Diễn đàn cách tân công nghiệp năm 2022 với chủ đề “Sản xuất thông minh” đã được Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP) và Công ty Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp (DN) IBP tổ chức vào chiều 20-9.

PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý SHTP, cho biết nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ để một nền kinh tế tự chủ, tỉ lệ đóng góp của khu vực công nghiệp phải đạt tối thiểu 30% GDP. Tại Việt Nam, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu phấn đấu nâng tỉ trọng đóng góp của công nghiệp trong GDP vào năm 2030 đạt trên 40%; tỉ trọng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng lên khoảng 30%. “Công nghệ có thể nhập khẩu nhưng không thể nhập khẩu đổi mới sáng tạo mà phải xuất phát từ yếu tố con người. Những xu hướng, giải pháp thúc đẩy cách tân công nghiệp là thiết yếu giúp nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí vận hành và tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực của DN” – ông Nguyễn Anh Thi nêu rõ.

Theo các chuyên gia, không chỉ riêng Việt Nam, tại nhiều quốc gia trên thế giới, áp lực đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ vào sản xuất vẫn là thử thách lớn cho các DN. Bà Trương Lý Hoàng Phi, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM, nhận định việc sử dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất đã được rất nhiều DN áp dụng trong nhiều thập kỷ qua nhưng chỉ mới có một số ít DN tiên phong biết cách tận dụng lợi thế của nền sản xuất tiên tiến.

Đầu tư công nghệ phù hợp để sản xuất thông minh là con đường mà doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phải đi trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra áp lực lớn về đổi mới sáng tạo. Ảnh: HOÀI DƯƠNG

Kể trường hợp DN mình, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh, cho hay công ty đã bắt đầu chuyển đổi số từ 7 năm trước. Tuy vậy, ông cảm thấy “chưa thỏa mãn” và vẫn đang thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa. Hiện công ty tiếp tục đầu tư một nhà máy mới ở SHTP với tổng vốn khoảng 180 tỉ đồng cùng máy móc, công nghệ, thiết bị được chọn kỹ lưỡng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn mà DN phải vượt qua. “Cơ khí là ngành sử dụng đòn bẩy tài chính thấp, nếu đầu tư nhiều thì e rằng khó hoàn vốn. DN muốn đầu tư lớn nhưng phải tính tới hiệu quả của dòng vốn đầu tư. Việc triển khai đầu tư cụ thể ra sao cho thông minh, tối ưu hóa cũng không đơn giản” – ông Tống nói.

Nhiều DN cũng băn khoăn về khái niệm “sản xuất thông minh” và ứng dụng sản xuất công nghiệp như thế nào? Dưới góc độ một tập đoàn sản xuất công nghiệp lớn, ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO), đã nêu nhiều kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ vào đổi mới sáng tạo với hoạt động sản xuất công nghiệp. Ông cho biết tập đoàn ứng dụng công nghệ phù hợp với quy mô sản xuất, trình độ và xu thế của thời đại. Đồng thời, áp dụng chuyển đổi số với lộ trình phù hợp thực tiễn sản xuất – kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách hàng. “Ứng dụng “công nghệ phù hợp” vì sản xuất công nghiệp cần thực hiện theo giai đoạn, thời gian lâu dài, không thể phát triển đồng thời các công nghệ vì chi phí sẽ rất lớn” – ông Tài giải thích.

Lãnh đạo THACO cho biết tập đoàn đã đầu tư một số nhà máy thông minh ở Chu Lai, như nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô; nhà máy sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ theo hướng tự động hóa và ứng dụng công nghệ số. Sản phẩm ôtô của tập đoàn có đầy đủ chủng loại mang thương hiệu quốc tế và thương hiệu THACO với tỉ lệ nội địa hóa cao nhất tại Việt Nam, trong đó tỉ lệ nội địa hóa xe du lịch là 22%-40%, xe tải trên 45% và xe buýt trên 60%.

“Liên quan đến hoạt động chuyển đổi số, dự án tự động hóa quy trình sản xuất nhíp ôtô, tiến tới xây dựng nhà máy thông tin cũng mang lại hiệu quả. Nhờ dự án này, mức tự động hóa của nhà máy tăng từ 25% lên trên 82%, năng suất tăng lên 20%, giảm giá thành sản phẩm và lan tỏa sang các nhà máy khác trong hệ thống” – ông Phạm Văn Tài dẫn chứng về hiệu quả của chuyển đổi số và sản xuất thông minh. 


Thái Phương