Số liệu của Cục Thống kê TP HCM cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào TP HCM đạt chưa tới 980 triệu USD, giảm mạnh 23,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được đưa ra là do thành phố đang thiếu quỹ đất cho dự án có quy mô lớn; chi phí đầu vào cao, tuyển dụng lao động khó khăn…

Xu hướng toàn cầu

Diễn biến của dòng vốn FDI vào TP HCM những tháng đầu năm giảm trong bối cảnh kinh tế trong nước còn khó khăn, suy thoái kinh tế toàn cầu tác động tới dòng vốn FDI chảy vào nhiều quốc gia.

Tuy vậy, dòng vốn FDI vào thành phố không phải đến giờ mới bị ảnh hưởng mà đã kéo dài từ năm ngoái. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho biết cả năm 2022, tổng giá trị vốn đầu tư nước ngoài, cả vốn cấp mới, vốn tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần… trên địa bàn đạt hơn 4,33 tỉ USD, bằng 60,2% tổng vốn đầu tư so với năm 2021.

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp – Ban Kinh tế trung ương, phân tích số liệu của Ban Kinh tế trung ương, dẫn số liệu tổng hợp cho thấy dòng vốn FDI có xu hướng giảm ở trên toàn cầu từ năm 2018 đến nay, bao gồm cả Việt Nam. Như số liệu vốn FDI vào Trung Quốc giảm rất mạnh từ năm 2020 đến nay, tính chung ở châu Á tình hình cũng tương tự. Ở chiều ngược lại, dòng vốn này có xu hướng trở lại khu vực châu Mỹ, Liên minh châu Âu (EU). 

“TP HCM dù có nhiều lợi thế về nguồn nhân lực, trung tâm tài chính, đầu tư cho quy hoạch nhưng bất cập lớn về chi phí hạ tầng cao hơn các tỉnh lân cận. Như chi phí thuê nhà, giá nhà đất cao sẽ khó thu hút đầu tư FDI ở lĩnh vực có nguồn nhân công lớn. Do đó, TP HCM nên có danh mục ưu tiên, tập trung vào những ngành nào có giá trị gia tăng cao hơn như dịch vụ chất lượng cao, sử dụng ít lao động khi thu hút vốn FDI” – ông Nguyễn Tú Anh nói.

TP HCM đang thiếu quỹ đất cho dự án có quy mô lớn; chi phí đầu vào cao ảnh hưởng đến thu hút vốn FDI. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cần chính sách khác biệt

  • Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói về áp thuế tối thiểu toàn cầu với doanh nghiệp FDI

  • Singapore “rót” vốn vào Việt Nam lớn nhất, TP HCM dẫn đầu về thu hút FDI

  • Vốn FDI vào Việt Nam: Chủ động đón sóng đầu tư mới

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho biết thời gian tới, thành phố sẽ nâng tỉ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong tổng số vốn FDI cả thành phố lên hơn 70% trong giai đoạn 2023 – 2025 và 75% trong giai đoạn 2026 – 2030. Đến năm 2030, tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới xếp hạng có hiện diện và hoạt động tại thành phố. 

“Phấn đấu đến năm 2025, thu hút trên 50 dự án công nghệ cao, trong đó có ít nhất 1 tập đoàn công nghệ cao tên tuổi lớn của thế giới, tổng vốn đầu tư ít nhất đạt 3 tỉ USD. Đến nay, đã thu hút được 7 dự án công nghệ cao và 250 triệu USD” – đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố thông tin.

Để đạt những mục tiêu này, tại tọa đàm “Thu hút nguồn vốn đầu tư FDI của TP HCM giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2023” do Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM vừa tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng thành phố cần nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, xác định thế mạnh của mình trong bối cảnh mới để hấp dẫn dòng vốn ngoại. Bởi vốn FDI sẽ góp phần giúp kinh tế thành phố đạt được các mục tiêu chiến lược đến năm 2023.

Theo bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), trước đây chính sách ưu đãi thuế là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư cũng là lợi thế của thành phố. Nhưng với quy định áp thuế tối thiểu toàn cầu ở hiện tại, lợi thế đó không còn. Điều mà các nhà đầu tư quan tâm nhất lúc này là môi trường kinh doanh minh bạch, chính sách rõ ràng, dễ hiểu, ít thay đổi và dự báo được; cùng với đó là nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật – giao thông, khả năng kết nối chuỗi cung ứng với khu vực…

TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, phân tích thành phố đang có những công cụ để có thể thu hút vốn FDI mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, nhất là công cụ về quy hoạch. 

“Tinh thần của lãnh đạo thành phố trong chính sách thu hút vốn FDI là hướng đến và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của các nhà đầu tư đã và đang hoạt động trên địa bàn. Còn về công cụ, thành phố đang có những quy hoạch với tiêu chí coi trọng liên kết vùng. Hiện một loạt dự án giao thông liên vùng như dự án đường Vành đai 3, đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài… đang được triển khai. Giao thông đi trước, công nghiệp đi sau và chính sách hỗ trợ sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, thu hút vốn FDI” – TS Trương Minh Huy Vũ nói.

Theo các chuyên gia, TP HCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước nhưng đang bị cạnh tranh bởi các địa phương khác nên chiến lược, chính sách của thành phố cần phải có sự khác biệt, vượt trội và tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp FDI. Ngược lại, các nhà đầu tư chiến lược mới cũng cần hỗ trợ để mở ra không gian phát triển thêm cho thành phố. 

PGS-TS Nguyễn Ngọc Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển (Trường ĐH Kinh tế TP HCM), cho rằng thành phố cần xây dựng tiêu chí thu hút đầu tư vốn FDI cụ thể, rõ ràng và có lộ trình thực hiện để doanh nghiệp nhìn vào đó hoạch định kế hoạch. Có tiêu chí sẽ giúp doanh nghiệp trước khi đầu tư hoặc mở rộng đầu tư cũng thuận lợi hơn. 

Vẫn dẫn đầu về số dự án

Đến nay, trên địa bàn TP HCM có 11.668 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt hơn 56,6 tỉ USD và vẫn dẫn đầu về số dự án còn hiệu lực. Nếu tính cả phần góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước thì giá trị vốn đầu tư nước ngoài vào TP HCM đạt gần 80,9 tỉ USD.


THÁI PHƯƠNG