Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng trong nước đã có 10 lần tăng, tương đương mức tăng 6.741-6.774 đồng/lít tùy loại. Ở kỳ điều hành giá ngày 1-6 tới, giá xăng RON95 được dự báo có thể vượt mốc 31.000 đồng/lít bởi giá xăng dầu thế giới những ngày qua chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cạn quỹ bình ổn

Tuần qua, giá dầu thế giới đã có những ngày tăng mạnh. Tính chung cả tuần, giá dầu thô Brent đã tăng tới 6% và giá dầu thô WTI tăng 1,5%. Tính tới cuối ngày 30-5, giá dầu WTI tăng thêm 0,4% lên 115,5 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 7 tăng tới 1,73% lên 119,4 USD/thùng. Hiện giá dầu Brent đã chạm mức cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây.

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật tới 27-5, giá xăng bán lẻ trên thị trường Singapore tiếp tục tăng mạnh so với kỳ tính giá trước. Cụ thể, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 có giá bình quân 146,08 USD/thùng, còn xăng RON 95 là 154,6 USD/thùng. Dự báo ngày 1-6, giá xăng trong nước có thể tiếp tục tăng 400 – 800 đồng/lít, đưa giá xăng RON95 vượt mốc 31.000 đồng/lít. Tuy nhiên, tùy vào mức trích lập và chi quỹ bình ổn giá xăng dầu của cơ quan điều hành, mức điều chỉnh thực tế sẽ khác nhau.

Trước đó, ở kỳ điều hành giá gần nhất ngày 23-5, giá xăng E5RON92 đã tăng thêm 680 đồng/lít, lên 29.639 đồng/lít; xăng RON95 tăng 670 đồng/lít, lên 30.653 đồng/lít. Tại kỳ điều hành này, cơ quan điều hành đã chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít và xăng RON95 ở mức 300 đồng/lít. Theo Bộ Công Thương, quỹ bình ổn giá xăng dầu được sử dụng linh hoạt nhằm hạn chế mức tăng của giá xăng trong nước vừa bảo đảm duy trì quỹ để có dư địa điều hành giá xăng dầu trong giai đoạn tới trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới từ nay đến cuối năm còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Tuy vậy, theo tìm hiểu của phóng viên, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện đã cạn, số dư quỹ tại nhiều doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu đang ở mức âm. Như tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, tính đến ngày 23-5, quỹ âm 15 tỉ đồng.

Là DN trong lĩnh vực vận tải hành khách, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát, cho biết công ty đã gặp muôn vàn khó khăn do dịch Covid-19, đến nay lượng hành khách vẫn còn hạn chế nhưng chi phí nhiên liệu lại lên quá cao khiến DN gặp khó trong bài toán cân đối dòng tiền để duy trì hoạt động.

Các chuyên gia và đại biểu Quốc hội đều nhất trí đề xuất tiếp tục sử dụng các công cụ thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt để kìm giá xăng dầu. Ảnh: TẤN THẠNH

Kiến nghị tiếp tục hạ thuế, phí

Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu ma dút, dầu nhờn, mỡ nhờn đã giảm 50% từ ngày 1-4 đến hết năm 2022. Tuy nhiên, trước diễn biến của thị trường thế giới, giá mặt hàng này vẫn không ngừng đi lên, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho rằng phải có công cụ kiểm soát, kìm đà tăng giá xăng dầu, như tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt. Ông kiến nghị Quốc hội dành thời gian để thảo luận về vấn đề này. Nếu không kiểm soát giá nhiên liệu thì sẽ xảy ra tình trạng “té nước theo mưa”, tác động trực tiếp đến bữa ăn của người dân vốn đã gặp nhiều khó khăn sau hơn 2 năm đại dịch.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế đang ở giai đoạn đầu hồi phục, giá xăng dầu tăng quá cao sẽ đẩy chi phí đầu vào của hàng hóa, tạo gánh nặng chi phí DN, đánh thẳng vào túi tiền người dân, kéo giảm đà hồi phục. Theo ông, vấn đề cần quan tâm hiện nay là kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu. Chuyên gia này cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu. Vì theo ông, xăng dầu không phải là hàng hóa xa xỉ nhưng đang phải chịu cả thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên – Huế) cũng đồng tình với đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu nhằm kiểm soát giá mặt hàng này nhưng bà lưu ý cần tính toán kỹ mức giảm để bảo đảm nguồn thu ngân sách. Về phía DN, ông Đỗ Văn Bằng mong muốn cơ quan có thẩm quyền sớm sử dụng công cụ thuế để kìm đà tăng giá xăng dầu. Theo ông Bằng, dư địa giảm thuế bảo vệ môi trường vẫn còn, cùng với đó tính toán giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt để “hạ nhiệt” mặt hàng quan trọng này.

Trong bối cảnh Quỹ Bình ổn âm nặng, giá xăng dầu kỳ điều hành tới dự báo tiếp tục tăng, một số ý kiến cho rằng bên cạnh sử dụng “van” thuế, phí, cần xây dựng kho dự trữ quốc gia riêng và nâng mức dự trữ xăng dầu để ổn định nguồn cung, chủ động điều tiết giá. 

Bảo đảm nguồn cung xăng dầu

Theo Bộ Công Thương, nguồn cung mặt hàng xăng dầu trong nước trong 5 tháng năm 2022 có nhiều biến động, trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn giảm mạnh công suất sản xuất. Trong bối cảnh đó, bộ đã chỉ đạo các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường lượng nhập khẩu, phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II/2022 cho 10 thương nhân đầu mối. Nhờ đó, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước từ đầu năm đến nay luôn được bảo đảm.


MINH CHIẾN