Có mặt tại cửa hàng ở hẻm Lê Văn Sỹ (quận 3, TP HCM) của Công ty CP Lương thực Phương Nam – nhà phân phối chính thức của DNTN Hồ Quang Trí (chủ sở hữu giống lúa gạo ST25, ST24 nổi tiếng) một ngày đầu tháng chạp, phóng viên không khỏi bất ngờ khi tận mắt chứng kiến cảnh tất bật bán hàng. Ông Phan Thành Hiếu, Giám đốc Công ty CP Lương thực Phương Nam, cùng 2 nhân viên liên tục nhận điện thoại để ghi đơn hàng đặt mua đồng thời bán hàng cho khách đến tận nơi.

Theo ông Hiếu, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp (DN) chuẩn bị tâm lý hàng hóa tiêu thụ chậm nhưng thực tế 2 dòng sản phẩm cao cấp, giá cao nhất là ST24 hữu cơ (80.000 đồng/túi 1 kg) và ST25 canh tác lúa tôm (90.000 đồng/hộp 2 kg) lại đang cháy hàng. “Nhiều đơn hàng chúng tôi phải từ chối hoặc giao dưới số lượng đăng ký. Dòng sản phẩm mới là gạo ST25 canh tác lúa tôm giá bán 185.000 đồng/túi 5 kg, cao hơn gạo ST25 canh tác ruộng thường 15.000 đồng/túi 5 kg cũng được nhiều người chọn mua do dịp Tết ai cũng muốn ăn cơm ngon hơn ngày thường” – ông Hiếu nói. Ông cũng cho hay nhiều DN, cơ quan chọn mua sản phẩm ST25 canh tác lúa tôm túi 5 kg làm quà Tết cho nhân viên, có ngày công ty bán đến hơn 15 tấn. Đơn hàng quá nhiều, nhân viên chạy giao không xuể nên phải thuê thêm dịch vụ giao hàng cho các đơn hàng lẻ.

Tất bật bán gạo ST25 mùa Tết

Xác nhận từ ông Hồ Quang Cua, “cha đẻ” giống lúa ST25, vụ đông xuân năm nay, lần đầu tiên giống lúa ST25 được bán ra ngoài hệ thống của DNTN Hồ Quang Trí nên thị trường sẽ có thêm nguồn cung gạo ST25, ngoài sản phẩm từ DN của gia đình ông. Phó giám đốc một thương hiệu gạo sạch chuyên bán hàng nội địa cho hay hiện nhà máy tại Long An và TP HCM của DN đang chạy hết công suất để đóng hàng ST25 vào các túi 1 kg, 2 kg và 5 kg. “Đây là mùa gạo ngon nhất trong năm nên DN kỳ vọng có thể tiêu thụ khoảng 200 tấn trong dịp Tết này. Về giá bán, DN dự định sẽ bán thấp hơn sản phẩm cùng phân khúc của DNTN Hồ Quang Trí 1.000-2.000 đồng/kg. Dù năm nay có thêm nguồn cung gạo ST25 chính hiệu nhưng cung vẫn còn thấp hơn cầu, các DN sẽ không cạnh tranh phá giá” – phó giám đốc DN này nhận xét.

Vừa rao bán gạo hữu cơ Hoa Nắng ST25 giá 68.000 đồng/kg được vài ngày, ông Lâm Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Hoa Nắng, đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ khách hàng để “ăn Tết” hoặc làm quà tặng. Ông Tú cho hay do vùng nguyên liệu của Hoa Nắng thu hoạch sớm nên DN là đơn vị có gạo ST25 hữu cơ đầu tiên trên thị trường. “Hoa Nắng có 200 ha trồng lúa nhưng chỉ có 4 ha canh tác ST25 nên sản lượng rất ít, bù lại chất lượng gạo tốt với mùi thơm hương dứa đặc trưng, gạo dẻo, dai. Cơm nấu từ gạo này sẽ rất ngon nếu canh đúng nước, với tỉ lệ thường 1 gạo 1 nước hoặc ít hơn để tránh bị nhão” – ông Tú nói.

Ngoài ST25, các loại gạo đặc sản như tám thơm Điện Biên, gạo Nàng Keo, Đài Thơm, Thiên Vương… cũng được nhiều DN tung ra thị trường với bao bì đẹp để bán vào dịp Tết. Một thương nhân có kinh nghiệm bán gạo Tết cho hay điểm mới của thị trường năm nay là gạo Campuchia giảm rất mạnh. “Ngoài lý do giao thương khó khăn bởi dịch Covid-19, còn có nguyên nhân là chất lượng gạo trong nước đã ngon hơn hẳn, trong khi gạo Campuchia về thường bị đấu trộn nên không còn được lòng người tiêu dùng” – thương nhân này đánh giá. 

Khó phân biệt gạo ST24 và ST25

Theo một chuyên gia ngành gạo, gạo ST25 và ST24 cùng của nhóm tác giả là Hồ Quang Cua và cộng sự có ưu điểm là hình thức khác biệt (hạt dài đều, kích thước nhỏ) nên khó bị phối trộn hay dùng giống gạo khác giả 2 loại gạo này. Ngoài ra, ST24 và ST25 có nhiều đặc điểm rất giống nhau như: đều là gạo thơm mùi dứa tự nhiên, dẻo, cơm trắng tự nhiên. Hai loại gạo này chỉ khác nhau ở đặc điểm nhỏ: gạo ST25 dẻo dai, ST24 dẻo mềm nên rất khó phân biệt, kể cả người trong ngành. Vì vậy, một số nơi dùng gạo ST24 giả làm gạo ST25 để bán với giá cao hơn cho người tiêu dùng. “Người tiêu dùng có nhu cầu mua hàng nên chọn nơi bán có uy tín để tránh bị nhầm lẫn” – một chuyên gia khuyến cáo.


Bài và ảnh: NGỌC ÁNH

Chia sẻ