Tuy nhiên, 2 ngày sau đó, khi đến hẹn, giá thanh long tiếp tục hạ, chỉ còn 3.500 đồng/kg, anh Vương đợi mãi không thấy ai đến cắt. “Khi tôi liên hệ thương lái thì họ bảo giá hạ nhanh quá, chấp nhận mất cọc 4 triệu đồng đã chồng chứ không thể kêu công cắt được. Nay đã quá ngày, số thanh long trong vườn càng chín muồi trong khi chưa tìm được người để bán” – anh Vương than thở.

Theo người trồng thanh long tại Bình Thuận, chưa có khi nào giá thu mua vụ hàng chong đèn lại xuống thấp như những ngày qua. Cụ thể, từ đầu vụ chong đèn (cuối tháng 8-2020) đến nay, giá thu mua thanh long hầu như quanh quẩn dưới mức 10.000 đồng/kg. Với mức giá hiện nay, nông dân chỉ có thể thu hồi vốn hoặc lỗ, do chi phí đầu tư điện, phân, thuốc… cho vụ chong đèn cao hơn vụ mùa. Những ngày cận Tết, người trồng thanh long hy vọng giá sẽ nhích dần lên khi nhu cầu tiêu dùng tăng. Thông thường, vào những vụ chong đèn các năm, giá thanh long luôn duy trì trên mức 10.000 đồng/kg, thời điểm thấp nhất cũng chưa bao giờ dưới 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trong những ngày cuối tháng 1 vừa qua, giá loại trái cây xuất khẩu này tiếp tục hạ, có thời điểm trái loại 1 chỉ còn 3.000 đồng/kg. Đây được xem là mức giá thu mua thấp chưa từng có đối với thanh long trong mùa chong đèn nghịch vụ. “Nhìn vườn thanh long chong đèn của nông dân đang chín nhưng không thể thu mua được, chúng tôi cũng rất khó xử, đặc biệt là những vườn mối thân quen. Tuy nhiên, với mức giá như hiện nay, chúng tôi thật sự không dám mua, vì cầm chắc phần lỗ khi nhu cầu thị trường không cao” – bà Trần Ngọc Diệp, chủ vựa thanh long tại thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam), cho biết.

Người trồng thanh long Bình Thuận “méo mặt” vì giá quá thấp. Ảnh: HỢP PHỐ

Theo Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có 33.700 ha thanh long. Trong số này, mùa chong đèn nghịch vụ thường canh tác luân phiên khoảng 1/4 – 1/3 tổng diện tích hiện có. Đặc biệt, nhiều nông dân thường đón đầu dịp Tết nguyên đán để tăng sản lượng trái, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. “Dù cận Tết nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp bên Trung Quốc, thị trường chính của trái thanh long, nên đã tác động lớn đến giá thu mua cũng như hoạt động xuất khẩu” – ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, thông tin.

Tại Long An, toàn tỉnh cũng còn khoảng 10.000 tấn thanh long đến kỳ thu hoạch. Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, cho biết do ảnh hưởng dịch Covid-19 và gần đến Tết nguyên đán, tất cả kho thu mua thanh long của thương lái Trung Quốc đã tạm ngưng hoạt động, thương lái quay về Trung Quốc ăn Tết. Bên cạnh đó, dịch bùng phát trở lại khiến việc tiêu thụ mặt hàng này tại thị trường Trung Quốc rất chậm, một số xe hàng đang ùn ứ tại cửa khẩu phía Trung Quốc vì thiếu tài xế chở đi phân phối. “Dịch Covid-19 gây suy thoái kinh tế toàn cầu, riêng tại thị trường Trung Quốc, khách hàng không mua thanh long loại 1 nữa mà mua loại 2, loại 3 để tiết kiệm chi phí” – ông Thịnh thông tin.

Cũng do thị trường có nhiều diễn biến bất lợi, giá thanh long tại Long An rớt xuống còn khoảng 10.000 đồng/kg (loại 3), 12.000 đồng/kg (loại 2) và trên 20.000 đồng/kg (loại 1). Cũng vì hàng tuyển loại 1 khó tiêu thụ, nhiều thương lái ép giá thanh long loại 1 xuống gần bằng giá loại 2. “Mọi năm, khi chưa xảy ra dịch, sản lượng thanh long vụ Tết và sau Tết lên đến 40.000 – 50.000 tấn nhưng năm nay tình hình dịch bệnh phức tạp, sức tiêu thụ kém nên 10.000 tấn đã là nhiều. Từ nhiều tháng nay, hiệp hội đã khuyến cáo bà con hạn chế chong đèn canh tác thanh long trái vụ, theo dõi sát tình hình dịch và chuyển sang trồng thanh long hướng hữu cơ để tạo đầu ra ổn định” – ông Thịnh nói thêm.


Hợp Phố – Thanh Nhân

Chia sẻ