Ông Đặng Tiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cam Lâm – Vĩnh Hảo, cho biết dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thẩm định và phê duyệt. Không như các dự án PPP trước đây là nhà đầu tư tham gia thiết kế kỹ thuật, tại dự án này, nhà đầu tư chỉ thực hiện bước sau thiết kế kỹ thuật.

Cũng theo ông Thắng, ở các công trình hầm lớn trước đây, Tập đoàn Đèo Cả thực hiện được dựng trắc dọc hầm. Đối với từng lý trình sẽ đưa ra đánh giá về địa chất và giải pháp chống đỡ phù hợp từng địa chất. Tuy nhiên, ở hầm núi Vung, thiết kế kỹ thuật chỉ đánh giá theo tỉ lệ phần trăm, không cụ thể được từng phân đoạn. Do đó, khi thi công, nhà thầu phải dựa theo địa chất thực tế để quyết định kết cấu chống đỡ phù hợp, dẫn đến bị động trong lập kế hoạch triển khai và lựa chọn vật tư,vật liệu cho phân đoạn tiếp theo.

Vấn đề địa chất yếu không được đơn vị tư vấn là Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) dự báo trong thiết kế kỹ thuật

Vấn đề địa chất yếu không được đơn vị tư vấn là Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) dự báo trong thiết kế kỹ thuật; hồ sơ thiết kế không đáp ứng yêu cầu đối với việc thi công hầm khi không thể dự kiến cụ thể địa chất các đoạn hầm đi qua. Việc thi công phía Nam hầm núi Vung phải dừng để thực hiện các biện pháp chống đỡ, gia cố.

Ông Hoàng Công Doanh, Giám đốc gói thầu DC- XL 09 (gói thầu thi công phía Nam hầm núi Vung), nhìn nhận so với hồ sơ thiết kế kỹ thuật của TEDI, thực tế phần địa chất rất phức tạp. Tại đây xuất hiện một số hiện tượng nước và cát chảy, địa chất rất rời rạc. 

“Chúng tôi khắc phục bằng phương án chỗ nào bị lún thì đổ bê tông và kê chân vỉ rồi chống những dầm thép lên đỉnh vỉ để chống đỡ. Tiếp đó là đổ vòm ngược để khép các kết cấu cho việc chống lún. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là tạm thời vì đổ vòm ngược vẫn bị lún. Cần sớm có đánh giá lại tổng thể địa chất hầm núi Vung để điều chỉnh lại tiến độ phù hợp với biện pháp thi công mới” – ông Doanh cho hay.

Cần sớm có đánh giá lại tổng thể địa chất hầm núi Vung để điều chỉnh lại tiến độ phù hợp với biện pháp thi công mới

Từ ngày 5-12-2022 đến nay, theo số liệu quan trắc chuyển vị hội tụ, tại nhiều vị trí giá trị chuyển vị đạt đến cấp độ cần có biện pháp đối phó. Để đảm bảo an toàn, Tập đoàn Đèo Cả đã 5 lần mời chuyên gia của Hội đồng Kiểm tra nhà nước, Ban Quản lý dự án 85, thiết kế kỹ thuật vào dự án để đưa ra các giải pháp xử lý.

Với kinh nghiệm sẵn có, đơn vị đã huy động 32 mũi thi công đường, 35 mũi thi công cầu, 10 mũi thi công hầm. Tổng khối lượng thực hiện đạt 43%, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu. Tính đến ngày 5-3 vừa qua, hầm trái đã đào được 1850/2250 m, hầm phải đảo được khoảng 1570/2250 m. Theo hợp đồng ký kết với Bộ GTVT, thời gian hoàn thành hạng mục hầm núi Vung là 30-3-2024. Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu tổ chức nhiều mũi thi công ở phía Bắc hầm núi Vung để bù tiến độ cho phía Nam.

Ban điều hành dự án đã đề nghị Bộ GTVT có chỉ đạo tư vấn thiết kế kỹ thuật lập hồ sơ điều chỉnh thiết kế kỹ thuật và đưa ra giải pháp tổng thể để xử lý sai khác địa chất

Ông Đặng Tiến Thắng cho rằng mốc kế hoạch này đưa ra trên cơ sở số liệu theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật và tư vấn thiết kế kỹ thuật đã lập. Tuy nhiên, thi công thực tế phát sinh địa chất yếu, chưa thể dự đoán được thời gian nào sẽ qua đới địa chất yếu này.

Ban điều hành dự án đã đề nghị Bộ GTVT có chỉ đạo tư vấn thiết kế kỹ thuật lập hồ sơ điều chỉnh thiết kế kỹ thuật và đưa ra giải pháp tổng thể để xử lý sai khác địa chất. Chủ đầu tư đã báo cáo Bộ GTVT, Ban QLDA 85 kiến nghị rà soát toàn diện hồ sơ thiết kế kết cấu chống đỡ áp dụng đối với đoạn địa chất yếu để điều chỉnh hồ sơ thiết kế phù hợp điều kiện địa chất thực tế, làm rõ trách nhiệm của các, đánh giá lại thời gian hoàn thành.

Hầm núi Vung có quy mô 3 làn xe, bề rộng 14m, là hầm đường bộ lớn thứ 4 cả nước sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông. Các biện pháp đảm bảo an toàn và tiến độ, chất lượng khi thi công gặp phải địa chất yếu (phía Nam hầm núi Vung) mà không được dự báo trước trong thiết kế kỹ thuật dẫn đến tốc độ đào hầm giảm xuống chỉ còn 1/3 so với bình thường.


BTV