Ngày 30-12, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời thông tin vừa hoàn thành lô gạo xuất khẩu cuối cùng của năm 2021 với số lượng 4.170 tấn, gồm gạo thơm và gạo trắng. Thị trường xuất khẩu là châu Âu (EU) và được doanh nghiệp sử dụng tàu rời (bulk carrier) lần đầu tiên để vận chuyển nhằm tiết kiệm chi phí tại thời điểm phí vận chuyển bằng container đang rất cao do ảnh hưởng Covid-19.

Tính chung cả năm 2021, Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu hơn 80.000 tấn gạo đến EU, Anh, châu Phi, Úc, khu vực Trung Đông và các nước láng giềng ở châu Á với doanh thu hơn 1.000 tỉ đồng.

Chuyển gạo lên tàu rời chuẩn bị khởi hành đi châu Âu

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho hay, việc xuất khẩu gạo vào các thị trường khó tính là một trong những thách thức hàng đầu đối với Lộc Trời nói riêng và các công ty nông sản nói chung. Với đơn hàng hơn 4.000 tấn vừa xuất khẩu sang EU, chúng tôi tin rằng năm 2022 sẽ có nhiều lúa gạo và các loại nông sản được sản xuất theo hướng “xanh” hơn, bền vững hơn đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu.

Tình trạng khan hiếm container rỗng và cước vận chuyển container tăng vọt lên gấp vài lần so với cùng kỳ năm ngoái khiến các doanh nghiệp xuất khẩu hết sức đau đầu. Tại một số thị trường gần, một số doanh nghiệp đã thuê tàu rời (xếp gạo thẳng lên tàu, không cần dùng container) để vận chuyển nhưng với điều kiện đơn hàng phải lớn, từ 3.000 – 5.000 tấn.

Đối với thị trường EU, khách hàng thường đặt số lượng nhỏ nên doanh nghiệp bắt buộc phải vận chuyển bằng container (khoảng 25 tấn). Đây là lần đầu tiên có doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang châu Âu bằng tàu rời.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay gạo lọt vào danh sách các mặt hàng nông – lâm – thủy sản xuất khẩu hơn 3 tỉ USD (gỗ, rau quả, tôm, điều, cao su, gạo). Cụ thể, ngành gạo đã xuất khẩu được 6,218 tấn gạo, thu về 3,276 tỉ USD, tăng 5% về giá trị so với năm 2020.


Ngọc Ánh; Ảnh: An Na

Chia sẻ