Dự án đất vàng 61 Trần Phú: LienvietpostBank tích cực, Nhà nước có thất thu ?

Dự án trên “đất vàng”, nhà nước chỉ thu được khoản tiền ít ỏi

Khu đất hơn 9.000m2 tại địa chỉ 61 Trần Phú, quận Ba Đình có vị trí đắc địa bậc nhất Hà Nội, chỉ cách Lăng Bác khoảng 400m, hiện được sử dụng làm trụ sở chính và nhà máy sản xuất của CTCP Thiết bị Bưu điện (Postef).

Giữa thập niên trước, Postef từng dự định xây dựng khu đất này trở thành trung tâm công nghệ cao và trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên chỉ ít năm sau, trong cơn sốt chuyển đổi nhà máy, xí nghiệp thành đất thương mại, Postef đã quyết định mang khu đất 61 Trần Phú đi góp vốn triển khai dự án bất động sản.

Đối tác được chọn là liên danh CTCP Him Lam – Liên Việt Holdings. Hai bên ngày 28/12/2011 ký hợp đồng hợp tác đầu tư số 40/2011/HĐHTĐT/POT-LVH-HL. Theo đó, vốn góp của dự án là 1.039,2 tỷ đồng, tổng mức đầu tư là 3.200 tỷ đồng. POT góp bằng quyền sử dụng đất – tương đương 530 tỷ đồng (51%), bộ đôi công ty liên quan tới đại gia Dương Công Minh góp 509,2 tỷ đồng còn lại.

Đây là lần “se duyên” thứ hai của Postef với doanh nhân họ Dương trong năm 2011. Chỉ ít tháng trước đó, VNPost khi đang là thành viên của Tập đoàn VNPT đã trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Liên Việt (thành viên Him Lam Group) sau khi góp vốn bằng Công ty Tiết kiệm Bưu điện. Nhà băng này sau đó đổi tên thành Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienvietPostbank).

Dù đã có sự chuẩn bị từ khá lâu, song phải gần 6 năm sau, UBND TP.Hà Nội ngày 24/6/2017 mới có Quyết định số 3841/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Cụ thể, tổng diện tích ô đất nghiên cứu là 9.078 m2, trong đó diện tích lập dự án 7.523 m2, diện tích đất trong phạm vi mở đường theo quy hoạch khoảng 1.555 m2, diện tích đất xây dựng công trình khoảng 3.757 m2; mật độ xây dựng 50%; diện tích sân đường nội bộ, cây xanh, bãi xe khoảng 3.766 m2. Tầng cao công trình gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm. Tổng diện tích sàn tầng nổi khoảng 32.306,6 m2, tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 43.023,2 m2; chiều cao công trình tính từ cao độ vỉa hè đến đỉnh tum thang là 42,9m.

Trong năm 2018, Postef đã thực hiện nộp tiền ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án theo Công văn số 401/KH&ĐT-NNS ngày 18/1/2018 của Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. Hà Nội và tiền thuê đất theo Thông báo 19289/CCT-TB&TK ngày 27/9/2018 của Chi cục thuế quận Ba Đình. Trong nửa đầu năm 2019, công ty đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho lô đất này với mục đích sử dụng mới.

Tại thời điểm 30/6/2019, dự án vẫn đang triển khai các bước công việc để tiến đến việc xin cấp phép xây dựng; Liên Việt Holdings đã chuyển cho Postef 836 tỷ đồng để nộp tiền thuê đất và các chi phí khác.

Từng là một thành viên của Him Lam Group, LienvietPostbank dĩ nhiên đã rất tích cực trong thương vụ 61 Trần Phú.

Dù về mặt pháp lý không còn liên quan đến nhau, song các tài liệu của PV cho thấy mối quan hệ giữa Him Lam và LienvietPostbank vẫn rất bền chặt khi nhà băng này là đối tác tín dụng quen thuộc, với dòng vốn đã và đang chảy xuyên suốt các dự án lớn nhỏ của Him Lam.

Thực hiện theo Thông báo 19289/CCT-TB&TK ngày 27/9/2018, Postef đã nộp 604,799 tỷ đồng tiền thuê đất cho diện tích dự án là 7.523 m2.

Tính ra mỗi m2 đất mặt đường Trần Phú đã nộp cho Ngân sách Nhà nước với mức giá 80,4 triệu đồng.

Theo Quyết định 96/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND TP. Hà Nội, giá đất tại vị trí 61 Trần Phú là 108 triệu đồng/m2 với đất ở và 53,5 triệu đồng/ m2 đối với đất thương mại, dịch vụ.

Tham khảo tại một số sàn giao dịch bất động sản, giá đất trên đường Trần Phú đang được rao bán từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng cho mỗi m2 tùy vị trí.

Còn tại báo cáo tài chính quý 2/2020 của Postel cho thấy khoản phải trả của phải trả dài hạn của Công ty này là khoản vốn góp của Liên Việt Holding để hoàn thiện dự án 61 Trần Phú theo hợp đồng đã ký kết năm 2011. Và POSTEF đang thực hiện việc di dời trụ sở và cơ sở sản xuất tại 61 Trần Phú để thực hiện dự án trên. Dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2021. Tuy nhiên, báo cáo tài chính chưa thể hiện Công ty Him Lam đóng phần vốn góp vào dự án 61 Trần Phú.

Trả lời trên báo chí về vai trò của mình tại dự án 61 Trần Phú, ông Trần Văn Tĩnh, Chủ tịch Him Lam, cho rằng công ty chỉ tham gia gia với vai trò là nhà tư vấn cho LienViet Holdings chứ không phải nhà đầu tư. Còn đại diện LienViet Holdings ông Nông Đàm Thắng, thì cho biết công ty không có nhiều kinh nghiệm về BĐS nên muốn làm phải liên danh với đối tác có đủ năng lực. Cũng theo ông Thắng thì về vốn góp, Postef là chủ đầu tư góp 51% từ đất còn LienViet Holdings góp 49% bằng tiền.

Được biết, Dự án này được dự kiến khởi công vào quý 3/2017 và hoàn thành quý 3/2019. Tuy nhiên, sau đó do tác động của dịch bệnh, chủ đầu tư xin hoàn và được chấp thuận thời điểm hoàn thành vào quý 4/2021.

Có hay không việc lách luật ?

Cuối tháng 6/2016, LienVietPostbank đã đặt cọc 1.410 tỷ đồng với mục đích thuê văn phòng dài hạn, cho dù tới thời điểm đó dự án vẫn chưa hoàn tất thủ tục pháp lý. Cho tới cuối tháng 6/2019, LienvietPostbank vẫn duy trì khoản đặt cọc 705 tỷ đồng vào dự án 61 Trần Phú.

Có cơ sở để cho rằng hàng nghìn tỷ đồng tạm ứng, đặt cọc tại LienvietPostbank đều liên quan tới Công ty CP Him Lam và các doanh nghiệp liên quan, nơi Chủ tịch LienvietPostbank Dương Công Minh cũng đồng thời nắm giữ chức vụ lãnh đạo.

Số dư các khoản phải thu của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt ổn định ở mức 6.500-7.000 tỷ đồng trong suốt 4 năm qua. Bởi vậy nhiều khả năng các khoản đặt cọc, tạm ứng với tổng số dư tính tới cuối quý II/2016 là 5.204 tỷ đồng liệt kê trên đã tồn tại trong suốt một thời gian dài.

Cộng cả 1.180 tỷ đồng giá trị tài sản cố định thì Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt hiện đang chi tới 6.384 tỷ đồng, tức là gần bằng toàn bộ vốn điều lệ (6.460 tỷ đồng) để xây dựng trụ sở, chi nhánh, thuê văn phòng hoạt động cũng như mua sắm tài sản cố định. Mà đó là chưa tính tới việc ngân hàng này có thể tiếp tục đổ tiền vào những dự án này trong thời gian tới.

Điều 6 Nghị định 57/2012 quy định tổ chức tín dụng được sử dụng không quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động. Tuy nhiên, LienvietPostbank lại đổ một lượng tiền rất lớn vào các tài sản cố định sẽ hình thành trong nay mai, dù điều này là sai luật.

Nhiều khả năng cho thấy rằng LienvietPostbank không hề có ý định chuyển những khoản tạm ứng, đặt cọc trên thành tài sản cố định, mà cứ nhùng nhằng với danh nghĩa các khoản phải thu. Điều này nếu đúng, LienvietPostbank vẫn không vi phạm quy định đầu tư quá nhiều vào tài sản cố định, cũng như tỉ lệ cho vay đối với cổ đông lớn.

Theo các chuyên gia tài chính, các khoản phải thu là một nơi trú ẩn cực kỳ kín đáo và an toàn của những khoản nợ mà ngân hàng không muốn công khai hoặc không muốn bị điều chỉnh bởi quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, theo Khoản 2, Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định một tổ chức tín dụng không được dành quá 5% vốn tự có cho vay cổ đông lớn, cổ đông sáng lập.

Him Lam hiện là cổ đông lớn nhất của LienvietPostbank. Năm 2020, với vốn điều lệ 6.460 tỷ đồng, LienvietPostbank chỉ có thể cho Him Lam vay tối đa khoảng hơn 320 tỷ đồng.

Với một tập đoàn bất động sản có hàng chục dự án lớn nhỏ từ bắc chí nam, số tiền trên chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế của Him Lam. Dĩ nhiên doanh nghiệp này có thể vay các ngân hàng khác, nhưng chắc hẳn chẳng có nguồn tài trợ vốn nào lại rẻ được như LienvietPostbank.

Bởi với hình thức tạm ứng, đặt cọc, Him Lam và các doanh nghiệp liên quan dễ dàng có được hàng nghìn tỷ đồng tiền tươi thóc thật mà không phải trả lãi, hoặc lãi rất thấp mà dấu hỏi về tính bảo đảm vẫn còn bỏ ngỏ. Điều này rõ ràng có dấu hiệu lách luật. Cũng tại Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Khoản 1 quy định tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho cổ đông lớn, cổ đông sáng lập.

Ngoài ra, lãi phải thu của đối với Him Lam tính tới cuối tháng 6/2019 là 224,6 tỷ đồng, tăng hơn 50 tỷ so với con số 170 tỷ đồng cuối kỳ năm trước. Chưa kể số lãi Him Lam đã trả cho LienvietPostbank, khoản lãi phải thu khổng lồ này đặt ra dấu hỏi lớn đối với mối quan hệ giữa LPB và Him Lam, hoặc Him Lam đang vay LienvietPostbank với khối lượng dư nợ rất lớn, vượt xa giới hạn theo quy định của pháp luật, hoặc những khoản lãi này đã tồn tại từ lâu trên bảng cân đối kế toán của LienvietPostbank, đồng nghĩa với nợ quá hạn, nợ xấu.

Hoàng Minh (TH)/ Sở hữu trí tuệ