Hai tháng đầu năm 2020, cả nước đã có 28.400 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn hoặc ngừng chờ làm thủ tục giải thể. Trong khi đó, không ít DN đang hoạt động cho biết dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất – kinh doanh năm 2020.

Khó giữ tăng trưởng cao

Tại TP HCM, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong 3 tháng đầu năm ước tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2019. Theo các hội ngành nghề, sản xuất nhiều lĩnh vực vẫn giữ được đà tăng trưởng trong thời gian qua do nhu cầu thị trường tăng (như thực phẩm chế biến, dược phẩm, hóa dược…) hoặc DN vẫn còn nguyên liệu tồn kho. Càng đến cuối tháng 3, việc duy trì tăng trưởng càng gặp nhiều thách thức do nguồn nguyên liệu sản xuất cạn kiệt, nguyên liệu thay thế hạn chế; cùng với đó là tình hình buôn bán ế ẩm cả trong nước lẫn xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang lo thiếu nguyên liệu sản xuất, giảm đơn hàng nếu dịch Covid-19 không được khống chế Ảnh: Tấn Thạnh

Trong lĩnh vực dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (Agtex), cho biết hiện đã có một ít vải nguyên liệu từ Trung Quốc chuyển về Việt Nam, chủ yếu từ các tỉnh phía Nam của Trung Quốc nhưng chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu nguyên liệu của các DN. “Có thông tin một số nhà máy của Trung Quốc đã hoạt động trở lại nhưng không rõ khả năng cung ứng của họ thế nào nên chúng tôi vẫn rất lo. Khoảng 50% thành viên Agtex sẽ hết nguyên liệu sản xuất vào cuối tháng này, nếu lúc đó sản xuất nguyên liệu của Trung Quốc vẫn chưa phục hồi thì sẽ rất khó. DN đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn nguyên phụ liệu thay thế từ Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc nhưng khó chuyển đổi” – ông Hồng nêu thực tế. Hiện nhiều DN nhỏ tạm xoay xở bằng cách nhận may khẩu trang vải, một số đỡ chật vật hơn thì cho công nhân giãn ca hoặc nghỉ làm 2 ngày cuối tuần.

Trong khi diễn biến dịch bệnh trên toàn cầu ngày càng phức tạp, các DN dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh sắp tới sẽ rất ảm đạm. “Tương lai ngắn hạn khá u ám bởi ngoài mối lo thiếu nguyên liệu, các thị trường xuất khẩu hàng may mặc chính của Việt Nam là châu Âu, Mỹ cũng đang trong tâm dịch, giảm mua hàng. Nếu dịch Covid-19 kéo dài 3-4 tháng nữa, nhiều DN sẽ phải cho công nhân nghỉ chờ việc” – ông Hồng lo ngại.

Mong chính sách hỗ trợ cụ thể, kịp thời

Trước khó khăn chồng chất do “dính đòn” Covid-19, các DN mong nhà nước sớm có giải pháp hỗ trợ cụ thể. Trước mắt, đa số DN chưa đến thời hạn trả nợ ngân hàng theo hợp đồng nhưng rất lo sắp tới ngân hàng có xem xét cho giãn nợ hay không. Các DN dệt may đã kiến nghị nhà nước có chính sách giảm 50% thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020, chậm nộp thuế giá trị gia tăng quý IV/2019 và thuế thu nhập DN của năm 2019 sang quý III hoặc quý IV/2020. Miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu đối với DN sản xuất nội địa; miễn tiền phạt chậm nộp thuế, khoanh nợ, giãn nợ, ân hạn nợ, giảm lãi suất, cơ cấu lại khoản vay đối với các ngành kinh tế bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, tạm dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra thường niên trong năm để DN tập trung thời gian, nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh; giãn thời gian quyết toán thuế đến ngày 30-6 thay vì ngày 31-3 như quy định…

Các DN thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ, DN ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP HCM cũng kiến nghị đến chính quyền TP đề xuất Chính phủ cho giãn nợ. Lý do: lãi vay ngân hàng xoay quanh mức 6,5%/năm (vay ngắn hạn) và 9%/năm (vay trung hạn) là khá cao so với tỉ suất lợi nhuận của DN trong điều kiện hiện nay. Các DN cũng mong được giảm một số loại thuế và hoãn thời gian nộp thuế 3 tháng đối với thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu, thuế GTGT, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.

Sở Công Thương TP HCM cũng đã đề xuất UBND TP kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách ưu đãi lãi suất đối với các hợp đồng tín dụng đã ký hoặc hợp đồng tín dụng mới; giãn nợ 3 tháng đối với hợp đồng tín dụng đến hạn từ tháng 3-2020 trở đi. Cùng với đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính giãn thời gian nộp thuế, giảm thuế trên một số lĩnh vực trong năm 2020; có chính sách hỗ trợ giảm 50% BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. 

Đề xuất bỏ quy định giờ cao điểm bán điện buổi sáng

Khá nhiều DN sản xuất công nghiệp cho biết đang tự “lên dây cót” tinh thần, động viên nhau vượt qua giai đoạn gần như “vô tiền khoáng hậu” này. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội DN Cơ khí – Điện TP HCM, cho hay toàn ngành kinh tế đang rơi vào khó khăn nên nhu cầu được hỗ trợ, tháo gỡ của DN cơ bản là giống nhau. Trong những lúc thế này, những bất cập liên quan đến chi phí sản xuất của DN càng lộ rõ và DN rất mong được điều chỉnh cho hợp lý. “Chi phí cho giá điện sản xuất là ví dụ. Từ năm 2014 đến nay, Bộ Công Thương quy định giờ cao điểm trong sản xuất là 9 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút và 17 giờ đến 20 giờ các ngày từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần. Trong các khung giờ này, giá bán điện cao gấp 1,82 lần so với giá điện giờ bình thường (giờ bình thường 1.685 đồng/KWh, giờ cao điểm 3.076 đồng/KWh). Mặc dù mục đích xây dựng khung giá điện giờ cao điểm là nhằm khuyến khích, thúc đẩy DN tiết kiệm điện nhưng việc áp giá điện giờ cao điểm trong khung thời gian 9 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút là bất hợp lý bởi trong khoảng thời gian đó, DN không thể tiết giảm hoặc hạn chế sản xuất. Nếu bỏ áp dụng giá điện giờ cao điểm buổi sáng, DN có thể tiết kiệm được 10% chi phí tiền điện.

Ghi nhận kiến nghị của Hội DN Cơ khí – Điện, Sở Công Thương TP HCM đã đề xuất kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương bãi bỏ quy định giờ cao điểm bán điện theo khung giờ từ 9 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút. Trước mắt, điều chỉnh giảm 50% giá điện giờ cao điểm trong các tháng 3, 4 và 5-2020.


Thanh Nhân