Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham) vừa tiến hành một cuộc khảo sát với các thành viên vào cuối tuần trước về tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam lên tình hình kinh doanh. Cuộc khảo sát tập trung vào các vấn đề hoạt động kinh doanh, việc hạn chế các hoạt động và di chuyển, thủ tục đối với những người nhập cảnh, và tình trạng sẵn sàng của vắc-xin tại Việt Nam.

Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020 tháng 12-2020. Ảnh: Dương Ngọc

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành AmCham, đánh giá sự bùng phát dịch virus Corona đang gây ra sự lo lắng và hoang mang cho mọi ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam. Hơn 90% thành viên AmCham phản hồi rằng đợt bùng phát dịch hiện nay đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ tại đây. Những thách thức lớn nhất nằm ở việc thiếu vắc-xin để bảo vệ các thành viên cũng như những yêu cầu về điều kiện và thủ tục giấy tờ gây khó khăn trong việc đưa những nhân sự quan trọng của họ về Việt Nam.

Hơn 70% người được hỏi cho biết công ty của họ đang hạn chế các chuyến công tác tại Việt Nam. Ông Sitkoff cho biết khoảng 90% hội viên của AmCham đã hủy bỏ lịch trình công tác hay du lịch cá nhân vì lý do nhiều ca lây nhiễm đã được ghi nhận tại hơn 30 tỉnh và thành phố trong đợt bùng phát lần này.

“Kết quả khảo sát đã cho thấy 81% hội viên nói rằng công ty của họ sẽ đưa thêm người đến Việt Nam nếu thời gian cách ly bắt buộc được giảm từ 21 ngày xuống còn 7 ngày” – ông Sitkoff nói. Đồng thời ông cho rằng vắc-xin đã được chứng minh an toàn và hiệu quả. AmCham khuyến khích các cơ quan ban hành những thủ tục nhập cảnh nhẹ nhàng hơn đối với hành khách là các doanh nhân, chuyên gia nước ngoài, và thậm chí cả khách du lịch đã được tiêm vắc-xin đầy đủ.

Theo kết quả khảo sát,  88% doanh nghiệp cho biết sẽ trả thêm tiền để được nhận vắc-xin chất lượng cao tại đây. Giám đốc Điều hành của AmCham một lần nữa đề xuất tập trung các nguồn lực tài chính từ các công ty nếu chính phủ có thể nhanh chóng đảm bảo tình trạng sẵn sàng của vắc-xin cho các công ty thành viên.

Ông Sitkoff cho biết tình trạng sẵn sàng của vắc-xin hiện đang là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với các hội viên của AmCham và cho đến khi thêm nhiều người được nhận các mũi tiêm, sẽ còn xuất hiện thêm những đợt bùng phát và gián đoạn do virus gây ra.

Cần quy trình vắc-xin chung cho đi lại xuyên biên giới

Trước đó, hai chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Matthias Helble và Won Hee Cho đã có bài phân tích về những hành động cần làm ngay để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giúp tăng tốc độ phục hồi kinh tế khỏi đại dịch mà khu vực đang rất cần.

Các chuyên gia cho rằng cần có thêm những nỗ lực lớn về hợp tác song phương và khu vực để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại xuyên biên giới như đồng thuận về qui trình hài hòa đối với hộ chiếu vắc-xin trong khu vực. Châu Á cần khẩn trương hợp tác để xây dựng một quy trình vắc-xin chung cho việc đi lại xuyên biên giới: Một thẻ thông hành chung phải dễ sử dụng, chống gian lận và có sẵn dưới dạng kỹ thuật số; các nỗ lực hội nhập khu vực hiện tại, chẳng hạn như các thỏa thuận thương mại và hợp đồng kỹ thuật, có thể cung cấp một nền tảng để các quốc gia đàm phán.

Các chuyên gia cũng đề xuất tiếp tục cho phép nhập cảnh đối với khách du lịch không có hộ chiếu vắc-xin mà áp dụng các quy trình kiểm dịch thống nhất trong toàn khu vực về kiểm tra trước chuyến đi và trong thời gian cách ly.

Bên cạnh đó, cần sử dụng hoàn toàn các công nghệ kỹ thuật số để truy vết; hợp nhất bong bóng du lịch với hộ chiếu vắc-xin.


Dương Ngọc

Chia sẻ