưng bảo đảm vượt qua công đoạn chế biến giản đơn (như chỉ đóng gói lại, dán nhãn hoặc chỉ thêm muối nhân điều…). Đây là những tiêu chí mà DN có thể chủ động để đạt được.

Với phương án xuất xứ thuần túy (WO), hồ sơ phức tạp, DN chỉ thực hiện với thị trường có yêu cầu để được hưởng ưu đãi như EU. Trường hợp này, DN phải mua nguyên liệu trong nước và có hồ sơ chứng minh. Thị phần EU không quá lớn nên nguyên liệu trong nước đáp ứng đủ nhưng DN phải phân định rõ nguyên liệu trong nước và nhập khẩu.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc VCCI TP HCM, thông tin mỗi ngày VCCI TP HCM nhận từ 500 – 700 hồ sơ xin cấp C/O. Cán bộ chủ yếu kiểm tra và cấp C/O theo phương án DN chọn. Thực tế cũng có nhiều trường hợp do DN không am hiểu quy định nên chọn phương án không tốt dẫn đến phải cung cấp nhiều giấy tờ không cần thiết. “Các DN cần nắm rõ các quy định về xuất xứ để chọn phương án tối ưu với các tiêu chí phù hợp nhất cũng như bảo vệ quyền lợi của DN. Trường hợp có vướng mắc, DN có thể liên hệ cán bộ cấp C/O của VCCI hoặc cơ quan xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) để được hướng dẫn” – ông Nam khuyến cáo.


NGỌC ÁNH – THANH NHÂN