Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, kể trước khi có đại dịch Covid-19, 99% khách hàng của doanh nghiệp (DN) là khách quốc tế với doanh thu luôn tăng trưởng 30% mỗi năm, làm không hết việc. Nhưng dịch khiến khách quốc tế không tới, buộc DN phải thay đổi, linh hoạt hơn trong du lịch nội địa.

Thích ứng bối cảnh mới

Lux Group đã chuyển hướng sang xây dựng phân khúc riêng cho thị trường nội địa, tập trung vào dòng trung và cao cấp là du khách sang trong nước. Với kinh nghiệm quốc tế đã có, Lux Group tạo ra những trải nghiệm mới, phù hợp với đối tượng nhóm nhỏ, gia đình, những du khách có tiền lần đầu trải nghiệm dịch vụ sang trọng.

Năm 2020, dù khó khăn do dịch nhưng Heritage Bình Chuẩn, một trong 3 du thuyền của Lux Group vẫn khai thác tour phục vụ khách thường xuyên ở vịnh Bắc Bộ, với 25 chuyến/tháng. Lux Group còn chuyển đổi sang mô hình Holdings đón dòng vốn ngoại để mở rộng kinh doanh, thực hiện tham vọng phát triển đội tàu 30 chiếc du thuyền.

Du thuyền của Lux Group vẫn khai thác tour phục vụ khách thường xuyên ở vịnh Bắc Bộ Ảnh: LAM GIANG

Dự kiến, năm 2021 đưa 3 du thuyền mới vào hoạt động tại Lan Hạ, Nha Trang, Phú Quốc. Đồng thời, lấn sang bất động sản du lịch, thương mại và dịch vụ. Mục tiêu lớn nhất của Heritage Cruises là chạy dọc bờ biển Việt Nam, tạo sản phẩm mới cho du lịch Việt Nam vào năm 2025…

Ngay ở thời điểm này, nhiều DN du lịch khác cũng nhanh chóng chuyển hướng để thích nghi trong điều kiện mới. Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại dịp lễ 30-4, Công ty Vietravel đã chủ động ngưng các tour đến các địa phương có ca nhiễm. Thay vào đó, DN tập trung phục vụ cho các nhóm khách nhỏ, đi riêng lẻ với loại hình sản phẩm gói dịch vụ, sản phẩm Caravan – du lịch bằng xe riêng, dòng sản phẩm luxury (cao cấp)…

Công ty TST tourist cho hay những khó khăn về tâm lý bất ổn của khách hàng trong đợt dịch thứ 4 không xảy ra, góp phần tạo sự ổn định chung cho hoạt động của DN lữ hành và ngành du lịch, vốn bị ảnh hưởng nặng nề từ năm 2020 đến nay. Dự kiến, sau khi dịch được kiểm soát, khách sẽ trở lại nên hiện tại DN cùng khách lên kế hoạch chuẩn bị sản phẩm, chương trình tour tuyến, chờ đến khi tình hình dịch được kiểm soát.

Tập trung du lịch nội địa

Là một DN kinh doanh cả hàng không và lữ hành, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Holdings, cho rằng trong khi thị trường du lịch nước ngoài và khách quốc tế gần như không thể khai thác do dịch Covid-19, du lịch nội địa đã cứu ngành du lịch Việt Nam. Để du lịch nội địa thật sự trở thành trụ cột chính của ngành hiện nay và trong tương lai, cần một kế hoạch tổng thể để lấy lại tốc độ phát triển trước đây trong giai đoạn bình thường mới.

Chủ tịch HĐQT Vietravel đề xuất ngành du lịch cần đánh giá và định vị lại chính sách thị trường nội địa trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, trong đó cần làm rõ vai trò và tầm quan trọng của thị trường khách du lịch trong nước đối với sự phát triển ngành.

Đại dịch đã tạo ra sự thay đổi và nhu cầu mới làm thay đổi hoàn toàn thị trường du lịch trong nước. Chính phủ, Tổng cục Du lịch và các địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện cho DN kiến tạo các sản phẩm mới, dịch vụ mới, phù hợp với xu thế, nhất là sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu trong nước…

Ông Phạm Hà cũng lo ngại dịch bệnh rồi sẽ qua đi nhưng khả năng phục hồi của các DN du lịch khiến những người trong ngành băn khoăn, nếu không có những chính sách thực sự hữu hiệu. Bởi ngành đã chảy máu chất xám, cạn kiệt vốn và phải ít nhất 4-5 năm nữa, thị trường quốc tế mới có thể phục hồi như năm 2019. Nếu không có những chính sách phù hợp cho cả thị trường nội địa và quốc tế, chắc chắn du lịch Việt Nam sẽ tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Một trong những khó khăn nhất của DN du lịch hiện nay là nguồn vốn để tiếp tục duy trì hoạt động, giữ nhân sự. Nhiều DN đã phải cầm cố tài sản cá nhân để vay tiền ngân hàng, có vốn tiếp tục duy trì DN. Do đó, phần lớn DN kiến nghị cần cơ chế mới hỗ trợ về vốn nhằm tái lập hoạt động kinh doanh. Bởi DN muốn vay tiền từ ngân hàng phải có tài sản thế chấp, trong khi DN du lịch lữ hành chỉ có uy tín và thương hiệu – những thứ ngân hàng không nhận thế chấp.

“Cho phép DN trong ngành được khoanh nợ và tái cấu trúc các khoản vay đến hết năm 2021 để DN phục hồi và tái lập hoạt động sau dịch. Xây dựng các quỹ tài chính hỗ trợ cho ngành du lịch dưới hình thức hỗ trợ trực tiếp cho khách trong năm nay, điều này sẽ giúp khuyến khích và tác động kích cầu được một lượng khách rất lớn du lịch trong nước” – ông Nguyễn Quốc Kỳ kiến nghị.

Theo các DN, có 4 vấn đề lớn nhất của du lịch Việt Nam cần nhìn thẳng và cần cụ thể hóa bằng hành động là cơ chế chính sách cho du lịch; yếu tố con người; sản phẩm du lịch và xúc tiến du lịch hiệu quả.

Để xúc tiến và quảng bá hiệu quả, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, đề nghị cơ quan quản lý về du lịch và các địa phương cần tăng cường chương trình liên kết với các địa phương trên cả nước để xây dựng chiến dịch điểm đến. Từ đó tạo nên các làn sóng dịch chuyển 2 chiều, thu hút du khách đến, lưu trú và khám phá TP HCM và liên tuyến đến khu vực Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ, đồng thời khuyến khích người dân đi du lịch đến các địa phương liên kết.

“Các làn sóng này nên triển khai tập trung với 1 hoặc 2 tỉnh thành theo từng đợt, nhằm tạo sự tập trung cho công tác tiếp thị – sản phẩm ưu đãi và truyền thông về hiệu quả thực tế. Kết quả thu được sẽ vừa là động lực vừa là kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình liên kết – hợp tác” – tổng giám đốc lữ hành Saigontourist đề xuất.

Mòn mỏi chờ tiếp cận các gói hỗ trợ

Ngày 14-5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on – Hop off Việt Nam, đang khai thác tour tham quan TP HCM bằng xe buýt 2 tầng Hop on – Hop off, cho biết khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát nhưng công ty vẫn duy trì tour mỗi ngày. Có tuyến xe phải chạy với… 1 khách nhưng công ty vẫn cầm cự để tồn tại trong dịch, chờ cơ hội phục hồi bởi còn đội ngũ nhân sự, hướng dẫn viên, tài xế.

Khó khăn chồng chất nhưng DN này vẫn duy trì tour để cứ khách đến TP HCM bất kỳ lúc nào, giai đoạn nào vẫn thấy có xe buýt 2 tầng đưa đi tham quan. Tuy nhiên, ông Nguyễn Khoa Luân xác nhận đến nay công ty vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các gói về tín dụng ưu đãi, miễn giảm lãi vay của các ngân hàng. Do đó, DN mong muốn sớm nhận được sự hỗ trợ về vốn, chính sách để tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh, giữ sản phẩm du lịch đặc trưng cho TP.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-5


THÁI PHƯƠNG

Chia sẻ